Những ngày cuối cùng của tháng 7, như một tiềm thức, toàn dân hướng lòng về ngày kỷ niệm 27/7- Ngày Thương binh - Liệt sĩ, thấm sâu hơn nữa trách nhiệm đền ơn đáp nghĩa đối với các anh hùng, liệt sĩ, những người có công với cách mạng đã hy sinh, cống hiến máu xương giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 50 năm, song giá trị của nền hoà bình vẫn được thế hệ hôm nay và cả mai sau khắc cốt ghi tâm qua những bài học lịch sử được truyền dạy, qua câu chuyện kể của những chứng nhân bước ra từ cuộc chiến. Ðặc biệt là qua những chuyến đi thực tế để được lắng lòng, thấm thía trang sử vàng son của những miền đất anh hùng được dệt nên bằng biết bao công sức, máu xương của lớp lớp thế hệ cha ông...
Côn Ðảo là một điểm đến đặc biệt như thế. Ngày trước, Côn Ðảo là huyện đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, từ ngày 1/7/2025, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hợp nhất thành đơn vị hành chính mới với tên gọi TP Hồ Chí Minh. Theo đó, Côn Ðảo trở thành đặc khu, thuộc TP Hồ Chí Minh.
Không chỉ là tên gọi một địa danh như bao điểm đảo đánh dấu chủ quyền vùng biển trời của Tổ quốc, Côn Ðảo đã tạc vào lịch sử dân tộc và trong tâm khảm những người con nước Việt hình ảnh mảnh đất thiêng liêng, huyền thoại. Trong thời kỳ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, tại hòn đảo biệt lập, xa đất liền này, bọn chúng đã thiết lập nhà tù nhằm mục đích giam cầm, tra tấn các tù nhân chính trị, chiến sĩ cách mạng.
Hệ thống nhà tù Côn Ðảo có tổng cộng 127 phòng giam, 42 xà lim và 504 phòng giam biệt lập - “chuồng cọp”, là nhà tù lớn nhất, lâu năm, dã man, khét tiếng nhất thế giới.
Hệ thống nhà tù Côn Ðảo có tổng cộng 127 phòng giam, 42 xà lim và 504 phòng giam biệt lập - “chuồng cọp”, là nhà tù lớn nhất, lâu năm, dã man, khét tiếng nhất thế giới. Với chế độ tù đày khắc nghiệt, nhà tù được mệnh danh “địa ngục trần gian” này đã giam cầm, tra tấn hàng chục vạn chiến sĩ yêu nước, trong số đó có hàng vạn người vĩnh viễn nằm lại đất mẹ, nhưng không thể khuất phục được những trái tim yêu nước, kiên định lý tưởng cách mạng.
Trên bản đồ hình chữ S, Côn Ðảo hiện lên như một biểu tượng cao đẹp của tinh thần đấu tranh bất khuất, ý chí kiên cường, lòng sắt son, kiên trung theo Ðảng, theo Bác Hồ của những chiến sĩ cộng sản sáng ngời khí tiết, của đồng bào yêu nước trong 2 cuộc kháng chiến cứu nước trường kỳ, góp phần dệt nên bản anh hùng ca chiến thắng giặc ngoại xâm trong thời đại Hồ Chí Minh.
Với những giá trị lịch sử to lớn, ngày 29/4/1979, Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) có Quyết định số 54-VHTT/QÐ đặc cách công nhận Khu Di tích Lịch sử Côn Ðảo là một trong những di tích đặc biệt quan trọng của Quốc gia. Ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 548/QÐ-TTg công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt Côn Ðảo, tổng diện tích phạm vi bảo vệ là 110,69 ha.
Như nhiều người trẻ luôn mong ước được đến mảnh đất huyền thoại này, cuối tháng 5/2025, lần đầu tiên tôi đến với Côn Ðảo trong chuyến đi cùng đồng nghiệp. Xuất phát từ cảng Trần Ðề, sau hải trình hơn 2 giờ đồng hồ, tàu cao tốc cập đảo. Ðặt chân lên đảo, cảm nhận rõ không khí thiêng liêng rất khác và niềm xúc động dâng trào, bởi dường như mỗi tấc đất nơi này đều vọng vang quá khứ bi thương nhưng rất đỗi tự hào một thời lịch sử hào hùng, quật cường, anh dũng của Côn Ðảo...
Chúng tôi đến thăm Di tích Nhà tù Côn Ðảo, hoà vào dòng người rất đông nhưng di chuyển trong trật tự, theo chân chị thuyết minh viên đi qua từng buồng giam, ở đó có những tượng người tái hiện cảnh giam cầm, tra tấn tù nhân một cách dã man, tàn độc của bọn cai ngục. Trong không gian trầm lặng, qua từng lời thuyết minh, hình ảnh “địa ngục trần gian” một thời như hiện về, nhiều du khách không nén được cảm xúc, một vài bác lớn tuổi trong màu áo cựu chiến binh rớm nước mắt... Chúng tôi - những người trẻ, càng thấm thía hơn giá trị của hoà bình hôm nay...
