ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 19-4-25 07:36:12
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Câu cá đìa

Báo Cà Mau (CMO) Về các vùng ngọt hoá mùa này, một hoạt động trải nghiệm thú vị không thể bỏ qua là đi câu cá đồng. Thời điểm này, mặt ruộng đang khô, nước dưới các con kênh nội đồng đã kiệt nên phần lớn cá đã rút về đìa trú ngụ, các “cần thủ” từ chuyên nghiệp cho đến nghiệp dư lại có cơ hội tha hồ trổ tài.

Câu cá đìa khá đơn giản, với dân nghiệp dư như tôi, chỉ cần một cần câu bằng trúc, một ít con dế làm mồi là đủ cho một buổi thưởng thức trọn vẹn cái sự thú vị của người đi câu.

Theo kinh nghiệm của tôi, đi câu buổi sáng nên chọn thời điểm nắng chưa gắt, buổi chiều thì nắng đã dịu, trời ít gió. Khi đi, tránh mặc quần áo hoặc đội nón có màu quá nổi bật, sẽ làm cá “nhát”, ít dám ăn mồi câu.

Mùa này, mặt đìa thường bị phủ kín bởi lục bình hoặc rau muống. Men theo các bờ đìa cao, chọn những khoảng trống trên mặt đìa, là nơi cá thường ngoi lên để thở; nhẹ nhàng thả mồi và chờ cá cắn câu. Cá mùa này được xem là ngon nhất năm, vì chúng ăn ròng lúa chín. Con nào con nấy tròn lẳn, ú mềm, giật lên thấy nước da bóng lưỡng, lấp lánh dưới ánh mặt trời. Cực kỳ kích thích!

Cá ăn câu nhiều nhất là cá rô, kế đến là thát lát, cá trê và thỉnh thoảng cũng câu được cá lóc, nhưng rất hiếm. Hồi nhỏ, có vài lần tôi còn câu dính cả… tôm càng. Câu đìa giờ thường hay bị cá tra ăn mồi. Ðó là những con cá từ sông theo nước vô, hoặc cá xổng từ các ao, ra ruộng rồi về đìa. Gặp phải cá tra ăn thì xem như xúi quẩy, vì chúng quá lớn nên thường giật đứt nhợ câu hoặc lưỡi câu. Coi như mất trắng.

Trải nghiệm thú vị khi về vùng ngọt hoá.

Nếu đi câu may mắn gặp những chỗ cá nhiều, chúng ăn liên tục, giật mỏi cả tay. Cũng có hôm ngồi câu cả buổi chỉ được lèo tèo vài con. Người ta xem đi câu là cách để rèn luyện sự kiên nhẫn là vậy.

Câu cá cũng tuỳ người. Có những tay được gọi là “sát cá”, câu đại tài. Người câu không giỏi thì “bữa đực bữa cái”. Có khi cùng một đìa, người thì giật liên hồi, người thì ôm cần ngủ gục.

Trừ một số người câu cá bằng niềm đam mê (thậm chí có người “nghiện” nặng), thì người đi câu giờ đây phần lớn là để giải trí, tìm niềm vui, thư giãn đầu óc sau những ngày làm việc mệt nhọc, kết hợp với kiếm mớ thực phẩm sạch để “lai rai”. Tôi cũng vậy. Nhớ lại ngày tôi còn nhỏ, mỗi lần xách cần câu ra ruộng, ra đìa là mang theo nhiệm vụ kiếm cá ăn cho cả nhà. Ngày xưa cá nhiều vô kể, đi câu được xem là “chuyện nhỏ” dành cho trẻ nít, bởi người lớn phải lo việc đồng áng hay những việc nặng nhọc hơn.

So sánh thấy thời nay chuyện đi câu cũng thật dễ dàng vì đã có mấy tiệm chuyên bán đồ câu lo tất tần tật, từ cần câu, nhợ, lưỡi câu, phao, chì… cho đến mồi câu. Mồi thì đủ loại, như trùn, nhộng ong, dế, trứng kiến… Có những cần câu máy nghe nói giá cả chục triệu đồng, bỏ vô bao mang đi, trông oách như… dân đánh golf.

