(CMO) Hòn Đá Bạc có diện tích khoảng 6,34 ha, thuộc xóm Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, là cụm đảo gồm 3 hòn nhỏ nằm liền nhau. Di tích Hòn Đá Bạc ngoài vẻ đẹp huyền bí, hoang sơ còn có giá trị lịch sử, văn hoá quan trọng. Nơi đây ghi đậm dấu tích tự hào của quân và dân tỉnh Cà Mau trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến công lẫy lừng kết thúc thắng lợi Chuyên án CM12 vào ngày 9/9/1984 và được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2009.
Trước đây, Công ty TNHH Thương mại - Du lịch Minh Nhật được UBND tỉnh Cà Mau giao chủ sở hữu đầu tư xây dựng Khu di tích lịch sử quốc gia Hòn Đá Bạc thành khu du lịch. Sau đó, Bộ Công an có chủ trương bồi thường, hỗ trợ 67 tỷ đồng và giao cho Công an tỉnh Cà Mau tiếp nhận, quản lý để “Phát triển Khu di tích lịch sử quốc gia Hòn Đá Bạc trở thành “địa chỉ đỏ”, biểu tượng ghi dấu chiến công oanh liệt của lực lượng Công an Nhân dân".
Nhiều du khách phàn nàn nơi đây thiếu các dịch vụ du lịch đúng nghĩa, khiến khách tham quan đến một lần rồi không hẹn ngày trở lại. |
Do ít khách tham quan nên người dân mất nguồn thu từ các sản vật rừng, biển… |
Nước ngập, rác thải vương vãi trước cổng phòng vé. |
Khu nhà bán hàng lưu niệm bị đổ vỡ, không được sửa chữa. |
Cầu dẫn vào hòn bị nước biển bào mòn, nguy cơ sập bất cứ lúc nào. |
Nhiều lều quán trước cổng Khu du lịch Hòn Đá Bạc "đắp chiếu" chờ thời. |
Theo kiểm tra thực tế của Sở VH-TT&DL tỉnh, hiện Công an tỉnh hợp đồng với Công ty Kiên Giang Phát khai thác và quản lý với giá 1 tỷ đồng/năm. Do không có kinh nghiệm nên hoạt động khai thác du lịch không mang lại hiệu quả. Hiện cơ sở hạ tầng: khách sạn, đường nội bộ, sân bãi nhiều nơi bị xuống cấp nghiêm trọng, giá dịch vụ du lịch cao hơn mức quy định của HĐND tỉnh, gây bức xúc trong Nhân dân.
Việc triển khai dự án, mô hình quản lý khai thác phục vụ khách tham quan Khu di tích lịch sử Hòn Đá Bạc là chủ trương lớn của Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, rất cần được ngành chủ quản quan tâm chấn chỉnh để phục vụ du khách tham quan./.
Thanh Quang