Nắng, gió, biển lấp loá như dát vàng..., vùng đất như một dấu chấm cuối cùng trên đường bờ biển dài hình chữ S của Tổ quốc thân thương. Cà Mau chuyên chở, gợi lại biết bao thương nhớ, bi hùng, da diết mênh mang, nghĩa hiệp, chân tình trong giai điệu vọng cổ, để mỗi lần đến lại một lần thương nhớ, mong một ngày trở lại.
Từ Sân bay Quốc tế Cần Thơ, chúng tôi tiếp tục di chuyển hơn 170 km tới TP Cà Mau. Lần đầu tiên tới một tỉnh ven biển cực Nam của Tổ quốc, nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất năng động với 2 mùa mưa nắng quanh năm..., đã cho chúng tôi thêm khám phá thú vị.
Xe băng qua huyện Năm Căn tới Ngọc Hiển. Ðâu đâu cũng những cánh rừng ngập mặn với những hàng cây đước vươn mình vững chãi. Có lẽ vì vậy mà rừng ngập mặn Cà Mau còn có tên là rừng đước.
Như những dũng sĩ bảo vệ bên bờ biển, gợi đến hình ảnh kiên cường, bất khuất và tinh thần đoàn kết của dân tộc ta, rừng đước cũng đã từng tham gia vào cuộc chiến chống Mỹ, che chở, bảo bọc và cùng các chiến sĩ chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Tôi nhớ đến tác phẩm “Cây đước Cà Mau” của Nhà văn Ðoàn Giỏi, cũng đã từng ca ngợi sự bất khuất và số phận của những cây đước gắn với vùng đất Năm Căn, như những người dân Nam Bộ luôn bám đất, đoàn kết, quyết giữ gìn độc lập dân tộc: “... Ðó là một làng mênh mông xanh biếc trên sông Cửa Lớn, Năm Căn, cách thị trấn Cà Mau độ năm mươi cây số theo đường chim bay, nằm giữa vùng quanh năm nước ngập, vẹt, đước ken dày trùng điệp (...). Tôi nghĩ đến Năm Căn, vùng đất dung thân của những gia đình bần cố nông thời trước bị bóc lột tận cùng xương tuỷ, bỏ cày bừa về chen chúc nơi đầu sông ngọn rạch biến thành thợ rừng, thợ biển (...). Nhưng Năm Căn giờ đây đang ngẩng đầu, trùng điệp một màu xanh lá đước. Những cây đước cao vút, rễ chi chít từ giữa thân trổ xuống như những cánh tay thò ra bám đất. Như người dân Nam Bộ luôn bám đất, chiến đấu không ngừng trong mười năm kháng chiến để giành hoà bình, thống nhất nước nhà”.
Chúng tôi dừng chân tại xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Huyện được đặt tên người Anh hùng Phan Ngọc Hiển gắn với cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai.
Nắng vào mùa, thêm chói chang và rát bỏng, nhưng những hàng cây đước nơi này như những chiếc ô khổng lồ toả bóng mát che chở... Những chiếc xuồng đi giữa dòng nước thăm thẳm, gió biển lồng lộng thổi táp vị mằn mặn, chúng tôi thoả sức ngắm vùng cực Nam của Tổ quốc mình.
Du khách trải nghiệm tại Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau.
Ðược các anh chị Báo Cà Mau dẫn đường và như những hướng dẫn viên du lịch, tới đâu chúng tôi cũng được giới thiệu kỹ càng. Thiêng liêng giây phút chúng tôi được đứng trước cột mốc cuối cùng của đường Hồ Chí Minh. Bên cạnh Cột mốc Km số 0, một cột mốc khác cũng có ý nghĩa linh thiêng không kém là mốc toạ độ GPS 0001. Cùng với các mốc toạ độ ở Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang), ngã ba biên giới A Pa Chải (Ðiện Biên), Mũi Ðôi (Khánh Hoà), mốc toạ độ GPS 0001 Ðất Mũi Cà Mau Mau là 1 trong 4 cực đánh dấu lãnh thổ Việt Nam. Và phía bên kia, mũi thuyền Cà Mau như thể hiện khát vọng vươn xa, ý chí bất khuất, kiên cường của người Việt.