Còn tôi, hồi đó muốn đi câu là chạy ra bụi trúc, lựa một cây vừa tay đốn về, róc nhánh sạch sẽ, rồi hơ lửa, uốn cho ra dáng vừa ý mình. Lưỡi câu, nhợ câu thì phải cuốc bộ vài cây số ra mấy tiệm tạp hoá. Mua về, thường phải nhờ người lớn, có kinh nghiệm “tóm” lưỡi câu cho vừa chắc, vừa đẹp. Chỉ chuyện tóm lưỡi câu thôi đã kỳ công. Có những người biết đến vài ba kiểu khác nhau, giống như người… thắt cà vạt vậy. Tóm lưỡi câu khéo thì lưỡi câu mới thẳng theo nhợ một cách tự nhiên, khi móc mồi không bị nghiêng, vẹo và giật mới nhạy.

Muốn câu thì tự kiếm mồi bằng cách xách vá đi đào trùn, bắt cào cào non hoặc xúc tép trấu. Mỗi khi đi câu, tôi thường hay mang theo chén cám heo, tới chỗ vừa ý thì lấy nước đìa vo cám thành viên rồi quăng vào đúng chỗ buông mồi, gọi là “vãi vùng”. Cám tan ra dụ cá tới đánh chén và cắn câu. Thường một buổi đi câu chỉ cần 2 “vùng” là kiếm đủ cá cho cả nhà ăn trong một, hai bữa.

Cái cảm giác cần câu “liệt, liệt” khi cá ăn mồi, giật lên một con rô mề ú nu, vàng hực thật không có ngôn từ nào diễn tả cho hết cái sự sướng của nó. Hay những con cá trê vàng, khi mắc câu chúng thường giãy giụa rất quyết liệt; nếu “cương” với chúng dễ bị dứt nhợ câu. Khi đó, cần thủ phải nhẹ nhàng nương theo, chờ cá mệt mới từ từ lôi vào bờ.

Ðồ đựng cá của dân câu hồi xưa thường là cái thùng tol hình trụ, quai bằng cây, đóng ngang trên mặt để đựng cá. Loại thùng hay dùng để gánh nước, ngày nay hình như không còn nữa. Có những ngày trúng mánh, câu một buổi là cá đựng lên đến gần tới quai, phải è ạch xách vô. Có khi gặp đám lửa tàn của ai đó đốt bờ, gom gốc rạ lại, bẻ khúc sậy già hoặc cây bình bát bằng ngón tay, lụi cá là được bữa cá nướng trui ngon lành ngay trên bờ ruộng.    

Tôi thích câu cá, nhưng chỉ là cái thích của dân nghiệp dư. Dường như thừa hưởng cái gen của tôi, tới mùa hạn là mấy đứa con cũng hay đòi về quê câu cá.

Còn với tôi, mỗi năm khi những vạt lúa chín vàng đồng, tôi lại nôn nao chờ đến cuối tuần để làm một chuyến về quê. Ði câu cá để hít thở cái không khí trong lành, đắm mình trong phong cảnh thanh bình, yên ả của nông thôn./.

 

Tuấn Ngọc

 

Liên kết hữu ích

Nghề làm nón lá bàng xứ Huế - Hành trình sáng tạo từ đam mê thiên nhiên

Huế từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm nón lá, một nét văn hoá truyền thống gắn bó qua bao thế hệ. Những làng nghề như Kim Long, Tây Hồ, Mỹ Lam, Phú Cam, hay Ðốc Sơ không chỉ sản xuất hàng triệu chiếc nón mỗi năm phục vụ đời sống và du lịch, mà còn là nơi lưu giữ hồn cốt của đất Cố đô.

Chiêm ngưỡng hòn đảo đẹp thứ 2 thế giới

Đảo Phú Quốc của Việt Nam vừa được vinh danh là một trong những hòn đảo đẹp nhất thế giới, vượt qua cả "thiên đường" Bali của Indonesia. Thành tích này được công bố bởi tạp chí du lịch danh tiếng Travel + Leisure trong khuôn khổ giải thưởng World's Best Awards thường niên, dựa trên bình chọn của hơn 186 ngàn độc giả.

