(CMO) Cứ vào con nước trong các tháng cuối năm, triều cường lại lên cao. Không ngoài quy luật ấy, con nước triều những ngày đầu tháng 11 này, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh chạm mốc báo động 3 (1,5 m) gây ngập, nhất là các xã ven biển Ðông.
Do tác động của đợt không khí lạnh tăng cường xuống phía Nam, triều cường kết hợp gió mùa Ðông Bắc mạnh làm cho mực nước các sông, rạch vùng ven biển lên cao. Từ ngày 7-9/11, mực nước tại một số sông trên điạ bàn tỉnh dâng cao vượt mức báo động 3.
Cụ thể, mực nước đo được trên sông Gành Hào tại khu vực xã Tạ An Khương Ðông (huyện Ðầm Dơi) đỉnh điểm đạt hơn 1,41 m; khu vực thị trấn Ðầm Dơi cũng đạt mốc trên 1,43 m; trên sông Cửa Lớn khu vực thị trấn Năm Căn cao hơn 1,7 m; trên sông Rạch Gốc, khu vực thị trấn Rạch Gốc vượt 2,09 m… Triều cường cao đã khiến một số địa phương vùng ven biển ngập, tràn cục bộ, một số bờ bao vuông tôm bị vỡ và một số nơi có nguy cơ sạt lở đất ven sông.
Mới sáng tinh mơ, hai cha con anh Trần Quốc Toản, Khóm 5, thị trấn Ðầm Dơi, đã khẩn trương cho đất vào bao để gia cố bờ bao khu vực cống vuông của gia đình. Dù đã chủ động đắp trước một bờ “cơm nếp” chống tràn nhưng con nước triều sáng 9/11 đã ngấp nghé vượt rào để vào vuông tôm của gia đình.
“Làm xong khu vực này còn ra phía sau tiếp tục gia cố thêm một đoạn bị tràn từ ngày hôm trước chưa đắp kịp”, anh Toản chia sẻ.
Anh Trần Quốc Toản tất bật cho đất vào bao để gia cố bờ bao vuông tôm của gia đình. |
Tại thị trấn Ðầm Dơi, nhiều khu vực nước dâng cao vượt lộ giao thông tràn vào nhà người dân. Tại khu vực cầu Tân Ðức 2, ấp Tân Ðức, xã Tân Ðức (Ðầm Dơi), triều cường ngày 8/11 đã tràn qua tuyến lộ nhựa về trung tâm xã vào vuông tôm của người dân. Theo một số hộ dân, đây là lần đầu tiên nước dâng cao tràn qua lộ. Ðồng thời, cũng đã làm một số bờ bao vuông tôm của người dân bị vỡ.
Người dân ấp Tân Ðức, xã Tân Ðức, huyện Ðầm Dơi, sử dụng cơ giới để gia cố bờ bao chống tràn. |
Nằm dọc theo con sông Ông Bụt nối liền ra cửa biển Giá Cao, khu vực chợ Tân Tiến khá sầm uất với hơn 100 hộ dân sinh sống và kinh doanh mua bán. Tuy nhiên, do gần biển nên trong những ngày qua khu vực này cũng là nơi ngập sâu nhất trên địa bàn xã Tân Tiến.
Theo ông Ðoàn Chí Linh, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, con nước những ngày qua làm cho khu vực chợ ngập hơn 20 cm. Mặc dù đến thời điểm này chưa xảy ra thiệt hại gì nhiều nhưng triều cường ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của bà con tiểu thương trong chợ.
Tại khu vực chợ Tân Tiến, hầu như toàn bộ các gian hàng đều được người dân trưng bày trên các kệ cao để tránh ngập. Anh Nguyễn Chí Nguyện, một tiểu thương, cho biết, nhờ chủ động nên dù bị ngập nhưng hầu như chưa có thiệt hại gì. Tuy nhiên, sau mỗi đợt nước lên phải mất rất nhiều thời gian, công sức tát nước, dọn vệ sinh, nhất là bùn đất tồn đọng ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh mua bán.
“Ngập không đáng ngại lắm, sợ nhất là nước lên cao rồi khi ròng lại xuống thấp gây ra tình trạng sạt lở”, anh Nguyện lo lắng.
Ðiều lo lắng của anh Nguyện là xuất phát từ thực tế, triều cường khiến nước dâng quá cao, khi xuống lại quá thấp, cùng với dòng nước chảy mạnh đã đưa khu vực chợ Tân Tiến thành điểm nóng trong sạt lở đất nhiều năm qua. Ðã có không ít căn nhà của người dân bị thiệt hại do sạt lở.
Ông Linh cho biết thêm, trên địa bàn xã có 3 ấp ven biển, mực nước lớn, ròng có thể chênh lệch nhau đến gần 3 m nên nguy cơ sạt lở đất rất lớn. Hiện nay, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã cũng như đội xung kích trực 24/24 sẵn sàng hỗ trợ người dân bất cứ lúc nào.
Với đặc điểm địa hình thấp, triều cường là một hiện tượng thiên tai có tác động vô cũng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân trong tỉnh. Theo các kịch bản biến đổi khí hậu, phần diện tích của tỉnh đều có nguy cơ ngập. Theo một diễn biến trong kịch bản, nước biển dâng thêm 25 cm ứng với năm 2040 thì có hơn 4.693 km2 bị ngập từ 1-1,2 m trở lên, chiếm 85,4% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh.
Kịch bản là vậy, thế nhưng, theo nhận định, thực tế có thể còn phức tạp hơn, nhất vào những tháng cuối năm, khoảng thời gian đỉnh điểm của triều cường. Tình trạng triều cường cao trong 3 năm liên tục gần đây là một lời cảnh báo đáng quan tâm. Cụ thể, trong năm 2018, mực nước đo được tại sông Gành Hào có thời điểm lên đến đến 2,4 cm so với bình quân 2,2 cm. Kế đến là năm 2019 mà đỉnh điểm là đầu năm thuỷ triều dâng cao kèm theo sóng lớn, nước khu vực biển Tây đạt mốc kỷ lục, tràn qua mặt đê, gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng có nguy cơ vỡ đê. Gần nhất là thời điểm đầu tháng 11/2020, mưa lớn kết hợp triều cường cao trong thời gian dài khiến nhiều khu vực bị ngập sâu, thiệt hại về sản xuất, đường giao thông… trên 200 tỷ đồng.
Trước biến đổi khí hậu, tình trạng tràn bờ bao, đê bao trên địa bàn tỉnh đã đến lúc báo động, đặc biệt là các huyện ven biển như Ðầm Dơi, Ngọc Hiển, Năm Căn và Phú Tân. Ngoài các khu này ra, nhiều khu vực khác ven sông, rạch trên địa bàn tỉnh cũng chịu cảnh ngập nước do triều cường. Nhiều nơi người dân đã dùng phương tiện cơ giới để gia cố bờ bao chống tràn, chống vỡ. Theo dự báo, từ đây đến cuối năm do ảnh hưởng của gió mùa Ðông Bắc, triều cường vẫn còn tiếp tục dâng cao. Trong khi đó hạ tầng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu chưa được đồng bộ, do đó, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, người dân cần chủ động tự bảo vệ sản xuất và tài sản của gia đình./.
Nguyễn Phú - Khánh Phương