Ca bệnh cúm A/H9N2 đầu tiên tại Việt Nam vừa được Bộ Y tế công bố vào ngày 2/4 vừa qua. Trước tình hình này, Sở Y tế đã cảnh báo người dân phải nâng cao ý thức đề phòng vì các chủng vi rút rất dễ biến đổi thành chủng nặng hơn hoặc vẫn chủng đó nhưng biến đổi, có độc lực cao hơn, lây lan nhanh hơn, triệu chứng nặng hơn.
- Cảnh giác với bệnh tay - chân - miệng nặng
- Cà Mau khẩn trương kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan
- Tránh lạm dụng “Bác sĩ Google”
Ca mắc cúm gia cầm A/H9N2 đầu tiên tại Việt Nam là bệnh nhân nam, 37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Ðông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Bệnh nhân được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế khẳng định, cúm gia cầm A/H9N2 có nguồn gây bệnh trên động vật nên ngành y tế không thể đơn phương kiểm soát, đòi hỏi có sự phối hợp giữa nhiều ngành, đơn vị. Cúm A/H9N2 trên gia cầm ít gây bệnh, hơn nữa gia cầm mắc bệnh không có triệu chứng rõ ràng nên việc giám sát của ngành thú y gặp khó khăn.
Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết cúm A(H9N2) ít gây bệnh nhưng triệu chứng không rõ ràng. Người dân cần phải cảnh giác. (Ảnh minh hoạ do Sở Y tế cung cấp).
Bệnh cúm này được ghi nhận trên người vào năm 1988 tại Trung Quốc. Tính đến nay, trên thế giới đã ghi nhận 135 trường hợp mắc cúm A/H9N2 trên người.
Vi rút cúm gia cầm A được phân thành 2 loại: vi rút cúm gia cầm A có khả năng gây bệnh thấp và vi rút cúm gia cầm A độc lực cao. Một số chủng vi rút có độc lực cao như: cúm A/H7N9, cúm A/H5N2, cúm A/H5N8, cúm A/H5N1... Còn với tất cả các loại vi rút cúm A/H9 cho đến nay được xác định trên toàn thế giới ở các loài chim và gia cầm hoang dã đều có khả năng gây bệnh thấp.
Phun thuốc tiêu độc, khử trùng trên đàn gia cầm là giải pháp phòng ngừa dịch bệnh lây từ gia cầm sang người. (Ảnh minh hoạ, do Sở Y tế cung cấp).
Bác sĩ Vương Hữu Tiến, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết: "Ðể phòng, chống cúm gia cầm, trong đó có cúm A/H9N2 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh như hiện tại, Sở đã có văn bản chỉ đạo đến các trung tâm y tế huyện, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp mắc bệnh, sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế; khẩn trương tổ chức điều tra nguồn lây và xử lý triệt để ổ dịch. Ðồng thời, chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn; sẵn sàng thuốc, vật tư, hoá chất, phương tiện hỗ trợ địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch".
Ngay từ đầu năm, ngành y tế và ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã xây dựng kế hoạch phối hợp phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, trong đó ưu tiên phối hợp thực hiện việc giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm, kịp thời chia sẻ thông tin và phối hợp xử lý triệt để ổ dịch; tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người, đặc biệt tại khu vực xảy ra dịch bệnh trên đàn gia cầm và những khu vực có nguy cơ cao.
Tiêm vắc-xin là một biện pháp phòng bệnh hiệu quả cho đàn gia cầm (Ảnh minh hoạ do Sở Y tế cung cấp).
Bác sĩ Vương Hữu Tiến cho biết: "Ðể chủ động phòng, chống dịch bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, ngành y tế khuyến cáo: Ðầu tiên là không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm bệnh, chết và không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống chín. Thứ hai, không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khi tiếp xúc trực tiếp với gia cầm, sản phẩm gia cầm tươi sống phải tuân thủ các biện pháp vệ sinh thường quy. Thứ ba, khi phát hiện gia cầm bệnh, chết, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng, mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Và cuối cùng là, khi có biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm, phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời"./.
Lam Khánh