Hiện nay đã bước vào mùa lạnh, đặc điểm thời tiết gây ảnh hưởng về sức khỏe, chủ yếu là căn bệnh về đường hô hấp và xương khớp, nhất là đối với những người có bệnh nền, người cao tuổi và trẻ em.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Cái Nước thăm khám cho bệnh nhân bị viêm đường hô hấp trên.
Các biểu hiện phổ biến của căn bệnh mùa lạnh là, người bị cảm lạnh toàn thân, luôn cảm thấy đau ê ẩm, ngạt mũi, chảy nước mũi, sốt nhẹ, sợ gió, sợ lạnh, ho, mệt mỏi, ăn uống kém. Người già và trẻ nhỏ trong những ngày thay đổi thời tiết nếu không được quan tâm chăm sóc sức khỏe, rất dễ bị mầm bệnh tấn công.
Đồng thời, không khí lạnh cũng là một yếu tố gây ra các triệu chứng của căn bệnh hen suyễn. Người bệnh sẽ có triệu chứng thở khò khè, thở dốc. Vì thế, đối với những trường hợp bị bệnh hen suyễn cần phải hết sức thận trọng khi có việc phải đi ra bên ngoài.
Bệnh viêm phổi do biến chứng của việc viêm đường hô hấp trên như: viêm mũi, họng; viêm xoang… cũng sẽ làm cho gia tăng lượng virus và khi đó vi khuẩn sẽ có cơ hội xâm nhập xuống mũi, họng và sau đó là gây viêm phổi.
Bác sĩ Lâm Thuận Hiệp, Trưởng khoa Khám bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, khuyến cáo: “Có thể phòng, chống bệnh cảm lạnh bằng cách rửa tay thường xuyên. Đây chính là cách giúp để tiêu diệt vi trùng ở tay. Bên cạnh đó, việc dọn dẹp nhà cửa và rửa sạch các vật dụng trong gia đình như: chén, ly, đũa… cũng là cách ngăn ngừa có hiệu quả các loại dịch bệnh cơ hội của mùa lạnh”.
Trong những ngày qua, thời tiết đột ngột trở lạnh nhiều nên bé T.Q.H, 4 tuổi, con của chị Nguyễn Kiều My (ngụ Khóm 5, thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình) liên tục bị ho và sốt cao. Khi đến khám tại Trung tâm Y tế huyện, chị được các bác sĩ ở đây cho biết bé bị viêm đường hô hấp trên, nếu không được điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ dẫn đến viêm phổi. Chị My kể: “Mấy ngày đầu cháu chỉ bị ho, nghẹt mũi, khàn tiếng, khô nứt môi, ít chịu ăn uống; sau đó cháu bắt đầu bị sốt cao, khó ngủ… Ban đầu gia đình chỉ mua thuốc sốt ở các hiệu thuốc gần nhà cho cháu uống để hạ sốt, nhưng bệnh tình của cháu vẫn không thuyên giảm”.
Thường các dấu hiệu để nhận biết có thể đã bị nhiễm căn bệnh mùa lạnh (viêm đường hô hấp trên) như: cảm lạnh, viêm mũi họng, viêm họng, viêm xoang, viêm thanh quản; với các triệu chứng chủ yếu là sốt cao, hắt hơi, sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi, tắc mũi, đau rát họng, ho, khàn tiếng, lạc tiếng, giọng mũi, khản đặc có khi mất tiếng, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ khớp… Đặc điểm của viêm đường hô hấp trên là thời gian ủ bệnh ngắn, biểu hiện của bệnh thường có diễn tiến nhanh và mang tính ồ ạt, kèm theo là sốt cao và thành cơn. Viêm đường hô hấp trên cấp tính thường xảy ra khi gặp một số yếu tố thuận lợi tác động vào cơ thể như thay đổi thời tiết đột ngột với triệu chứng khởi phát là đột ngột sốt, có thể sốt nhẹ, đôi khi sốt cao và rét run, kèm theo là các triệu chứng ho.
Bác sĩ Lâm Thuận Hiệp khuyến cáo thêm: Tuyệt đối không hút thuốc lá, thuốc lào. Những gia đình dùng bếp than cần có biện pháp hạn chế đến mức tối đa hít phải khí độc do than khi đốt cháy thải ra. Những gia đình dùng bếp củi cũng nên dùng loại bếp ít khói. Khi có một số dấu hiệu của bệnh viêm đường hô hấp trên như: ho, sốt, sổ mũi, hắt hơi… không tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh; không nên điều trị theo kinh nghiệm dân gian. Giải pháp tốt nhất là nên đến cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám và điều trị kịp thời, đúng cách.
Nên thường xuyên rửa tay với xà phòng để loại bỏ vi khuẩn, tiêm vắc-xin để phòng ngừa bệnh cúm. Ăn uống đủ chất bảo đảm năng lượng cho cơ thể chống rét. Trong bữa ăn hàng ngày cần bổ sung đầy đủ 4 nhóm chất cơ bản (tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất). Phải có chế độ vận động và dinh dưỡng hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ. Rèn luyện thân thể, tập thể thao thường xuyên giúp làm ấm cơ thể, nâng cao sức đề kháng và sức chống chịu của bản thân với thời tiết lạnh./.
Phương Vũ