ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 1-11-24 06:32:31
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Chủ động trữ nước giảm thiệt hại do El Nino

Báo Cà Mau (CMO) Nếu xảy ra El Nino, nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp là câu chuyện vô cùng cấp bách đối với tỉnh. Do đó, ngay từ thời điểm hiện tại, khi còn mưa, cần cấp bách triển khai các giải pháp dự trữ nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp.

Không có nguồn nước ngọt bổ sung từ các sông đầu nguồn, chủ yếu phụ thuộc vào nước mưa và nước ngầm, nếu xảy ra El Nino, các địa phương trong tỉnh đều đối diện với nguy cơ thiệt hại lớn. Do đó, để giảm nguy cơ xảy ra khô hạn cục bộ hoặc trên diện rộng, việc đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt của người dân, sản xuất nông nghiệp rất đáng quan tâm hiện nay. Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước khi xảy ra El Nino đã không ít lần tàn phá nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh, từ cây lúa cho đến nuôi trồng thuỷ sản và sinh hoạt của người dân.

Những thiệt hại do tác động của El Nino đã gây ra các đợt hạn hán kỷ lục vào năm 2015-2016 và 2019-2020. Chính vì vậy, hiện nay, khi còn mưa là thời điểm quan trọng để các địa phương, người dân tiến hành các biện pháp trữ nước, sẵn sàng ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước trong những tháng cuối năm, đảm bảo nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt, giảm thiểu thiệt hại tới sản xuất.

Rút kinh nghiệm từ những lần thiệt hại do ảnh hưởng của El Nino trước đây, hiện vùng sản xuất lúa - tôm của huyện Thới Bình đang tích cực triển khai các giải pháp phòng bị.

 Vùng sản xuất lúa - tôm trên địa bàn huyện Thới Bình là nơi có nguy cơ thiệt hại cao khi xảy ra El Nino, nếu không có giải pháp thích ứng phù hợp ngay từ bây giờ.

Ngoài vận động người dân tuân thủ lịch thời vụ, chuyển đổi sang những giống ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao..., ông Phạm Văn Diễn, Chủ tịch UBND xã Trí Phải, huyện Thới Bình, cho biết: “Theo kế hoạch, năm nay, trên địa bàn toàn xã sản xuất khoảng 2.500 ha lúa - tôm. Ða phần người dân đã có ý thức thể hiện qua việc bà con đăng ký giống mới là ST24, ST25 và OM2517. Xã cũng đã triển khai cho người dân trước một bước, rửa mặn và khi cần thiết giữ ngọt trong các ao đầm nuôi tôm. Xã thông báo cho người dân từng giai đoạn cụ thể, tháng nào mưa bao nhiêu và nắng như thế nào để tận dụng trữ nước mưa trong vuông tôm”.

Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay của vùng sản xuất lúa - tôm là việc trữ nước chỉ triển khai được trong các vuông tôm, còn đối với các kênh, rạch thì không thể trữ được nước ngọt, do chưa có hệ thống cống đập ngăn mặn khép kín.

Ðối với tiểu vùng 2 và 3 (trên địa bàn huyện Trần Văn Thời và U Minh) - nơi được cho là đã khép kín thì việc trữ nước cần được triển khai nhanh chóng.

 Cống và hệ thống trạm bơm Ông Bích Lớn, ấp Ông Bích, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, là một trong những hệ thống hạ tầng thuỷ lợi để khép kín tiểu vùng 3.

Ông Trần Quốc Nam, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh Cà Mau, nhận định: “Ðể việc trữ nước đạt hiệu quả cao nhất, cần có lịch thời vụ cho từng vùng. Lịch thời vụ cụ thể mới có thể trữ được nước”.

Ông Nam giải thích, khi người dân trong ô thuỷ lợi gieo sạ, bơm nước ra sẽ trữ lượng nước này trong các kênh, mương của tiểu vùng. Khi lượng nước này tràn mới cho ra sông. Hay những ô đã gieo sạ trước cũng có thể cấp nước vào ruộng từ hệ thống kênh mương tiểu vùng khi các ô thuỷ lộ khác bơm nước ra để gieo sạ... tránh mất nước.

