(CMO) Xác định việc đánh giá cán bộ là khâu hết sức quan trọng trong công tác cán bộ, thời gian qua, thực hiện những quy định, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cà Mau đã chỉ đạo, quán triệt đến các cấp uỷ, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời công tác nhận xét, đánh giá cán bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Đồng chí Phạm Thành Ngại, Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, đánh giá: “Kết quả đánh giá cán bộ những năm qua cơ bản đáp ứng yêu cầu. Phần lớn cán bộ được quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện nên việc bố trí, sử dụng, khen thưởng, kỷ luật cán bộ đúng người, đúng việc. Từ đó, tạo động lực để cán bộ phát huy năng lực, sở trường, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Ðoàn Khảo sát do đồng chí Phạm Thành Ngại, Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ làm Trưởng đoàn, khảo sát kết quả kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý năm 2022, tại Kho bạc Nhà nước tỉnh. |
Theo đó, việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm và trước khi thực hiện quy trình công tác cán bộ đã dần đi vào nền nếp. Tiêu chí đánh giá ngày càng cụ thể, sát với chức trách, kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý. Phương pháp, quy trình chặt chẽ từ việc đề xuất đánh giá, mức xếp loại của cơ quan, đơn vị nơi cán bộ, đảng viên công tác đến việc lấy ý kiến đa chiều và thẩm định của các cơ quan chuyên môn trước khi trình cấp có thẩm quyền và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực Tỉnh uỷ quyết định.
“Nhìn chung, việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cán bộ đã giúp cán bộ phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm. Từ đó, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, hiệu quả công tác; khắc phục dần tình trạng thực hiện quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử... không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, năng lực, uy tín..., kịp thời kiện toàn bộ máy cán bộ lãnh đạo của các địa phương, cơ quan, đơn vị để lãnh đạo tốt nhiệm vụ được giao”, Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ nhấn mạnh.
Phó bí thư thường trực Tỉnh uỷ Phạm Thành Ngại đánh giá, công tác cán bộ những năm qua đáp ứng yêu cầu, tạo động lực để cán bộ phát huy năng lực, sở trường, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Về thực hiện công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình; đánh giá, xếp loại cán bộ hàng năm, hết nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và cấp uỷ trực thuộc thường xuyên theo dõi và gợi ý kiểm điểm những tập thể, cá nhân có hạn chế, khuyết điểm và phân công các đồng chí uỷ viên Ban Thường vụ cấp uỷ, Uỷ viên Ban Chấp hành Ðảng bộ, cán bộ các ban Ðảng của cấp uỷ dự, chỉ đạo kiểm điểm đối với đơn vị được gợi ý kiểm điểm.
Theo đó, từ năm 2017 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và các cấp uỷ đã gợi ý kiểm điểm 352 tập thể, 431 cá nhân. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ gợi ý kiểm điểm 37 tập thể và 23 cá nhân; cấp uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ gợi ý kiểm điểm 132 tập thể và 156 cá nhân; Ðảng uỷ cơ sở gợi ý kiểm điểm 183 tập thể và 252 cá nhân.
Qua kết quả đánh giá, phân loại cán bộ từ năm 2017-2022 trên tổng số 24.302 lượt đồng chí cho thấy, có 4.510 lượt đồng chí được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (chiếm 19,21%), hoàn thành tốt nhiệm vụ 18.959 lượt đồng chí (chiếm 78,01%), 658 lượt đồng chí hoàn thành nhiệm vụ (chiếm 2,7%) và 175 đồng chí không hoàn thành nhiệm vụ (chiếm 0,72%).
Trong đó, cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đánh giá là 1.717 lượt đồng chí (không hoàn thành nhiệm vụ là 12 đồng chí, chiếm 0,69%). Cán bộ thuộc diện cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đánh giá tổng số 5.629 lượt đồng chí (không hoàn thành nhiệm vụ 25 lượt đồng chí, chiếm 0,44%). Cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện uỷ, Thành uỷ, Ðảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ đánh giá là 11.951 lượt đồng chí (không hoàn thành nhiệm vụ 110 lượt đồng chí, chiếm 0,92%).
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Tỉnh uỷ, mặc dù công tác đánh giá cán bộ được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo, các cấp uỷ, tổ chức đảng, lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: đánh giá cán bộ chưa đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể; tình trạng nể nang, ngại va chạm trong kiểm điểm tự phê bình và đánh giá, xếp loại chưa được khắc phục; không ít trường hợp còn cảm tính, dễ dãi, định kiến, chưa thật sự công tâm, khách quan, dẫn đến trường hợp quy hoạch, bổ nhiệm... chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn.
Ngoài ra, còn nhiều cấp uỷ, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa cụ thể hoá quy định của cấp trên về nhận xét, đánh giá cán bộ; chưa xây dựng tiêu chí đánh giá cụ thể theo từng chức danh. Việc lượng hoá tiêu chuẩn, tiêu chí còn chung chung, chưa phản ánh đúng phẩm chất, đạo đức, năng lực cán bộ. Tinh thần tự phê bình và phê bình, tính chiến đấu của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo chưa cao. Nội dung, phương pháp đánh giá cán bộ chưa thật sự đổi mới.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã đề ra nhiều giải pháp, chú trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ các cấp, tổ chức đảng, lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong đó, nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu về nhận thức tầm quan trọng của công tác nhận xét, đánh giá cán bộ; xây dựng, hoàn thiện nội dung, tiêu chuẩn, phương pháp, quy trình đánh giá cán bộ; nâng cao năng lực cơ quan tham mưu về công tác cán bộ. Ðồng thời, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên về đạo đức, lối sống ở nơi làm việc và nơi cư trú, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý./.
Hồng Nhung