ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 8-9-24 04:20:29
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cẩn trọng ngộ độc con so

Báo Cà Mau Những ngày qua, Bệnh viện Ða khoa Cái Nước tiếp nhận và cấp cứu nhiều trường hợp ngộ độc sau khi ăn con so mà người dân nghĩ là sam biển. Trung tâm Y tế huyện cảnh báo người dân phân biệt rõ để tránh ăn nhầm con so dẫn đến bị ngộ độc, nguy hiểm đến sức khoẻ và tính mạng.

Sam biển được xem là sản vật mang nét đặc trưng và trở thành món đặc sản đối với người xứ biển, với cách ăn phổ biến nhất là nướng. Tuy vậy, trong tự nhiên có một loài giáp xác hình dạng, kích thước và màu sắc tương tự như sam biển nhưng chúng chứa độc tố rất cao, người ăn ngay lập tức bị ngộ độc, ngành chuyên môn gọi là con so biển (còn gọi là sam đuôi tròn hoặc sam lông). Chính vì con so có nhiều điểm tương đồng với con sam nên có không ít trường hợp người dân nhầm lẫn, chế biến con so làm thức ăn và hậu quả bị ngộ độc, phải nhập viện cấp cứu.

Mới đây, vào khoảng 2 giờ 50 phút, ngày 25/1, Bệnh viện Ða khoa Cái Nước tiếp nhận nữ bệnh nhân Ð.T.H.M (36 tuổi, ngụ Khóm 5, thị trấn Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân) nhập viện cấp cứu trong tình trạng tím tái, khó thở, lừ đừ, tứ chi bị tê liệt và ngưng thở. Sau nhiều giờ được các bác sĩ cấp cứu, chăm sóc đặc biệt, sức khoẻ bệnh nhân dần hồi phục và vượt qua cơn nguy kịch.

Trung tâm Y tế huyện phối hợp Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Ða khoa Cái Nước tìm hiểu bệnh nhân bị ngộ độc.

Ngay sau khi bệnh nhân phục hồi, Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Ða khoa Cái Nước trực tiếp đến giường bệnh thăm hỏi sức khoẻ và tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến ngộ độc. Người thân bệnh nhân M cho biết: Vào ngày 24/1, gia đình đóng đáy trên tuyến sông Công Nghiệp và bắt được 4 con sam trứng mang về nướng, chia mỗi người 1 con ăn trong buổi cơm chiều. Các thành viên khác trong gia đình không có triệu chứng bất thường, riêng bệnh nhân M khi ăn vào cảm giác bị tê ở vùng miệng nên ngưng ăn. Sau đó, bệnh nhân mệt và khó thở, gia đình chuyển Bệnh viện Ða khoa Cái Nước cấp cứu.

Trước đó, vào khoảng 1 giờ ngày 22/1, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Ða khoa Cái Nước tiếp nhận 3 trường hợp ăn sam biển bị ngộ độc ở ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân. Gia đình cho biết, ông C.T.H đi biển đánh bắt được 3 con sam, mang về nhà nướng và tổ chức tiệc nhậu. Tham gia tiệc nhậu có 4 người, trong đó có 1 người không ăn. Sau khoảng 2 giờ, ông H có triệu chứng tê vùng miệng, gia đình đưa đến Trạm Y tế xã Nguyễn Việt Khái khám.

Do tình trạng sức khoẻ bệnh nhân không ổn định, gia đình tiếp tục chuyển ông H và 2 người trong tiệc nhậu có sử dụng sam nướng lên Bệnh viện Ða khoa Cái Nước cấp cứu. Lúc này, bệnh nhân H bị ngộ độc khá nặng phải điều trị tích cực, kết hợp cho thở máy. Sau 24 giờ, sức khoẻ bệnh nhân mới hồi phục. Còn 2 người kia sử dụng thịt sam ít nên có triệu chứng nhẹ, qua thăm khám, bác sĩ cho 1 trường hợp xuất viện, bệnh nhân còn lại được tiếp tục theo dõi, điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hộ, Khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Ða khoa Cái Nước, cho biết, các trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc khi nhập viện, hướng điều trị là tiến hành trung hoà độc tố và đặt ống trợ thở. Ðối với những trường hợp ngộ độc phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời thì qua 24 giờ bệnh nhân sẽ dần phục hồi, qua cơn nguy kịch.

Theo ông Quách Văn Dự, Trưởng khoa Y tế công cộng - Dinh dưỡng và An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Y tế huyện Cái Nước, các bệnh nhân bị ngộ độc cho rằng do ăn con sam biển, có thể họ đã nhầm lẫn với con so. Vì trong môi trường tự nhiên xuất hiện loài giáp xác có hình dạng, màu sắc khá tương đồng với con sam biển, chứa độc tố rất cao, được gọi là con so, con người khi ăn phải loài giáp xác này sẽ rất nguy hiểm cho sức khoẻ.

