(CMO) Chợ truyền thống được xem là một trong những kênh mua sắm quan trọng đối với người dân địa phương.Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chợ là nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ lây lan cao. Nhiều địa phương đã triển khai giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 ở các chợ để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Ban quản lý các chợ thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh ra vào chợ phải đeo khẩu trang, khai báo y tế, sát khuẩn tay, thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế... Bên cạnh đó, các địa phương vận động tiểu thương tăng cường các biện pháp phòng dịch như: che chắn bạt nhựa, căng dây, giữ khoảng cách trong mua, bán. Nhiều nơi còn bố trí loa truyền thanh phát thông tin cập nhật tình hình dịch bệnh nhằm nâng cao nhận thức cho các hộ kinh doanh cũng như người dân đến mua hàng.
Tiểu thương chợ thị trấn Ðầm Dơi được hướng dẫn và tuân thủ việc khai báo y tế. |
Ðể người dân yên tâm mua bán và bảo đảm an toàn cho bà con đến chợ, các tiểu thương được ưu tiên xét nghiệm sàng lọc thường xuyên, được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin phòng Covid-19.
Ghi nhận tại chợ Nhà Máy (xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời), dù kinh doanh gặp khó khăn, song các tiểu thương đều phấn khởi khi được địa phương hướng dẫn các biện pháp về phòng, chống dịch.
Bà Tuyết Nga, tiểu thương bán hàng tạp hoá, chia sẻ: “Cán bộ vận động, tôi đã căng tấm bạt nhựa xung quanh khu vực kinh doanh để đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Tôi thường xuyên nhắc nhở người đến mua đồ phải giữ khoảng cách 2 m. Mặc dù có hơi bất tiện nhưng đây là cách để tự bảo vệ bản thân và cộng đồng".
Ông Lê Chí Nguyện, người dân trong chợ Nhà Máy, bộc bạch: “Anh em tôi hầu hết sống bằng nghề kinh doanh, mua bán. Ở đây, mọi người đều được xét nghiệm 3 lần trở lên và tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch. Tôi thấy việc test sàng lọc trong dân, nhất là ở các khu chợ rất hợp lý, nhằm sớm phát hiện trường hợp nhiễm bệnh. Tôi vận động mọi người tự nguyện test để khỏi phải lo sợ, ảnh hưởng đến làm ăn”.
Việc lắp tấm nhựa chống giọt bắn hoặc che chắn bằng tấm bạt tại các gian hàng mua bán, các chợ được xem là biện pháp rất thiết thực trong thời điểm dịch bệnh còn diễn biến khá phức tạp như hiện nay.Tại chợ vàm Cái Tàu (xã Khánh An, huyện U Minh) có khoảng 80% hộ kinh doanh, mua bán thực hiện che chắn bằng tấm bạt, trường hợp không thực hiện sẽ cho ngưng bán.
Ông Lê Ðức Toàn, Trưởng ban Quản lý chợ, cho biết, trước đây chợ có khoảng 165 gian hàng, hiện còn khoảng 100 gian hàng, chủ yếu là các mặt hàng tươi sống, hàng thiết yếu. Hầu hết người bán lẫn người mua đều chấp hành tốt và thực hiện nghiêm 5K. Cùng với đó, địa phương chỉ đạo dừng các khu chợ tạm, chợ tự phát trên địa bàn, bố trí lực lượng kiểm tra, giám sát người ra, vào chợ để đảm bảo an toàn cho mọi người.
Song song đó, ngành công thương phối hợp với các cấp, các ngành bảo đảm cung ứng đủ hàng hoá phục vụ nhu cầu của người dân trong mọi tình huống của dịch bệnh, đồng thời tăng cường kiểm tra tình hình cung - cầu, diễn biến giá cả để kịp thời chấn chỉnh.
Chị Lê Kim Xuông, ở xã Thới Bình, huyện Thới Bình, chia sẻ: “Nhà tôi ở xa chợ nên trước đây mỗi lần tôi đi chợ huyện là hết buổi sáng, lân la chọn lựa, ghé quán ăn uống rồi mới về. Từ ngày có dịch, tôi ghi sẵn toa mua hàng, chụp hình gửi Zalo, để họ đóng gói sẵn, mình chỉ đến thanh toán tiền rồi lấy hàng về ngay. Dù không được chọn lựa, ngã giá như trước nhưng tôi thấy vậy cho an toàn. Có điều giá cả cũng hợp lý, hàng hoá đảm bảo nên tôi an tâm mua sắm theo hình thức này”.
Nhớ lại những ngày thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế ra đường, đi chợ giãn ngày, ban đầu mọi người khá lo lắng, rối rắm chuyện ăn uống, sinh hoạt gia đình, nay dường như trở thành thói quen trong điều kiện thích ứng an toàn. Từ việc nâng cao ý thức, hành động, người dân sát cánh cùng địa phương quyết tâm phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần coi trọng sức khoẻ, tính mạng của chính mình và cộng đồng./.
Mộng Thường