(CMO) Chiều ngày 16/10, lãnh đạo 3 Bộ: Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến 4 cấp với 11.000 điểm cầu của các địa phương trên cả nước nhằm quán triệt một số nội dung về tiêm chủng vắc-xin Covid-19 và giải pháp xác thực, liên thông dữ liệu tiêm chủng với dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế cùng đại diện các ngành liên quan tham dự hội nghị tại điểm cầu cấp tỉnh. |
Đánh giá công tác tiêm chủng trên cả nước thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, đây là 1 trong những hoạt động rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch mà 3 Bộ đã đồng bộ triển khai thời gian qua và thu được kết quả thành công trên các mặt.
Trong đó, tiếp tận các nguồn vắc-xin nhanh nhất với trên 80 triệu liều đã về Việt Nam; tổ chức chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nhất trong lịch sử; nghiên cứu chuyển giao vắc-xin được phối hợp triển khai nghiên cứu, đàm phán quyết liệt, khẩn trương, nhanh chóng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho rằng, một vấn đề lớn đặt ra, đó là tình trạng quản lý tiêm chủng của người dân. Làm sao quản lý được thông tin tiêm chủng trên phạm vi toàn quốc và xác thực thông tin tiêm chủng, quản lý đồng bộ thống nhất từ trên xuống dưới. Đây là vấn đề tồn tại cần giải quyết.
Hội nghị ghi nhận, thực tế thời gian qua, một số điểm tiêm vẫn có tình trạng sử dụng giấy tiêm chủng, chưa được cập nhật thông tin tiêm chủng; đã tiêm nhưng không có thông tin tiêm chủng, gây khó khăn cho vấn đề đi lại, lưu thông. Hiện đã tiêm chủng 61 triệu mũi tiêm, nhưng thông tin xác thực vẫn chưa đầy đủ.
Nguyên nhân được một số địa phương đưa ra là trong quá trình tiêm, nhiều đơn vị tổ chức tiêm chủng cho nhiều đối tượng khác nhau; nhiều nơi không đủ trang thiết bị công nghệ thông tin để nhập thông tin nên dữ liệu tiêm chủng chưa cập nhật kịp thời.
Về vấn đề này, đại diện Bộ TT&TT cho biết, đến nay phần mềm nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 Quốc gia đã triển khai trên 63 tỉnh, thành để phục vụ chiến dịch tiêm chủng, đã cấp 12.000 tài khoản cho cán bộ y tế các cấp. Qua gần 4 tháng triển khai, đã thực hiện thông tin khoảng 59 triệu mũi tiêm, chiếm 96% mũi tiêm trên thực tế.
Tuy nhiên, trên hệ thống đã ghi nhận 2,7 triệu phản ánh về thiếu thông tin tiêm chủng, trong đó có tới 1,2 triệu phản ánh đã tiêm nhưng chưa cập nhật thông tin 2 mũi. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các địa phương tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của người dân.
Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc cho rằng, hiện nay làn sóng di cư chưa từng có tiền lệ, công tác cập nhật thông tin tiêm chủng vắc-xin cần được thực hiện nhanh chóng hơn để đảm bảo việc lưu thông cũng như quản lý của địa phương. Cần có sự kết nối, phân công rõ trách nhiệm, vừa đảm bảo quản lý thông tin tiêm chủng vừa tăng cường giữ an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm. “Đây là thời kỳ khó khăn. Tất cả cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang phải thể hiện trách nhiệm với nước với dân, chung tay cùng thực hiện nhiệm vụ”, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc kêu gọi.
Tính đến ngày 15/10, công tác tiêm chủng vắc-xin Covid-19 của tỉnh Cà Mau đã đạt tỷ lệ bao phủ 25,4% dân số toàn tỉnh. |
Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh, phần mềm nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 Quốc gia được triển khai trong thời gian ngắn, nên khó tránh khỏi nhiều sai sót. Những vấn đề phát sinh cũng đã và đang được xử lý, và sẽ tiếp tục hoàn thiện, đánh giá, kiện toàn về an ninh mạng. Các địa phương phải triển khai đồng bộ, không “nửa vời”. Từ ngày 20/10, sẽ không chấp nhận việc tiêm trước, nhập dữ liệu sau vào hệ thống.
Đối với vấn đề chuẩn hóa dữ liệu tiêm chủng, các địa phương phải tổ chức chiến dịch chuẩn hóa lại dữ liệu tiêm chủng, chậm nhất đến ngày 1/11 phải hoàn thiện vấn đề này, không còn tình trạng dữ liệu thiếu, sai, sót.
Được biết, phần mềm nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 Quốc gia là phần mền có khả năng phục vụ hơn 10.000 địa điểm tiêm chủng trên toàn quốc, sử dụng, cập nhật và quản lý 5 triệu mũi tiêm mỗi ngày./.
Hồng Nhung