(CMO) Hiện nay, tỷ lệ trẻ nhỏ chậm nói, rối loạn về ngôn ngữ khá nhiều. Vì tính chất công việc mà các bậc phụ huynh còn xem nhẹ vấn đề này, đặc biệt số đông còn chủ quan cho rằng trẻ lớn lên sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, rối loạn ngôn ngữ ở trẻ cần được can thiệp sớm và điều trị trước 3 tuổi, đây là giai đoạn vàng để trẻ mau phục hồi, tránh bệnh tình diễn biến nặng, ảnh hưởng đến sự phát triển và trưởng thành của trẻ về sau.
Rối loạn ngôn ngữ là tình trạng trẻ cảm thấy khó diễn đạt, giao tiếp bằng ngôn ngữ, dẫn đến không tương tác với mọi người xung quanh. Theo đó, độ tuổi can thiệp tốt nhất là từ 24-36 tháng tuổi. Khi thấy con chậm nói, lầm lì, thụ động so với độ tuổi nên đưa đi thăm khám, xác định bệnh tình và mức độ để có bước trị liệu phù hợp, tránh đánh mất cơ hội vàng, nâng cao khả năng hoà nhập của trẻ.
Trong quá trình trẻ tiếp nhận điều trị rối loạn ngôn ngữ, chậm nói, rất cần sự đồng hành của phụ huynh. Ngoài những giờ can thiệp tại chỗ, bác sĩ sẽ giao một số bài tập về nhà cho phụ huynh tương tác cùng con. |
Bắt đầu từ lúc con 28 tháng tuổi, thấy con không tương tác, chậm hơn rất nhiều so với những trẻ khác cùng độ tuổi nên chị T.T.K.N (Phường 8, TP Cà Mau) cảm thấy lo lắng và đưa con đi thăm khám nhiều nơi.
Chị N tâm sự: “Nay bé đã được 4 tuổi nhưng khả năng biểu đạt rất chậm, không nêu ra được mong muốn hàng ngày, ít tương tác với cha mẹ. Gia đình rất lo lắng vì bé là con đầu lòng, trước nay trong dòng họ không gặp tình trạng này. Hiện tại, tôi đưa bé đến Phòng khám phục hồi chức năng Minh Hải (Phường 7) để điều trị, đến nay đã 2 tháng, thấy bé có thay đổi, mạnh dạn, linh hoạt hơn”.
Vì tính chất công việc nên chị N ít có thời gian chơi với con, cũng như ít gần gũi chăm sóc. Hy vọng của gia đình là mong con cải thiện được vấn đề giao tiếp, bổ sung vốn từ, bình thường như bạn bè cùng trang lứa, như vậy khi đi học con mới hoà nhập và không thua sút bạn bè.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Linh, Phòng khám phục hồi chức năng Minh Hải, cho biết: “Trẻ rối loạn ngôn ngữ, chậm nói, có hành vi bất thường, không tập trung, đó là những biểu hiện sớm nhất có thể thấy ở trẻ. Mỗi đứa trẻ là một cá thể duy nhất, cho nên khi điều trị, không có phác đồ chung nào cho trẻ mà phải tuỳ vào tình trạng sức khoẻ, mức độ, độ tuổi mà đánh giá toàn diện. Thông thường xét trên 6 lĩnh vực, gồm vận động, ngôn ngữ, nhận thức, cá nhân xã hội, hành vi cảm xúc và tiền học đường để đánh giá”.
Trong phác đồ điều trị, phụ huynh đóng vai trò cực kỳ quan trọng, luôn phải đồng hành cùng con trong lúc thăm khám, trị liệu, nắm rõ các bước can thiệp tại nhà (giao bài tập cho phụ huynh) để có sự liên tục, giảm thời gian điều trị, giúp trẻ mau phục hồi, tiết kiệm chi phí.
Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ là căn bệnh hiện đại, có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây. Chuyên ngành nhi khoa phát triển hành vi là chuyên ngành khá mới, nên khi tiếp nhận trẻ sẽ gặp không ít khó khăn, nhất là tại Cà Mau trước đây chưa có cơ sở y tế, phòng khám chuyên biệt điều trị về vấn đề này.
Thông thường, đối với vấn đề trị liệu rối loạn ngôn ngữ ở trẻ, trung tâm sẽ nhận thông tin từ trẻ, tư vấn phụ huynh cùng người chăm sóc chính, thực hiện khám liên ngành gồm bác sĩ, chuyên viên âm ngữ và giáo dục đặc biệt. Từ đó, vấn đề của trẻ được xác định, có những kế hoạch cụ thể.
Ông Huỳnh Nhật Hào, Phòng khám phục hồi chức năng Minh Hải, chia sẻ: “Những ngày đầu tiếp nhận, làm quen trẻ cần rất nhiều thời gian, xác định các lĩnh vực của trẻ rồi so sánh với độ tuổi, tiếp cận trẻ thông qua sở thích, ghi nhận lại. Trong quá trình điều trị, dùng các trò chơi thu hút sự chú ý của trẻ, hạn chế trải nghiệm thực tế, chơi thông qua đồ dùng hoặc hình ảnh màu sắc sinh động”. Việc can thiệp âm ngữ thông qua trò chơi có nhiều ưu điểm khi cung cấp vốn từ cho trẻ, dạy trẻ nói đúng ngữ cảnh, đúng từ.
Như đã đề cập, mỗi đứa trẻ là một cá thể duy nhất, việc chăm sóc của phụ huynh và gia đình vẫn là yếu tố đầu tiên. Bên cạnh giúp các em có môi trường phát triển bình thường, lành mạnh thì việc phát hiện, hỗ trợ, điều trị khi trẻ gặp các vấn đề từ sớm cũng là cách giúp các em phát triển khoẻ mạnh hơn. Riêng khi con có biểu hiện lạ nên đưa đi thăm khám, quá trình điều trị cần nhẫn nại khi việc này mất nhiều thời gian. Lời khuyên từ bác sĩ là các bậc phụ huynh nên dành thời gian chơi với con, nên bỏ quan niệm so sánh con với những đứa trẻ khác./.
Nhi Ngô