Không chỉ đơn thuần là nơi trông giữ xe, buôn bán nhỏ lẻ, một số gầm cầu tại TP Cà Mau còn bị chiếm dụng làm kho bãi trong thời gian dài, gây mất vẻ mỹ quan.
Tại cầu Phan Ngọc Hiển (địa phận Phường 5, TP Cà Mau), tình trạng chiếm dụng gầm cầu diễn ra thời gian dài. Theo quan sát của phóng viên, phần lớn gầm cầu khu vực này được bao ví bằng lưới B40, phủ thêm một lớp cao su. Khoảng trống bên trong là nơi chứa vật liệu xây dựng.
Nhiều vật dụng ngổn ngang phía trong gầm cầu Phan Ngọc Hiển.
Một người đàn ông đang vận chuyển những bao xi măng đi ra từ phía gầm cầu Phan Ngọc Hiển. Theo người dân, gầm cầu này bị chiếm dụng trong thời gian dài.
Nhiều người dân cho biết, gầm cầu này được sử dụng như kho tạm của một cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng gần đó. Tình trạng này đã diễn ra thời gian dài, bất chấp quy định của pháp luật. Thiếu quản lý nên nơi đây luôn xuất hiện hình ảnh nhếch nhác, gây mất vẻ mỹ quan của một phường trung tâm.
Tương tự, tại cầu Huỳnh Thúc Kháng (Phường 7, TP Cà Mau), một diện tích lớn gầm cầu cũng bị chiếm dụng. Khác với cầu Phan Ngọc Hiển, nơi đây đã được bao ví bằng những bức tường kiên cố. Phía trước được thiết kế một cánh cửa kéo, bên trong chứa rất nhiều vật dụng bằng kim loại, thoạt nhìn rất dễ lầm tưởng đây là một nhà kho.
Thoạt nhìn rất dễ lầm tưởng đây là một nhà kho. (Ảnh chụp gầm cầu Huỳnh Thúc Kháng).
Theo chính quyền địa phương, đây là kho chứa đồ của một trung tâm thuộc Sở Giao thông vận tải tỉnh Cà Mau. Dù địa phương đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu đơn vị này di dời đến địa điểm khác, nhưng đến nay nội dung yêu cầu này vẫn chưa được thực hiện.
Ðầy những vật dụng bằng kim loại được cất giữ dưới gầm cầu Huỳnh Thúc Kháng.
Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Ðoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, cho biết, gầm cầu là khu vực bị cấm lấn chiếm, điều này đã được quy định rất rõ ràng. Cụ thể, theo quy định tại Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải, tổ chức, cá nhân không được sử dụng gầm cầu, đường bộ làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ, điểm hoặc bãi xe gây mất an toàn đến công trình cầu, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường.
Ðiều 52, Luật Giao thông đường bộ cũng quy định, gầm cầu nằm trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Việc chiếm dụng, khai thác gầm cầu gây ảnh hưởng đến an toàn công trình và an toàn giao thông.
Quy định đã có, chế tài đã đủ, xử lý chiếm dụng gầm cầu cần sự quyết tâm của ngành chức năng, chính quyền địa phương. Ðây cũng là cách thể hiện sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật./.
Văn Ðum