(CMO) Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã ghi nhận 6.264 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 2.124 ca trong cộng đồng. Đặc biệt, thời gian gần đây, số ca nhiễm trong cộng đồng ngày một tăng. Do đó, để chủ động xét nghiệm tầm soát F0, ngành y tế đã xây dựng kế hoạch sàng lọc, xét nghiệm và tiêm chủng trên địa bàn tỉnh cụ thể cho từng đối tượng, nhằm sớm phát hiện các trường hợp F0, nhanh chóng cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng.
Theo đánh giá ngành y tế, trang thiết bị, nguồn nhân lực để phục vụ cho công tác xét nghiệm cơ bản đảm bảo.
Tỉnh đã tập huấn cho trên 12.000 người là nhân viên y tế, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, công nhân các nhà máy, xí nghiệp... về lấy mẫu xét nghiệm test nhanh và trên 40 nhân viên y tế làm xét nghiệm RT-PCR.
Toàn tỉnh có 11 máy xét nghiệm RT-PCR với công suất 9.000 mẫu/ngày. Như vậy, khả năng lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR sẽ đảm bảo cho 90.000 người/ngày (mẫu gộp) và xét nghiệm test nhanh cho 240.000 người/ngày.
Khi số ca nhiễm trong cộng đồng tăng cao thì việc sàng lọc, xét nghiệm để nhanh chóng tách F0 ra khỏi cộng đồng là điều cấp thiết. |
Theo kế hoạch sàng lọc xét nghiệm và tiêm chủng trên địa bàn tỉnh vừa được Sở Y tế ban hành, có 6 đối tượng thuộc diện xét nghiệm sàng lọc với tần suất xét nghiệm khác nhau.
Trong đó, đối với bệnh nhân F0 thuộc tầng 1, tầng 2, tầng 3 và tại các bệnh viện, trung tâm y tế, cơ sở thu dung và cách ly điều trị tại nhà, thì tiến hành xét nghiệm ít nhất 1-2 mẫu đơn/tuần. Đối với F1, thực hiện xét nghiệm RT-PCR 3 lần mẫu đơn, vào ngày thứ nhất, thứ 7 và 14.
Đới với vùng phong tỏa (vùng nguy cơ rất cao hoặc vùng cấp độ 4), 3 ngày lấy mẫu xét nghiệm 1 lần; xung quanh vùng phong tỏa (vùng nguy cơ cao như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại,... hoặc vùng cấp 3) từ 5-7 ngày lấy mẫu xét nghiệm 1 lần.
Đối với người lao động tại các nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, công ty, thì tiến hành xét nghiệm ngay khi người lao động có một trong các triệu chứng: sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở... hoặc có yếu tố dịch tễ. Theo đó, xét nghiệm 100% người lao động khi bắt đầu tổ chức sản xuất bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp 10-20. Đồng thời, xét nghiệm sàng lọc định kỳ cho người lao động, 3 ngày lấy mẫu xét nghiệm 1 lần mẫu gộp 10-20 đối với phương pháp RT-PCR và mẫu gộp 3-5 đối với test nhanh.
Trường hợp người ngoài tỉnh về địa phương cũng được quy định rõ. Theo đó, những ai đã tiêm 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 (thẻ xanh) hoặc khỏi bệnh trong vòng 6 tháng thì xét nghiệm 1 lần bằng test nhanh mẫu đơn khi về địa phương.
Nếu đã tiêm 1 mũi vắc-xin phòng Covid-19 (thẻ vàng) thì xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ nhất và ngày thứ 7 bằng RT-PCR hoặc test nhanh.
Chưa tiêm vắc-xin thì thực hiện xét nghiệm 3 lần vào ngày thứ nhất, thứ 7 và 14 bằng RT-PCR hoặc test nhanh.
Toàn tỉnh có 11 máy xét nghiệm RT-PCR với công suất 9.000 mẫu/ngày. |
Để đảm bảo công suất xét nghiệm nhanh, Sở Y tế yêu cầu bố trí thời gian lấy, nhập thông tin và vận chuyển mẫu kịp thời. Tránh tình trạng để dồn số lượng mẫu chuyển đến đơn vị xét nghiệm cùng một thời điểm.
Theo đó, phân chia đơn vị, địa bàn tiếp nhận mẫu rõ ràng, cụ thể. Đối với TP Cà Mau, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật lấy mẫu xét nghiệm tại các khu cách ly tập trung, các công ty, nhà máy, xí nghiệp; Trung tâm Y tế thành phố lấy mẫu xét nghiệm tại các địa bàn còn lại, trừ các bệnh viện và các đơn vị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã lấy; bệnh viện nào thì bệnh viện đó tự lấy mẫu.
Đối với các huyện Cái Nước, Trần Văn Thời, Năm Căn, Đầm Dơi, bệnh viện đa khoa lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc trong bệnh viện; trung tâm y tế lấy mẫu xét nghiệm tất cả các đơn vị còn lại trên địa bàn huyện quản lý.
Các huyện U Minh, Thới Bình, Phú Tân, Ngọc Hiển thì trung tâm y tế có giường bệnh tại các huyện phụ trách lấy tất cả các mẫu xét nghiệm sàng lọc trên địa bàn phụ trách.
Thực tế hiện nay, nơi nhận mẫu chỉ có 2 đơn vị, đó là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Bệnh viện Đa khoa Cà Mau (dự kiến đầu tháng 12 tới tại Bệnh viện Sản - Nhi và Bệnh viện Đa khoa Cái Nước hệ thống RT-PCR đi vào hoạt động). Do vậy, nhìn chung máy xét nghiệm RT-PCR chỉ bố trí tập trung tại TP Cà Mau, chưa trang bị cho các huyện. Từ đó, việc lấy mẫu, gửi mẫu xét nghiệm tốn khá nhiều thời gian.
Ngoài ra, do hiện tại song song thực hiện phần mềm lấy mẫu và trả kết quả nên bước đầu một số đơn vị, địa phương còn lúng túng, gặp khó khăn trong việc thao tác phần mềm.
Tuy nhiên, trên hết, để đảm bảo công tác xét nghiệm sàng lọc nhanh, hiệu quả, Sở Y tế đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo cho người dân và doanh nghiệp tự giác thực hiện việc xét nghiệm test nhanh để sớm tách các ca F0 ra khỏi cộng đồng./.
Hồng Nhung