ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 3-4-25 15:03:57
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Chìa khoá quản lý tài chính cho học sinh, sinh viên

Báo Cà Mau Ngày nay, ngân hàng số không còn là chuyện riêng của người lớn mà đã trở thành một công cụ hữu ích giúp giới trẻ làm quen với tài chính. Khi tiếp cận sớm các dịch vụ ngân hàng, học sinh, sinh viên (HS, SV) có thể rèn luyện thói quen quản lý tiền bạc, biết cách lập ngân sách, kiểm soát chi tiêu và tiết kiệm hiệu quả, tránh rơi vào tình trạng chi tiêu quá tay. Quan trọng hơn, những kỹ năng này không chỉ giúp các em vững vàng về tài chính ngay từ khi còn trẻ mà còn góp phần định hình tư duy tài chính thông minh cho tương lai.

Chủ động tiếp cận các công cụ tài chính

Trước đây, việc mở tài khoản ngân hàng đòi hỏi thủ tục phức tạp và thường chỉ áp dụng cho người từ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, cá nhân từ 15 tuổi đã có thể sở hữu tài khoản thanh toán. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều ngân hàng tại Việt Nam đã triển khai các sản phẩm tài chính phù hợp với HS, SV, giúp các em tiếp cận và quản lý tài chính cá nhân một cách khoa học.

Tại Cà Mau, nhiều ngân hàng đã triển khai các chương trình hỗ trợ HS, SV tiếp cận ngân hàng số, giúp các em thực hiện giao dịch tài chính an toàn và tiện lợi. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cung cấp dịch vụ ngân hàng số với nhiều ưu đãi, cho phép mở tài khoản, thẻ thanh toán và sử dụng các tiện ích như chuyển khoản, thanh toán trực tuyến. Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) hỗ trợ học sinh từ 15 tuổi trở lên mở tài khoản với sự đồng ý của người đại diện pháp luật. Ngân hàng TMCP Quân Ðội (MBBank) còn tạo điều kiện thuận lợi hơn khi cho phép học sinh từ 15 tuổi mở tài khoản thanh toán chỉ với căn cước công dân, không cần cha mẹ bảo lãnh, giúp các em chủ động hơn trong quản lý tài chính cá nhân.

Học sinh THPT trên 15 tuổi được trải nghiệm các dịch vụ ngân hàng số, giúp rèn luyện thói quen quản lý tài chính từ sớm.

Học sinh THPT trên 15 tuổi được trải nghiệm các dịch vụ ngân hàng số, giúp rèn luyện thói quen quản lý tài chính từ sớm.

Không dừng ở việc cung cấp tài khoản và thẻ thanh toán, nhiều trường đại học, cao đẳng và THPT trên địa bàn cũng áp dụng hình thức thanh toán học phí qua tài khoản ngân hàng, giúp HS, SV tiết kiệm thời gian, không phải đến trường nộp tiền mặt. Bên cạnh đó, các ứng dụng ngân hàng số còn tích hợp nhiều tính năng hữu ích, như gửi tiết kiệm trực tuyến, hỗ trợ HS, SV lên kế hoạch tài chính dài hạn, từ học thêm kỹ năng mới đến mua sắm thiết bị phục vụ việc học.

Nhiều HS, SV ở Cà Mau không chỉ nghe nói về ngân hàng số mà còn trực tiếp trải nghiệm và áp dụng vào cuộc sống hằng ngày. Em Huỳnh Khánh Băng, 17 tuổi, học sinh Trường THPT Ðầm Dơi, chia sẻ: “Hồi trước, mỗi tháng cha mẹ đưa bao nhiêu tiền là em xài hết bấy nhiêu, có khi chưa hết tháng là em gọi về xin thêm. Từ khi tự đăng ký tài khoản trên ứng dụng MBBank, em nhận tiền qua chuyển khoản, theo dõi chi tiêu và biết cách phân bổ tiền hợp lý hơn”. Nhận thấy sự thay đổi tích cực của con, anh Huỳnh Hoàng Phúc (xã Nguyễn Huân, huyện Ðầm Dơi), cha của em Huỳnh Khánh Băng, hài lòng: “Có tài khoản ngân hàng, cháu biết cách quản lý tiền bạc. Tôi chỉ cần chuyển khoản là con có thể tự theo dõi số dư, tiết kiệm và chi tiêu có kế hoạch”.

Bên cạnh đó, nhiều sinh viên còn tận dụng ngân hàng số để thanh toán học phí, tiền trọ hay mua sắm trực tuyến. Em Lê Thị Cẩm Ðang (ngụ tại Khóm 6, Phường 8, TP Cà Mau), hiện là sinh viên năm cuối Trường Ðại học Cửu Long, kể: “Lúc đó em muốn mua một chiếc laptop mới, khoảng 14 triệu đồng, để phục vụ việc học nhưng chưa đủ tiền. Thay vì đi vay, em chọn sử dụng tính năng "Tiết kiệm tự động" của VPBank NEO, tích luỹ dần trong 12 tháng. Nhờ vậy, em không chỉ có đủ tiền mua laptop mà còn rèn được thói quen tiết kiệm cho bản thân”. Ðồng thời, để quản lý thu nhập từ công việc làm thêm, Cẩm Ðang còn mở thêm tài khoản tại Techcombank, giúp tách bạch tiền chi tiêu cá nhân và tiền tiết kiệm.

Rõ ràng, ngân hàng số không chỉ là công cụ tài chính mà còn giúp HS, SV rèn luyện kỹ năng quản lý tiền bạc từ sớm.

Ứng dụng Mobile Banking luôn là trợ thủ đắc lực cho giới trẻ trong thời đại thanh toán không tiền mặt.

Ứng dụng Mobile Banking luôn là trợ thủ đắc lực cho giới trẻ trong thời đại thanh toán không tiền mặt.

Hướng đi bền vững cho giáo dục tài chính

Ông Lê Quán Thượng, Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) chi nhánh Cà Mau, cho biết: “HS, SV là nhóm khách hàng rất tiềm năng trong chiến lược phát triển ngân hàng số. Khi tiếp cận các công cụ tài chính từ sớm, các em không chỉ học cách quản lý tiền mà còn rèn luyện tư duy tài chính vững vàng ngay từ những bước đầu vào đời. VPBank đang tập trung phát triển các sản phẩm tài chính phù hợp với giới trẻ, với giao diện đơn giản, tiện ích đa dạng và bảo mật cao, giúp các bạn dễ dàng sử dụng dịch vụ ngân hàng số”.

Thực tế cho thấy, với sự hỗ trợ từ ngân hàng, HS, SV ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận với tài chính hiện đại, từ đó hình thành thói quen quản lý tiền bạc chủ động. Nhưng để việc giáo dục tài chính thực sự hiệu quả, cần có sự phối hợp giữa ngân hàng, nhà trường và phụ huynh. Nếu các chương trình truyền thông tài chính được lồng ghép vào giảng dạy, kết hợp với ứng dụng công nghệ số, HS, SV sẽ có cái nhìn thực tế hơn về tài chính cá nhân, giúp các em quản lý chi tiêu khoa học hơn.

Trong giai đoạn thương mại điện tử và thanh toán không tiền mặt ngày càng phổ biến, việc thành thạo ngân hàng số không chỉ giúp giới trẻ kiểm soát tài chính tốt hơn mà còn trở thành lợi thế lớn trong hành trình phát triển bản thân. Tiếp cận tài chính từ sớm chính là chìa khoá để HS, SV xây dựng nền tảng vững chắc, sẵn sàng cho một tương lai độc lập và thông minh hơn./.

 

Việt Mỹ