“Không có tài sản gì để cho con sau này, chỉ biết cố gắng lao động từng ngày lo cho con ăn học. Tài sản cho con là cái chữ, là nghề nghiệp để sau này nó tự lo thân”, suy nghĩ của anh Lê Văn Nổ (Khóm 1, Phường 8, TP Cà Mau), cũng là suy nghĩ của nhiều phụ huynh đang ngày ngày đổ giọt mồ hôi nuôi niềm hy vọng về tương lai tươi sáng cho con em mình.
Hơn 30 năm trước, sau khi học xong THPT, gia đình không có điều kiện cho đi luyện thi đại học, anh Lê Văn Nổ (quê Bến Tre) đành từ bỏ ước mơ bước vào cánh cửa giảng đường. Lần dần anh lưu lạc tới Cà Mau và gắn bó với nghề mộc. Từ hai bàn tay trắng, phải tự bươn chải để lo thân, rồi gầy dựng được mái ấm gia đình, có chỗ nơi an cư, với anh là quá trình nỗ lực đầy vất vả.
Anh Lê Văn Nổ (bên phải) và anh Lê Quốc Vinh chia sẻ quyết tâm lo cho con ăn học để các em có tương lai tươi sáng.
Con trai lớn của anh là Lê Thành Nhân, đang học năm 3 ngành Ðiện, Ðại học Công nghiệp TP Hồ chí Minh. Ðứa nhỏ học lớp 8. Nghề mộc giờ cũng ít khách, vợ anh phải đi làm ở quán ăn, phụ cùng chồng lo liệu gia đình. “Chúng tôi động viên nhau, cỡ nào cũng ráng cho con ăn học để có nghề nghiệp lo cuộc sống sau này. Như mình, học lớp 12, ra trường có làm được gì đâu. Lao động chân tay nặng nhọc như người ta thì không làm nổi...”, anh Lê Văn Nổ chân tình chia sẻ quyết tâm lo cho con ăn học từ kinh nghiệm thực tế cuộc đời mình.
Anh Lê Quốc Vinh (Khóm 2, Phường 8) cũng khẳng định: “Nếu không học thì không làm được gì. Xã hội ngày càng phát triển, giờ làm bảo vệ cũng đòi bằng THPT. Cho con học xong lớp 12 rồi mà không lo nữa thì đáng tiếc lắm”.
Con anh Vinh là Lê Mẫn Nghi, hiện đang học năm nhất, Trường Cao đẳng Y tế Cà Mau; đứa nhỏ đang học lớp 7. “Hồi đứa lớn học phổ thông thì trang trải được. Giờ học lên, đóng lần nhiều tiền quá nên phải xin vay vốn sinh viên. Tôi thì làm nhiều thứ; bà xã đổ bánh khọt, làm bánh bông lan, làm vựa cá thời vụ... để cùng lo cho con”, anh Vinh bộc bạch.
Tới thăm nhà anh Ðinh Văn Hải, tại Khóm 5, Phường 8, càng thấy nể trọng bởi suy nghĩ tích cực trong việc lo tương lai cho con của anh. Nhà thuộc diện cận nghèo, anh Hải làm nghề bốc vác, vợ anh nấu cơm cho đơn vị thi công công trình. Con trai kế là Ðinh Hoàng Sơn, đang học năm 2, ngành Luật, Trường Ðại học Cần Thơ; 2 cháu nhỏ học lớp 10 và lớp 4.
Công việc bốc vác nặng nhọc, nhưng hằng ngày anh Ðinh Văn Hải vẫn quan tâm nhắc nhở con chuyện học hành.
“Thằng lớn hồi đó đậu đại học ngành Dược nhưng không có điều kiện, đành để con nghỉ. Giờ cháu 24 tuổi, cũng làm bốc vác tiếp tôi nuôi em nó”, anh Hải phân trần.
“Năm nào Hội Khuyến học Phường 8 cũng hỗ trợ các cháu, tuỳ từng cấp học mà hỗ trợ 1,5-2 triệu đồng/cháu. Ðầu năm học trước, thấy hoàn cảnh một số học sinh trên địa bàn quá khó khăn, tôi có làm đơn đề nghị và được Báo Tuổi trẻ hỗ trợ 2 suất học bổng, mỗi suất 15 triệu đồng, cháu Ðinh Hoàng Sơn được 1 suất”, ông Trang Văn Bé, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Phường 8, bộc bạch.
Trong căn nhà chật hẹp có tới 7 nhân khẩu tại Khóm 2, Phường 8, chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi biết có đến hai chị em đang học cao đẳng. Ðó là em Võ Thuý An, năm 2, ngành Sư phạm Mầm non và Võ Thuý Diễm, năm nhất, ngành Kế toán, Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau. An, Diễm còn có đứa em trai đang học lớp 11.
Dù hoàn cảnh khó khăn, thuộc hộ cận nghèo, nhưng gia đình bà Võ Thị Huệ vẫn cố gắng lo cho con cháu học hành tới nơi tới chốn. Hai em, Võ Thuý An (phải) và Võ Thuý Diễm ý thức được hoàn cảnh gia đình nên rất chịu khó học tập.
Lúc chúng tôi đến, cha mẹ các em đều đi làm vắng, bà nội các em là bà Võ Thị Huệ, bộc bạch: “Mẹ các cháu làm công nhân chế biến thuỷ sản, cha đi làm công cho người ta. Tôi thì trước phụ quán ăn, giờ chân đau, chỉ thỉnh thoảng đi dọn vệ sinh nhà cửa cho bà con gần nhà. Dù gia đình thiếu thốn đủ điều, nhưng tôi và cha mẹ các cháu cố gắng lo cho chúng ăn học. Mình hồi đó chữ nghĩa ít nên ra đời nhiều thua thiệt...”.
Các gia đình, cá nhân được vinh danh “Gia đình học tập”, “Công dân học tập” năm 2023, tại Phường 8, TP Cà Mau. Ảnh: TRANG VĂN BÉ
Tại lễ tôn vinh “Gia đình học tập”, “Công dân học tập” vừa qua, Phường 8 có 80 gia đình và 121 công dân được trao danh hiệu. Ðây là một trong những đơn vị tiêu biểu về phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng "Gia đình học tập", "Công dân học tập" ở TP Cà Mau. |
Kiên quyết lo cho con cháu học hành tới nơi tới chốn, dù hằng ngày phải vật lộn mưu sinh, những gia đình trên địa bàn Phường 8 chúng tôi gặp, đều có suy nghĩ tiến bộ và không thôi hy vọng về tương lai tươi sáng hơn cho con cháu mình từ việc học hành, trau dồi tri thức. Bên cạnh họ còn có sự hỗ trợ của cộng đồng, xã hội, gần nhất là Hội Khuyến học địa phương.
Các gia đình đã truyền cảm hứng tích cực cho nhiều phụ huynh và góp phần phát triển phong trào gia đình học tập, cộng đồng học tập trên địa bàn./.
Huyền Anh