Chiều 19/12, ông Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, có buổi đối thoại với cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh. Buổi đối thoại được kết nối trực tuyến với 8 điểm cầu các huyện.
Đánh giá cao vị trí, vai trò của tổ chức hội nhụ nữ và những đóng góp quan trọng của các tầng lớp phụ nữ đối với sự phát triển chung của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt khẳng định, những năm qua, tỉnh thực hiện nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến công tác cán bộ nữ, lao động nữ, bình đẳng giới... góp phần cổ vũ, động viên cán bộ nữ và các tầng lớp phụ nữ hăng hái thi đua học tập, lao động sản xuất. Tuy nhiên, một bộ phận phụ nữ vẫn còn gặp khó khăn về lao động, việc làm, mô hình kinh tế chưa hiệu quả, thu nhập còn bấp bênh; việc tiếp cận chuyển đổi số, mua bán hàng hoá thông qua thương mại điện tử còn chậm…
Ông Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phát biểu đánh giá về công tác phụ nữ thời gian qua.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau mong muốn cán bộ, hội viên phụ nữ mạnh dạn nêu lên ý kiến, chia sẻ khó khăn, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, để lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn, nhằm tiếp tục phát huy vai trò, vị trí, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong thời gian tới.
Với chủ đề: “Chia sẻ, đồng hành, thúc đẩy bình đẳng giới và hỗ trợ phụ nữ phát triển”, cán bộ, hội viên phụ nữ các cấp đã đối thoại tập trung các lĩnh vực về lao động việc làm, thành lập hợp tác xã, phát triển kinh tế, hỗ trợ khởi nghiệp, an ninh mạng, chính sách an sinh xã hội đối với phụ nữ...
Liên quan đến xuất khẩu lao động, bà Quách Thanh Thoảng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm, thông tin, Đề án đưa người lao động tỉnh Cà Mau đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (gọi tắt là xuất khẩu lao động) giai đoạn 2022-2025 nhận được sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh. 10 tháng 2023, có 392/400 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 98% chỉ tiêu. Lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu là lao động phổ thông với các ngành nghề làm việc như: Xây dựng, cơ khí, nông nghiệp, hộ lý, chế biến thực phẩm, gia công…
Bà Quách Thanh Thoảng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm, thông tin về Đề án đưa người lao động tỉnh Cà Mau đi làm việc ở nước ngoài.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã thẩm định hồ sơ pháp lý và chấp thuận cho 33 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thực hiện tư vấn tuyển dụng lao động tỉnh Cà Mau đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Bà Quách Thanh Thoảng cho biết, thời gian tới ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp hội phụ nữ tham gia tuyên truyền, vận động công tác xuất khẩu lao động.
Về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, bà Trần Thị Cẩm Hằng, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết, từ năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai đầu số 5656 và 156, tiếp nhận tin nhắn phản ánh các tin nhắn rác, cuộc gọi rác hay cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo. Bên cạnh đó, Sở phối hợp với cơ quan báo, đài tuyên truyền thường xuyên để người dân nắm rõ các nâng cao cảnh giác. Tham gia không gian mạng, ý thức cảnh giác của người dân được xác định là biện pháp hiệu quả nhất hiện nay.
Chị Đỗ Thuỳ Ngân, Chủ tịch Hội LHPN Phường 6, đối thoại về công tác chuyển đổi số.
Về chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, lãnh đạo Sở Công thương cho biết, tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025, đối tượng hỗ trợ là phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, có nhu cầu khởi sự kinh doanh; các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp mới thành lập do phụ nữ làm chủ; ưu tiên phụ nữ thuộc hộ nghèo, khó khăn, phụ nữ là người dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ sống tại địa bàn khó khăn, địa bàn chuyển đổi đất nông nghiệp... Thời gian qua, tỉnh đã lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới vào chương trình, dự án và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh theo quy định. Tỉnh đang đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư một số cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù.
Ông Huỳnh Quốc Việt lưu ý việc phát triển sản phẩm OCOP ngoài xuất phát từ lợi thế địa phương, song phải chất lượng, đảm bảo cung cấp số lượng lớn cho thị trường. Hiện tỉnh đang triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, gắn với các chính sách hỗ trợ, trên cơ sở đó các cấp hội phụ nữ cần chủ động xem xét hỗ trợ kịp thời cho chị em phát triển kinh tế.
“Sắp tới tỉnh sẽ quy hoạch các khu du lịch, khu công nghiệp, khu kinh tế... cơ hội để thu hút đầu tư, hình thành nhiều nhà máy, xí nghiệp, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người dân nhất là phụ nữ”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, các cấp hội phụ nữ cần tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống và xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, giảm tối đa các tổn hại và bảo đảm quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em.
Mộng Thường