Phương thức đánh cắp dữ liệu thẻ ATM ngày càng phổ biến, gây thiệt hại lớn cho người sử dụng. Bài viết này sẽ cung cấp một số thông tin về phương thức cài đặt thiết bị đọc trộm dữ liệu (skimming) tại các cây ATM, cũng như khuyến cáo cách thức để người dùng tránh khỏi nguy cơ bị đánh cắp thông tin.
Skimming là thiết bị nhỏ của kẻ gian gắn vào khe đọc thẻ ATM. Thiết bị này có thể sao chép dải từ của thẻ ATM, chứa thông tin về số tài khoản, tên chủ thẻ và ngày hết hạn. Kẻ gian có thể sử dụng thông tin này để tạo thẻ ATM giả và rút tiền từ tài khoản của bạn. Ðối tượng thường cài đặt thiết bị skimming vào ban đêm hoặc khi lượng khách hàng giao dịch tại ATM ít; thiết bị được thiết kế giống với khe đọc thẻ thật, do đó rất khó phát hiện.
Nếu khách hàng nghi ngờ có thiết bị skimming được cài đặt tại ATM, hãy báo ngay cho ngân hàng và cơ quan chức năng.
Ðể đảm bảo an toàn cho tài khoản ngân hàng và tránh các rủi ro bị lấy cắp thông tin, trộm tiền qua ATM, ông Lê Quán Thượng, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) chi nhánh Cà Mau, khuyến cáo người dùng thẻ thực hiện các biện pháp sau: “Thường xuyên thay đổi mật khẩu thẻ, đặt mật khẩu nên là dãy ký tự phức tạp, bao gồm cả chữ hoa, chữ thường, số và ký hiệu đặc biệt. Tránh sử dụng thông tin cá nhân dễ đoán như ngày sinh, số điện thoại... Ðăng ký dịch vụ nhận tin nhắn thông báo biến động số dư, giúp khách hàng theo dõi mọi giao dịch trên tài khoản và phát hiện sớm các hoạt động bất thường. Trước khi sử dụng, hãy kiểm tra quan sát kỹ xem có thiết bị lạ nào được gắn vào khe đọc thẻ hay bàn phím hay không. Nên che bàn phím khi nhập mật khẩu, giúp bảo vệ mật khẩu của bạn khỏi những con mắt tò mò. Biên lai có thể chứa thông tin quan trọng về giao dịch của bạn, hãy cẩn thận thu gom và tiêu huỷ sau khi sử dụng, không nên vứt biên lai tại cây ATM”.
Chị Dương Trúc Linh, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) chi nhánh Cà Mau, chia sẻ về dấu hiệu nhận biết cây ATM có thể bị gắn thiết bị skimming: “Khe đọc thẻ ATM lỏng lẻo hoặc bị di chuyển và có kích thước lớn hơn bình thường; có keo dán hoặc dấu hiệu sửa chữa xung quanh khe; có camera hoặc thiết bị lạ gắn gần bàn phím hoặc màn hình ATM. Logo hoặc tem bảo mật của ngân hàng bị rách hoặc bong tróc. Nếu khách hàng nghi ngờ, hãy báo ngay cho ngân hàng và cơ quan chức năng. Việc báo cáo kịp thời có thể giúp ngăn chặn kẻ gian đánh cắp thông tin và tiền của khách hàng”.
Ngoài ra, người dùng cũng nên sử dụng thẻ chip EMV thay cho thẻ ATM có dải từ, thẻ chip EMV có tính bảo mật cao hơn và khó bị sao chép bởi thiết bị skimming; kích hoạt dịch vụ thông báo giao dịch qua tin nhắn SMS hoặc email để theo dõi các hoạt động trên tài khoản của bạn; nên sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến để hạn chế sử dụng ATM. Bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa này, người dùng có thể giảm thiểu nguy cơ bị đánh cắp thông tin thẻ ATM và bảo vệ tài khoản của mình.
Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ an toàn cho hoạt động giao dịch ATM. Cụ thể, các ngân hàng cần hoàn thành việc lắp đặt, kiểm tra, nâng cấp, vá lỗi thiết bị Anti-Skimming cho tất cả các máy ATM. Việc này giúp ngăn chặn hành vi sao chép thông tin thẻ của kẻ gian. Ngoài ra, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trong hoạt động của máy ATM như: thường xuyên kiểm tra, bảo trì máy ATM; bố trí camera giám sát; tăng cường an ninh khu vực đặt ATM.
Bên cạnh nỗ lực của các ngân hàng, người sử dụng thẻ cũng cần nâng cao ý thức bảo vệ tài khoản của mình bằng cách quản lý chặt chẽ mật khẩu đăng nhập thẻ ATM, thẻ tín dụng. Không nên giữ mật khẩu quá lâu, không sử dụng ngày tháng năm sinh làm mật khẩu, và tuyệt đối không tiết lộ mật khẩu cho bất kỳ ai. Hạn chế việc cho mượn thẻ ATM để rút tiền hoặc nhờ người khác rút hộ tiền. Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu nghi vấn nào, hãy báo ngay cho ngân hàng phát hành thẻ. Việc bảo vệ an toàn cho giao dịch ATM là trách nhiệm chung của cả ngân hàng và người sử dụng thẻ./.
Việt Mỹ