Rất đông người dân vào tham quan, tìm hiểu lịch sử tại Di tích Nhà tù Côn Ðảo.
Di chuyển sang Bảo tàng Côn Ðảo, nơi đây lưu giữ hơn 2.000 tư liệu, hiện vật quý giá về lịch sử nhà tù Côn Ðảo, vẫn rất đông những đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu. Dừng chân ở một góc khu trưng bày, gây ấn tượng và xúc động trong tôi là những bức vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của tù nhân năm xưa, nét vẽ mộc mạc nhưng gói trọn trong đó là tình cảm, niềm tin mãnh liệt, bất diệt của những chiến sĩ, người dân yêu nước đối với vị lãnh tụ của dân tộc; là ý chí tranh đấu vì chính nghĩa, vì độc lập, tự do cho Tổ quốc - con đường do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðảng dẫn lối, không gì lay chuyển được...
Chợt hiểu, trong chốn tù đày khắc nghiệt, khi sự tra tấn, khủng bố, chà đạp cùng cực thể xác lẫn tinh thần vượt quá sức chịu đựng của con người, thêm đói rét, bệnh tật hành hạ, thì niềm tin thiêng liêng ấy trở thành điểm tựa duy nhất và vững chắc nhất để người tù vượt qua nỗi sợ hãi lẽ thường trước cái chết, hiên ngang đối diện với kẻ thù mà không đầu hàng hay khuất phục. Cuốn sách “Hồ Chí Minh qua hồi ức của những cựu tù chính trị Côn Ðảo” (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật - 2025) ghi nhiều câu chuyện cảm động về niềm tin yêu dành cho lãnh tụ Hồ Chí Minh của những người tù cộng sản, như câu chuyện của những người tù chống ly khai, kẻ thù lợi dụng phút hấp hối để cưỡng ép ly khai, nhưng các anh còn chút sức tàn lực kiệt vẫn đanh thép đáp trả thà chết chứ không đầu hàng giặc, không ly khai Bác Hồ, gắng gượng hô “Hồ Chí Minh muôn năm” trước khi trút hơi thở cuối cùng...
Du khách tìm hiểu bộ sưu tập chân dung Hồ Chủ tịch do tù nhân phác hoạ trong nhà tù Côn Ðảo, được trưng bày tại Bảo tàng Côn Ðảo.
Ðêm ở Nghĩa trang Hàng Dương, dưới ánh đèn vàng chiếu rạng, từng dòng người nối nhau vào viếng, thắp lên mộ nữ Liệt sĩ - Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Võ Thị Sáu, cùng các phần mộ liệt sĩ, đồng bào yêu nước đang yên nghỉ tại đây những nén tâm hương, thành kính tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Khói hương lan toả, ấm áp cả không gian rộng lớn, dường như đồng vọng trong lòng người đang sống hôm nay khúc tráng ca bất tử của anh linh biết bao con người đã anh dũng chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, giải phóng Côn Ðảo ngày 1/5/1975, xoá bỏ vĩnh viễn “địa ngục trần gian”, “lao tù, khổ sai” tồn tại hơn 1 thế kỷ...
...Bình minh lên, dần hiện rõ bức tranh Côn Ðảo mạnh mẽ sức sống. Trên hành trình theo Ðảng, theo Bác, phát huy truyền thống cách mạng kiên trung, bất khuất của thế hệ cha anh, Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân Côn Ðảo đã và đang chung sức xây dựng mảnh đất anh hùng đi lên giàu đẹp với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại với du lịch, dịch vụ và thương mại chiếm vị trí chủ đạo; hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang.
Phát huy lợi thế và tiềm năng, kinh tế - xã hội Côn Ðảo đang trên đà phát triển mạnh, “địa ngục trần gian” ngày nào đang vươn mình trở thành hòn ngọc xanh giữa biển khơi.
Côn Ðảo đang đón vận hội ở bước ngoặt trở thành đặc khu của TP Hồ Chí Minh. Với sự quan tâm đầu tư của Ðảng và Nhà nước, cùng những cơ chế, chính sách tạo điều kiện, đặc biệt là dự kiến tháng 9 năm nay, dòng điện từ lưới điện quốc gia sẽ về đến Côn Ðảo, hứa hẹn sự phát triển bứt phá hơn nữa của đảo ngọc.
Chúng tôi rời Côn Ðảo trong một ngày nắng đẹp. Cảng Bến Ðầm nơi tàu neo đậu vẫn rộn ràng sinh khí hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hoá; hai bên là đảo nhỏ xanh mát cây rừng, nước biển trong xanh, phẳng lặng bình yên. Cảm nhận biển đảo Tổ quốc thật tươi đẹp. Và cũng thấy rõ, Côn Ðảo - hòn ngọc xanh giữa biển khơi đang bừng sáng khát vọng và tương lai./.
Thái Thanh