Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, số ca mắc và ổ dịch nhỏ liên tục tăng lên từng ngày. Trung tâm Y tế huyện Cái Nước đang nỗ lực phòng, chống bằng nhiều biện pháp nhằm khống chế không để mầm bệnh lây lan trong cộng đồng và điều trị theo phác đồ đối với bệnh nhân, quyết tâm không để bệnh SXH lây lan trên diện rộng.
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp, số ca mắc và ổ dịch nhỏ liên tục tăng lên từng ngày. Trung tâm Y tế huyện Cái Nước đang nỗ lực phòng, chống bằng nhiều biện pháp nhằm khống chế không để mầm bệnh lây lan trong cộng đồng và điều trị theo phác đồ đối với bệnh nhân, quyết tâm không để bệnh SXH lây lan trên diện rộng.
Mặc dù thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện Cái Nước đẩy mạnh công tác tuyên tuyền phòng, chống nhưng số ca mắc bệnh và ổ dịch nhỏ không giảm mà còn diễn biến phức tạp. Hiện nay, số ca mắc bệnh SXH trên địa bàn huyện Cái Nước trung bình mỗi tuần có 5-7 trường hợp, nâng tổng số ca mắc bệnh SXH từ đầu năm đến nay lên trên 200 trường hợp, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2015.
![]() |
Nhân viên y tế phun hoá chất phòng bệnh sốt xuất huyết. |
Ðáng chú ý, những ngày gần đây số ca mắc bệnh SXH độ B và C có dấu hiệu tăng cao, làm cho ổ dịch nhỏ bệnh cũng tăng theo. Trong đó, ấp Tân Biên và ấp Bào Vũng, xã Tân Hưng là địa phương có số ca mắc bệnh nhiều nhất. Trung tâm Y tế huyện Cái Nước đã phun hoá chất diện rộng tại 2 ấp này để diệt mầm bệnh.
Tại các ổ dịch nhỏ, Trung tâm Y tế huyện Cái Nước đã kết hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền hướng dẫn người dân nâng cao ý thức phòng, chống như: làm vệ sinh xung quanh nhà, khai thông cống rãnh, loại bỏ vật dụng chứa nước không cần thiết, diệt muỗi, diệt lăng quăng tại hộ gia đình kết hợp với phun hoá chất diệt muỗi.
Anh Cao Hoàng Ba, ấp Tân Biên, chia sẻ: "Trước đó trong ấp nhiều cháu nhỏ có triệu chứng nóng sốt, rồi lần lượt phải nhập viện điều trị vì mắc bệnh SXH. Thấy vậy, gia đình mới diệt muỗi, diệt lăng quăng, nhưng đã muộn, con tôi bị bệnh SXH liền sau đó, phải nhập viện điều trị".
Việc nhiều trẻ sống trong khu vực có ổ dịch nhỏ, gia đình đã có ý thức phòng, chống nhưng vẫn bị mắc bệnh. Bác sĩ Chuyên khoa 1, Trưởng Trạm Y tế xã Tân Hưng Lâm Văn Phú cho biết, muỗi vằn gây bệnh SXH có khả năng di cư khá xa, với bán kính trên dưới 200 m, tuỳ theo điều kiện thời tiết. Nếu trên phạm vi 1 xóm hoặc 1 ấp xảy ra ổ dịch nhỏ, đã phun xịt hoá chất để hạ thấp mật độ muỗi vằn gây bệnh, nhưng chỉ cần một vài hộ gia đình chưa nêu cao ý thức diệt muỗi, diệt lăng quăng, mầm bệnh sẽ lây lan sang địa bàn lân cận. Ðể phòng, chống bệnh SXH hiệu quả, đòi hỏi cả cộng đồng phải có ý thức diệt muỗi, diệt lăng quăng tại hộ gia đình, như thế muỗi vằn không có điều kiện sinh sản, phát triển và gây bệnh.
Trước tình hình bệnh SXH diễn biến phức tạp, ngoài việc truyền thông giáo dục trong cộng đồng dân cư, Trung tâm Y tế huyện Cái Nước đã phối hợp với Phòng GD&ÐT tiến hành phun hoá chất diệt muỗi tại 58 trường học để bảo vệ sức khoẻ cho các em học sinh.
Mặc dù nguy hiểm của bệnh SXH là vậy, nhưng ý thức phòng, chống của một bộ phận người dân hiện nay chưa cao. Theo nhận định của Trung tâm Y tế huyện Cái Nước, tình hình bệnh SXH từ nay đến cuối mùa mưa còn diễn biến phức tạp. Số ca mắc bệnh và nhập viện sẽ còn tăng nếu người dân không nêu cao ý thức phòng, chống theo khuyến cáo của ngành chuyên môn.
Ðể chủ động tiếp nhận và điều trị bệnh nhân mắc bệnh SXH hiệu quả, Bác sĩ Bùi Ðức Văn, Giám đốc Bệnh viện Ða khoa khu vực Cái Nước, cho biết, y, bác sĩ nội, bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện đã được tập huấn về chẩn đoán bệnh SXH, điều trị theo phác đồ. Về cơ sở vật chất, hiện tại Khoa Nhi có sức chứa từ 80-100 bệnh, nếu lượng bệnh nhân tăng, bệnh viện sẽ sử dụng khu vực hành lang để tiếp nhận. Thuốc điều trị đã chuẩn bị đầy đủ cơ số để điều trị khi dịch xảy ra.
Hiện bệnh SXH đang bước vào cao điểm, Trung tâm Y tế huyện Cái Nước đang nỗ lực phòng, chống bằng nhiều biện pháp, nhưng để ngăn chặn bệnh hiệu quả, ý thức của cộng đồng trong khâu diệt muỗi, diệt lăng quăng ở hộ gia đình phải được nâng cao./.
Bài và ảnh: Việt Tiến