Ðể phân biệt con sam và con so, chúng ta có thể dựa vào một vài đặc điểm như sau: đuôi con sam khi cắt ngang có tiết diện hình tam giác, 3 cạnh chụm lại kéo dài đến tận cuối đuôi, ở đỉnh tam giác có gai nhọn như lưỡi cưa. Ngược lại, đuôi so có tiết diện hình tròn hoặc bầu dục và không hề có gai nhọn. Con sam khi di chuyển thường đi theo cặp, sam đực bám lên lưng con cái; con so thường đi đơn lẻ, tuy nhiên vào mùa giao phối thì con đực và con cái có thể cùng nhau di chuyển. Ðể phòng ngừa xảy ra ngộ độc, đảm bảo an toàn sức khoẻ cho bản thân và gia đình, nếu chúng ta không phân biệt được con sam và con so thì tốt nhất không nên ăn để phòng tránh ngộ độc./.

 

Huỳnh Việt

 

Chọn lựa và bảo quản thực phẩm đúng cách

Thực phẩm luôn được xem là một trong những thứ thiết yếu đối với đời sống hằng ngày của mọi gia đình. Khi mức sống người dân ngày càng được nâng cao thì nhu cầu về thực phẩm sạch, nhất là đối với những loại thực phẩm tươi sống càng cấp thiết hơn. Tuy nhiên, cách chọn lựa và bảo quản thực phẩm như thế nào vừa để đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, vừa an toàn vệ sinh trong quá trình chế biến và sử dụng, đòi hỏi người tiêu dùng cần có những kỹ năng cơ bản.   

Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm dịp Tết trung thu 2024

Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ cho mọi người, Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Cà Mau đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết trung thu 2024. Nội dung chính của kế hoạch gồm công tác tuyên truyền và công tác kiểm tra.

Bệnh ung thư và gánh nặng tài chính

Ung thư không những là nỗi ám ảnh từ sự đau đớn về thể xác, tinh thần, tuổi thọ của người bệnh mà còn là gánh nặng chi phí điều trị cho gia đình bệnh nhân. Bởi thực tế cho thấy, có rất nhiều loại thuốc đặc trị ung thư không nằm trong danh mục được thanh toán theo chế độ của bảo hiểm y tế hiện nay.

Không để lây lan dịch bệnh trong trường học

Hiện nay, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là các bệnh lây qua đường hô hấp, đường tiêu hoá và các bệnh dù có vắc xin phòng bệnh ở trẻ nhưng có thể quay trở lại. Ðể chủ động kiểm soát các loại dịch bệnh truyền nhiễm có thể lây lan trong trường học và bảo vệ sức khoẻ học sinh, trước khi bước vào năm học mới, Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Cà Mau triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.

Nơi ánh đèn không bao giờ tắt

Đó là Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Ða khoa tỉnh, nơi các y, bác sĩ, thiết bị y tế luôn trong trạng thái sẵn sàng, tất cả vì cuộc đua giành lấy sự sống cho bệnh nhân từ tay tử thần.

Dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em

Một trong những trăn trở của các bà mẹ có con nhỏ hay trẻ trong độ tuổi ăn dặm chính là chế độ dinh dưỡng vừa đảm bảo sức khoẻ cho mẹ, vừa giúp bé phát triển tối ưu. Chính vì vậy, việc cung cấp thông tin chính xác, khoa học và dễ tiếp cận về dinh dưỡng là vô cùng quan trọng.

Sàng lọc trước sinh, sơ sinh

Hiện nay, phương pháp sàng lọc trước sinh (SLTS) và sàng lọc sơ sinh (SLSS) là một trong những phương pháp kỹ thuật khoa học tiên tiến, hiện đại nhằm phát hiện những biểu hiện bệnh lý trong giai đoạn bào thai cũng như trong 48-120 giờ sau khi trẻ chào đời. Từ đó, sẽ có những can thiệp y học kịp thời, phù hợp cho cả mẹ và bé nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những trường hợp dị tật, dị dạng, thiểu năng trí tuệ cũng như những bệnh lý di truyền...

Phòng ngừa, phát hiện sớm bệnh ung thư vú

Bác sĩ CKII Châu Tấn Ðạt, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Ða khoa Cà Mau, cho biết: "Theo số liệu khảo sát mới nhất, trong 5 loại bệnh ung thư thường gặp ở nữ giới thì ung thư vú (UTV) là loại ung thư đứng đầu về tỷ lệ mắc và đứng thứ 3 về nguyên nhân gây tử vong, sau ung thư gan, phổi".

Phòng chống dịch sởi mùa tựu trường

Trước thềm năm học mới 2024-2025, với các trường mẫu giáo, mầm non trên địa bàn tỉnh, bên cạnh công tác chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, trang trí không gian lớp học, nhà trường còn đặc biệt chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh.

Nỗi lòng người mắc bệnh K

Khi biết mình mắc bệnh K, phần lớn người bệnh đều khó chấp nhận được. Do đó, họ luôn cần có những người bạn, người thân trong gia đình biết lắng nghe để giải toả được những căn thẳng, lo âu.