(CMO) Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2011-2021, sạt lở bờ biển đã làm mất đất và rừng phòng hộ với diện tích khoảng 5.250 ha, sạt lở bờ sông thời gian qua đã làm hư hỏng gần 28 km đường giao thông và hàng trăm căn nhà, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân và tốc độ phát triển của địa phương.
“Được sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã huy động nhiều nguồn lực, thực hiện khắc phục sạt lở. Ðã đầu tư hoàn thành 56,7 km kè biển, hiện đang triển khai thực hiện 31,2 km; đồng thời, khắc phục sạt lở nhiều đoạn bờ sông để bảo vệ tính mạng, tài sản người dân, công trình, hạ tầng của Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp và nguy cơ ảnh hưởng ngày thêm nghiêm trọng”, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết.
Cụ thể, tổng chiều dài bờ biển đang tiếp tục bị sạt lở 105,8 km; trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm 43,5 km (đã ban bố tình huống khẩn cấp, phê duyệt dự án và đang triển khai thực hiện được 3,4 km/10 km; đã đưa vào dự án đầu tư từ nguồn vốn vay của AFD 11 km; mới ban bố tình huống khẩn cấp, đang lập dự án 29,15 km) và sạt lở nguy hiểm 62,3 km (bờ biển Tây 22 km, bờ biển Ðông 40,3 km).
Sạt lở bờ sông đang diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế của người dân và phá huỷ các công trình xây dựng của Nhà nước. (Ảnh: Sạt lở bờ sông Năm Căn tại thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn).
Riêng đối với khu vực biển Tây, tổng chiều dài các đoạn bờ biển đang bị sạt lở ở mức độ đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm 33 km. Trong đó, với đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm chiều dài 11 km, hiện nay tỉnh Cà Mau đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư để triển khai thực hiện, từ nguồn vốn vay của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đối với Dự án xây dựng đê biển Tây từ Cái Ðôi Vàm đến Kênh Năm và kè phòng, chống sạt lở bờ biển các đoạn xung yếu từ cửa biển Sông Ðốc đến cửa biển Bảy Háp, với tổng mức đầu tư khoảng 849,3 tỷ đồng.
Cà Mau cũng đang khẩn trương triển khai các bước lập hồ sơ chuẩn bị đầu tư kè đê biển các đoạn sạt lở nguy hiểm chiều dài 22 km nhằm hoàn thành việc khép kín hệ thống công trình kè bảo vệ toàn bộ bờ Tây, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc vào ngày 11 và 12/8 với Cà Mau và các tỉnh ÐBSCL vừa qua.
Sạt lở bờ sông thời gian qua cũng diễn biến hết sức phức tạp. Riêng 7 tháng đầu năm nay đã xảy ra 228 vị trí, với chiều dài 5.866 m, làm hư hỏng và thiệt hại 94 căn nhà, ước tổng thiệt hại khoảng trên 15,7 tỷ đồng. “Qua rà soát, đối chiếu với quy định, các đoạn bờ sông đang bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm có chiều dài khoảng 47 km”, ông Lê Văn Sử thông tin.
Qua khảo sát, tính toán của cơ quan chuyên môn, nhu cầu kinh phí đầu tư xây dựng công trình khắc phục sạt lở bờ sông dự kiến khoảng 3.773 tỷ đồng. Do suất đầu tư khắc phục sạt lở bờ sông rất cao (khoảng 80 tỷ đồng/km), nhu cầu đầu tư quá lớn nên hiện nay UBND tỉnh đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kết hợp với các viện, trường và các chuyên gia đầu ngành nghiên cứu giải pháp công trình chỉnh trị và bảo vệ bờ sông đảm bảo tối ưu, ít tốn kém, hiệu quả cao và phù hợp với điều kiện địa hình (thuỷ văn, thuỷ lực mạng lưới sông, vận chuyến bùn cát, quy luật biến đổi lòng dẫn...) trước khi triển khai thực hiện.
UBND tỉnh vừa có văn bản hoả tốc gửi Bộ Tài chính đề xuất danh mục dự án khẩn cấp, khắc phục hậu quả thiên tai, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên đầu tư, xin hỗ trợ kinh phí thực hiện đầu tư xây dụng các dự án khẩn cấp phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh trước diễn biến ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội của địa phương.
Sóng biển gây áp lực lên tuyến bờ, tiếp tục làm mất đất rừng phòng hộ tại vàm Kênh 5 Ô Rô, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển
Ðối với sạt lở bờ sông, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chia sẻ: “Tỉnh đã chỉ đạo thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân nơi đã xảy ra sạt lở, cảnh báo đối với những nơi có nguy cơ bị sạt lở. Do đó, tỉnh Cà Mau chưa đề xuất danh mục dự án khẩn cấp sạt lở bờ sông trong đợt này. Ðối với những vị trí buộc phải thực hiện các biện pháp đầu tư khẩn cấp, trước mắt, tỉnh sẽ cố gắng khắc phục từ nguồn dự phòng ngân sách của địa phương”.
Ðược biết, tổng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách cấp tỉnh năm 2022 của địa phương là 791,191 tỷ đồng. UBND tỉnh đã phân bổ cho các nhiệm vụ chi cụ thể, tại Quyết định số 645/QÐ-UBND ngày 10/4/2023. Về nguồn dự trữ của địa phương, Quỹ dự trữ tài chính của tỉnh số dư đến thời điểm hiện tại là 20,5 tỷ đồng; đối với nguồn dự phòng ngân sách cấp tỉnh năm 2023 là 113,1 tỷ đồng, đã sử dụng 7 tháng đầu năm là 42,7 tỷ đồng, còn lại 70,4 tỷ đồng ưu tiên để sử dụng cho công tác phòng, chống thiên tai, các nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh trong những tháng cuối năm. Thế nên, tỉnh rất cần sự hỗ trợ tích cực từ ngân sách Trung ương.
Ngày 24/8 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định hoả tốc số 1527/QÐ-UBND công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sạt lở bờ biển của tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND các huyện: Ngọc Hiển, Năm Căn và Ðầm Dơi khoanh vùng khu vực bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm, thiết lập hành lang an toàn; bố trí lực lượng theo dõi diễn biến sạt lở. Tổ chức khảo sát, lựa chọn giải pháp và lập thủ tục đầu tư các dự án phòng, chống sạt lở nêu trên theo tình huống khẩn cấp, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định. Tổ chức triển khai thực hiện công trình theo tình huống khẩn cấp.
Trần Nguyên