Chư Nâm - Nón xanh cao nguyên

Nằm lặng lẽ giữa vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió, núi Chư Nâm (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) là một điểm đến còn hoang sơ, ẩn chứa vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên. Với độ cao khoảng 1.472 m, Chư Nâm không quá hiểm trở như đỉnh Fansipan hay hùng vĩ như Lang Biang, nhưng mang trong mình sự bình yên của một vùng đất chưa bị khai phá nhiều.

Chùa Giác Hoa - Dấu ấn kiến trúc tâm linh của Bạc Liêu

Chùa Giác Hoa toạ lạc tại Quốc lộ 1, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu - công trình kiến trúc tâm linh với lịch sử hơn 100 năm tuổi. Ngôi chùa không chỉ là nơi tu tập và hành hương của đông đảo phật tử gần xa, mà còn là biểu tượng giao thoa giữa 2 nền văn hoá Ðông - Tây.

Lễ hội đập trống của người Ma Coong

Mỗi dịp Rằm tháng Giêng, khi vầng trăng sáng treo cao trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, đồng bào Ma Coong (một nhánh của dân tộc Bru - Vân Kiều), sinh sống tại xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, lại hân hoan tổ chức Lễ hội Ðập trống. Ðây không chỉ là một nghi lễ truyền thống có từ hơn 300 năm, mà còn là biểu tượng của niềm tin tâm linh, sức mạnh cộng đồng và nét đẹp văn hoá cần được gìn giữ.

Viên ngọc xanh giữa miền Tây Quảng Trị

Nằm ở huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị, rừng Phong Hương cách TP Ðông Hà khoảng 70 km, thuộc khu vực miền núi giáp biên giới Lào. Nơi đây nổi bật với rừng phong hương bạt ngàn, hồ Rào Quán thơ mộng và thác Tà Puồng hùng vĩ, là điểm đến mới cho những ai yêu thiên nhiên và thích khám phá.

Trải nghiệm tàu điện Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên

Tuyến tàu điện Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là một trong những dự án hạ tầng lớn nhất TP Hồ Chí Minh với thiết kế tối tân, mang lại cảm giác mới lạ, hứng khởi khi lần đầu được bước chân vào hệ thống giao thông công cộng tiêu chuẩn quốc tế.

Ngắm đường hoa Nguyễn Huệ Xuân Ất Tỵ về đêm

Tối nay 27/1 (nhằm ngày 28 tháng Chạp năm Giáp Thìn), đường hoa Nguyễn Huệ sẽ chính thức khai mạc. Đây là một trong những con đường đẹp nhất của TP Hồ Chí Minh tại phường Bến Nghé, Quận 1, nằm trải dài hơn 700 m từ trước trụ sở UBND thành phố và tượng đài Hồ Chí Minh đến Bến Bạch Đằng, với nhiều toà nhà cao tầng và những trung tâm thương mại mua bán sầm uất. Con đường này trở thành đường hoa rực rỡ, thu hút rất nhiều du khách viếng thăm, và trở thành một địa chỉ quen thuộc những ngày du xuân.

Xuân về làng hoa

Là vùng chuyên canh hoa kiểng, làng hoa Chợ Lách (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) trở nên rực rỡ hơn bao giờ hết trong những ngày tiết trời vào xuân, bởi những luống hoa Tết đang vươn mình khoe sắc. Ðến "thủ phủ" hoa Tết lớn nhất nhì miền Tây này, du khách có thể cảm nhận không khí lao động tất bật, nhộn nhịp trên những cánh đồng hoa vào mùa vụ làm ăn lớn nhất trong năm tại đây.

Kỳ diệu Ngũ Chỉ Sơn

Nằm giữa lòng xã Tả Giàng Phình, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, Ngũ Chỉ Sơn với năm đỉnh nhọn tựa những ngón tay khổng lồ vươn lên bầu trời xanh thẳm. Với độ cao 2.858 m, đây được xem là một trong những dãy núi hùng vĩ nhất miền Tây Bắc Việt Nam, thu hút những tâm hồn yêu khám phá và say mê vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên.