(CMO) Nếu trước tết là khoảng thời gian người dân Cà Mau vào mùa thu hoạch vụ lúa đông xuân, thời điểm này là dịp thương lái trong, ngoài tỉnh tìm đến thu mua lúa. Cà Mau là tỉnh có diện tích trồng lúa tương đối nhiều nên sản lượng tiêu thụ khá lớn.
Tại cống Vồ Dơi (xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) lúc này không khí trao đổi mua bán lúa trở nên khẩn trương hơn bao giờ hết. Trên sông, xuồng ghe nối đuôi nhau neo đậu, còn trên những ngả đường dẫn về cống Vồ Dơi, không khí sôi động hẳn lên khi đủ các loại phương tiện: Xe tải, xe máy, xe ba gác… chở đầy lúa đến buôn bán. Khi thương lái và người bán hoàn tất thoả thuận, lúa sẽ được di chuyển xuống ghe, chở đi.
Ông Trần Văn Toàn, chủ ghe thu mua lúa đến từ Bến Tre, cho biết: “Khoảng thời gian này hàng năm tôi đều xuống Cà Mau thu mua lúa. Vì đã bỏ cọc trước nên ghe xuống tới là cân liền. Giá cả năm nay bình ổn như mọi năm nên thuận mua vừa bán”.
Dịp này, khâu bốc vác lúa còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương. Trung bình mỗi chủ ghe sẽ thuê từ 8-10 nhân công vác lúa. Không khí làm việc lúc nào cũng tất bật, liên tục. Dù vất vả ngoài trời nắng nóng với nhịp độ hối hả, không ngơi tay, nhưng ai cũng vui vẻ, phấn khởi vì đổi lại bằng nguồn thu nhập khá. Công việc buôn bán cứ kéo dài từ sáng đến tối./.
Trên sông, ghe thu mua lúa từ các tỉnh nối đuôi nhau neo đậu. |
Dù làm việc vất vả dưới cái nắng gay gắt nhưng ai cũng vui vẻ, phấn khởi vì công việc vác lúa cho họ nguồn thu nhập khá. |
Lúa sau khi cân và được sự thoả thuận giữa người bán với thương lái sẽ di chuyển xuống ghe cho vào khoang. |
Công việc bốc vác tại chợ lúa giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. |
Thương lái sau khi mua đủ lúa sẽ nhổ neo di chuyển ghe đi nơi khác. |
Phương Thảo - Kim Chi