“Ngoài ra, vận động người dân tôn cao bờ bao khuôn hộ cũng như trang bị máy để chủ động bơm tiêu khi gieo sạ và bơm tưới khi thiếu nước cuối vụ. Riêng đối với những vùng chưa có ô thuỷ lợi khép kín hay vùng lúa - tôm, việc trữ nước thông qua việc tôn cao bờ bao, trang bị máy bơm càng quan trọng, để chủ động mùa vụ và trữ nước phục vụ cho cuối vụ”, ông Nam đề xuất.

Tuân thủ lịch thời vụ, trữ nước, tưới tiết kiệm và gieo sạ giống ngắn ngày có chất lượng cao là những giải pháp để tránh thiếu nước khi xảy ra El Nino. Tuy nhiên, về lâu dài, cần quy hoạch, phân chia cũng như đầu tư hệ thống hạ tầng thuỷ lợi theo hướng ô thuỷ lợi vừa phải theo từng địa hình của từng nơi.

Người dân vùng sản xuất lúa - tôm trên địa bàn xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tiến hành rửa mặn chuẩn bị vụ sản xuất lúa.

Tiểu vùng 3 Bắc Cà Mau là minh chứng cụ thể. Với hơn 44.000 ha và hạ tầng cống, đập, trạm bơm được đầu tư khép kín vòng ngoài, tuy nhiên, trong tiểu vùng này lại không bằng phẳng, có những nơi mặt đất chênh lệch nhau gần 1 m. Ðịa hình không bằng phẳng, việc bơm tát để phục vụ sản xuất bên trong vô cùng khó khăn.

“Do đó, việc phân chia lại từng ô thuỷ lợi theo từng địa hình, vùng trũng ra vùng trũng, vùng cao ra vùng cao, với diện tích vừa phải từ 200-500 ha, kết hợp với xây đập thép khép kín và trạm bơm lưu động. Có như vậy mới có thể chủ động được sản xuất và trữ nước hiệu quả, tiết kiệm nước”, ông Nam lưu ý.

Ðể ứng phó với El Nino, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công điện số 397/CÐ-TTg ngày 13/5/2023 về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. 

 Cống và trạm bơm Rạch Nhum, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời.

Trong công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước ngọt, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, điện, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm kê, đánh giá nguồn nước dự trữ, tính toán cân bằng nước để có kế hoạch vận hành từng hệ thống thuỷ lợi, điều chỉnh, bổ sung phương án sử dụng nước. Trong đó, trước hết ưu tiên nguồn nước cấp cho sinh hoạt, chăm lo sức khoẻ cho người dân, chăn nuôi gia súc và các lĩnh vực sản xuất trọng yếu.

Hiện nay, tỉnh triển khai xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tổng thể cho giai đoạn từ năm 2023-2025, các giải pháp ứng phó với các kịch bản khác nhau về khí tượng, thuỷ văn, nguồn nước do ảnh hưởng của El Nino. Trong đó, tập trung triển khai nạo vét hệ thống kênh mương, đắp đập tạm ngăn mặn, trữ nước ngọt trong hệ thống kênh mương. Bố trí, cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng địa phương. Ðặc biệt, rà soát các khu vực có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt để tiếp tục đầu tư hệ thống cấp nước và tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm...

 

Nguyễn Phú - Trầm Nghĩ

 

Sẵn sàng hỗ trợ người dân

Mưa lớn, triều cường, ngập lụt, dông lốc, sạt lở đất, xâm nhập mặn... là những loại hình thiên tai được dự báo sẽ có nguy cơ diễn ra từ nay đến cuối năm và sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, nhất là sản xuất của người dân. Trước dự báo này, người dân cần chủ động bảo vệ sản xuất, tài sản.

