(CMO) Theo dự báo của ngành y tế, năm 2017, bệnh truyền nhiễm sẽ diễn biến phức tạp, trong đó có bệnh sốt xuất huyết (SXH). Đối tượng mắc bệnh không chỉ có trẻ em, mà còn có cả người lớn. Ngành y tế đang chủ động nhiều biện pháp, quyết tâm hạ thấp số ca mắc bệnh và trường hợp tử vong.
Theo số liệu thống kê, chỉ riêng 2 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn huyện Cái Nước xảy ra 34 trường hợp mắc bệnh SXH. Nhờ đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ, kết hợp với thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng dựa vào cộng đồng, nên số ca mắc bệnh giảm xuống. Từ đầu tháng 3 đến nay, toàn huyện chỉ ghi nhận thêm 2 trường hợp mắc bệnh, nâng tổng số ca mắc bệnh từ đầu năm đến nay lên 36 trường hợp và 11 ổ dịch nhỏ, giảm 60 ca so với cùng kỳ năm 2016.
Không có lăng quang, không sốt xuất huyết
Ngay từ đầu năm, chính quyền địa phương và ngành y tế chủ động đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ, giúp người dân nâng cao ý thức phòng ngừa SXH, chủ yếu bằng các biện pháp dân gian. Ngoài ra, ngành y tế còn đổi mới chiến dịch ra quân diệt muỗi, diệt lăng quăng dựa vào cộng đồng.
Thay vì trước đây trung bình mỗi năm huyện tổ chức chiến dịch vào 3 thời điểm: đầu mùa mưa, giữa mùa mưa và cuối mùa mưa, sau đó các xã, thị trấn mới tiến hành ra quân đồng loạt. Nay các địa phương linh hoạt tổ chức thực hiện chiến dịch bất cứ thời điểm nào, khi nhận thấy tình hình bệnh SXH diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát.
Bác sĩ Bùi Bét Gol, Trưởng Trạm Y tế xã Đông Hưng, cho biết, chính nhờ linh hoạt trong việc tổ chức chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng dựa vào cộng đồng, ngay sau khi phát hiện 4 trường hợp mắc bệnh SXH và bệnh nhân có triệu chứng bị sốc, trạm đã thực hiện ngay việc phun hoá chất diệt muỗi bán kính 400 m. Ngoài ra, Trạm Y tế kết hợp với các ấp tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng dựa vào cộng đồng vòng 1 năm 2017. Ngay sau đó tình hình bệnh SXH trên địa bàn đã kiềm chế, đến nay không phát hiện ca bệnh mới.
Với khẩu hiệu “Không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết”, hiện các địa phương chủ động tổ chức ra quân diệt lăng quăng dựa vào cộng đồng vào thời điểm trước mùa mưa và duy trì hoạt động này thường xuyên.
Chủ động phòng tránh
Rút kinh nghiệm năm 2016, khi bước vào cao điểm bệnh SXH, nhiều địa phương thiếu nguồn cá bảy màu cấp phát cho người dân diệt lăng quăng, nên tình hình bệnh SXH diễn biến phức tạp. Để chủ động nguồn cá bảy màu phòng chống bệnh SXH, ngay từ những ngày đầu của năm 2017, Ban Chăm sóc sức khoẻ Nhân dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện phát động chi bộ, ban Nhân dân các ấp, khóm, trường học và trạm y tế tiếp tục duy trì, nhân nuôi cá bảy màu ngay trong những tháng mùa khô.
Bác sĩ Lâm Văn Phú, Trưởng Trạm Y tế xã Tân Hưng, cho hay, ngay sau khi quán triệt chủ trương nhân nuôi cá bảy màu, Trạm Y tế xã phân công một số nhân viên phụ trách theo dõi, nhân nuôi cá bảy màu tại trạm. Bên cạnh đó, mỗi ấp còn xây một cái hồ diện tích 2 m2 để nuôi cá bảy màu và thường xuyên cung cấp cho các hộ dân trên địa bàn ấp thả nuôi để diệt lăng quăng.
“Cùng với xã Tân Hưng, các địa phương còn lại cũng đang duy trì mô hình nuôi cá bảy màu kết hợp với công tác tuyên truyền, như: đi từng ngõ, gõ từng nhà cấp phát tờ rơi hướng dẫn biện pháp phòng bệnh và kiểm tra mật độ lăng quăng tại hộ gia đình. Qua các đợt kiểm tra định kỳ hằng tháng, kết quả hết sức khả quan, có trên 98% hộ gia đình không có lăng quăng”, ông Lê Hoài Thu, Tổ Y tế ấp Phong Lưu, xã Đông Hưng, phấn khởi chia sẻ.
Theo nhận định của ngành y tế, nếu người dân tiếp tục thực hiện tốt khâu diệt muỗi, diệt lăng quăng tại hộ gia đình như hiện nay, bệnh SXH trên địa bàn huyện sẽ được kiềm chế.
Việt Tiến
Theo số liệu thống kê năm 2016, trên địa bàn huyện Cái Nước có gần 550 trường hợp mắc bệnh SXH, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Đây là địa phương có số lượng bệnh nhân mắc bệnh SXH cao nhất tỉnh Cà Mau. |