Một phiên bản của Cột cờ Hà Nội được dựng lên ở Mũi Cà Mau, nhìn ngọn cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trong nắng, gió, hình ảnh Hà Nội hiện về gần gũi trong tâm thức chúng tôi; như nhắc nhở, dù có đi tới nơi tận cùng của Tổ quốc thì trái tim Thủ đô Hà Nội vẫn rực lửa, đập mãi trong mỗi con người Việt Nam. Công trình mang đậm dấu ấn văn hoá, lịch sử thiêng liêng, như “sợi chỉ đỏ” kết nối, gắn bó Bắc - Nam một nhà và cũng mang tình cảm sâu nặng của người dân Thủ đô với Ðất Mũi - nơi cực Nam của Tổ quốc.
Ðứng trên cao, qua khoảng 15 tầng cầu thang, chúng tôi thấy rõ Mũi Cà Mau từ trên độ cao 44 m, bao quanh bởi rừng ngập mặn trải dài từ biển Ðông sang biển Tây, cũng như những bãi bồi ở biển phía Tây. Xa xa, Hòn Khoai hiện lên như nhắn gửi về dư âm cuộc khởi nghĩa bất khuất do Phan Ngọc Hiển lãnh đạo, chống lại thực dân Pháp.
Một điểm nhấn tại Ðất Mũi là Ðền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ, khiến chúng tôi như được trở về với cội nguồn một cách sống động. Công trình quy tụ các giá trị văn hoá thuộc thời đại Hùng Vương, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tình cảm thiêng liêng và trách nhiệm với lịch sử, lòng kính trọng, tri ân của người con Cà Mau đối với bậc Quốc Tổ. Ðây cũng là một trong những biểu tượng du lịch ý nghĩa của vùng đất cực Nam Tổ quốc - nơi “đất biết nở, rừng biết đi và biển sinh sôi”.
Qua những cánh rừng đước là những ngôi nhà đơn sơ được dựng nhấp nhô như những vệt màu thanh nhã. Người dân nơi đây chất phác, thật thà như chính làn da đồi mồi vì nắng cháy của họ. Mỗi nụ cười, lời chào của họ khiến chúng tôi ấm lòng. Ðất Mũi, Năm Căn, Ngọc Hiển hay TP Cà Mau... còn nhiều lắm, chúng tôi không thể tới hết trong một thời gian ngắn...
Tham quan tuyến du lịch bằng ca nô đến khu vực bãi bồi.
Ngồi bên biển nghe sóng vỗ ì ầm, biển xanh ươm màu nắng, chúng tôi được nghe những điệu vọng cổ, những bài hát “Thương lắm Cà Mau”, “Ðất Mũi Cà Mau”, “Gửi về nơi cuối đất”, “Áo mới Cà Mau”, “Cà Mau ngày mới”... âm hưởng thiết tha, chân thật da diết mà hào hiệp, trọng nghĩa tình của người Cà Mau. “Chiều Cà Mau như một dải lụa hồng... đêm thành phố dịu dàng như con gái, tuổi tròn trăng e ấp ngại ngùng, không lộng lẫy, kiêu sa mà gần gũi thân tình...”.
Rồi thưởng thức những sản vật nơi đây như: cá thòi lòi nướng, cua rang muối, ốc len xào dừa, tôm nướng muối ớt..., cùng ly rượu trái giác - những món quà mà thiên nhiên hào phóng ban tặng cho vùng đất có sự chuyển tiếp giữa hai hệ sinh thái nước mặn và ngọt này.
Không quên được món tôm sú xào với rau su su, một loại rau đến từ Tam Ðảo mà chúng tôi mang từ Vĩnh Phúc vào, hoà quyện với tôm sú Cà Mau đã tạo thành món ẩm thực mới, có vị giòn, ngọt bùi của hương núi vùng trung du đan với vị đậm đà tươi ngon của vùng biển phía Nam - như một chất men gắn chặt thêm tình yêu thương giữa hai miền Tổ quốc.
Món ăn được anh Ngô Minh Toàn, Tổng biên tập Báo Cà Mau, sáng tạo khi biết có đoàn Báo Vĩnh Phúc về thăm... Vì vậy mà chúng tôi cũng không ngại ngần khi mang theo, bảo quản cẩn thận những ngọn su su để đem một chút hương vị ngọt ngào, man mát của Vĩnh Phúc tới đất Cà Mau.
“Nghe nói Cà Mau xa lắm, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam. Ngại chi đường xa không tới, về để nói với nhau mấy lời”: Quả thật, đến một lần mà lưu luyến khó quên, “người Cà Mau dễ thương vô cùng...!”.
Mong một ngày được trở lại Cà Mau...
Thu Thuỷ