Vất vả nghề bám biển

Vất vả và luôn phải đối diện với hiểm nguy, nhưng đó chưa phải là tất cả những gì mà ngư dân phải đối mặt trong hành trình mưu sinh trên biển. Quá trình lao động nơi đầu sóng của những ngư dân, đôi lúc phải đánh đổi bằng cả tính mạng, nhất là đối với các phương tiện nhỏ.

Sẵn sàng nhân lực, vật lực ứng phó thiên tai

Theo nhận định của Ðài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Cà Mau, từ nay đến cuối năm 2024 còn khoảng 4-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNÐ) trên biển Ðông, trong đó khoảng 2-3 cơn đổ bộ vào đất liền, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam. Trên địa bàn tỉnh có khả năng xuất hiện nhiều loại hình thiên tai khác như: gió mạnh trên biển, mưa lớn, triều cường, ngập lụt, dông lốc, sạt lở đất ven sông, ven biển.

Chủ động ứng phó thiên tai trên biển

Công tác phòng chống thiên tai (PCTT) trên biển đang được sự quan tâm đặc biệt, khi thời tiết biến đổi liên tục và thất thường. Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT,TKCN&PTDS) tỉnh, có buổi trò chuyện cùng phóng viên Báo Cà Mau về nhiều phương án phòng chống thiên tai và hỗ trợ ngư dân trên biển trong tình hình biến đổi khí hậu (BÐKH).

Bảo vệ nhà ở và sản xuất trước thiên tai

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Phú Tân, mưa dông, lốc xoáy làm sập, tốc mái 24 căn nhà (sập hoàn toàn 5 căn, tốc mái 19 căn); chìm 3 tàu cá, hư hỏng 2 cụm pa nô, tổng thiệt hại trên 1 tỷ đồng.

Nhiều khó khăn trong thu quỹ Phòng, chống thiên tai

Quỹ Phòng, chống thiên tai (PCTT) được xác định là nguồn lực quan trọng để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai xảy ra. Tuy nhiên, tại huyện U Minh, nhiều năm qua việc thu quỹ PCTT luôn đạt thấp, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đang chậm trễ trong việc nộp quỹ.

Kiểm soát chặt, thích ứng nhanh

Những tháng cuối năm, vùng biển phía Nam là nơi thường xuyên xuất hiện bão, mưa lớn và gió mạnh. Ðể đảm bảo an toàn cho người và phương tiện ra khơi, bên cạnh tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp an toàn, ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh còn tăng cường kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn ngư dân trang bị những thiết bị cần thiết trên tàu cá.

Sạt lở ven sông chưa có điểm dừng

Những ngày qua, tình trạng sạt lở đất ở khu vực ven sông trên địa bàn huyện Năm Căn diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Ðã có nhiều công trình lộ giao thông và nhiều căn nhà bị sụp xuống lòng sông; hiện tại, nhiều hộ dân sống ven sông vẫn đang thấp thỏm lo âu.

Chủ động phòng, chống thiên tai theo phương châm “ 4 tại chỗ”

Theo báo cáo của UBND huyện U Minh, những tháng đầu năm 2024, khô hạn đã làm cho 1.057 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, sạt lở, sụp lún 36 đoạn đê ven song với chiều dài trên 1 km, đã khắc phục 353 m, còn 711 m đang tiếp tục khắc phục; dông lốc làm sập và tốc mái 34 căn nhà, ước thiệt hại gần 1,7 tỷ đồng.

Chủ động hơn khi mưa bão kéo dài

Theo dự báo, từ nay đến tháng 11, trên biển Ðông có khả năng xuất hiện từ 5-7 cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNÐ), trong đó có khoảng 3-4 cơn đổ bộ vào đất liền và tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam. Cùng với đó, dự báo đỉnh triều ở mức cao hơn nhiều so với trung bình nhiều năm. Sự kết hợp của 2 hiện tượng thời tiết này sẽ tạo ra nguy cơ gây ngập úng, sạt lở, ảnh hưởng đến sản xuất, tài sản của người dân và Nhà nước, nhất là ở các vùng trũng.