(CMO) Mỗi khi quê hương tôi, đất nước tôi đứng trước thiên tai, dịch hoạ thì những giá trị truyền thống tốt đẹp lại trỗi dậy, đó là tinh thần yêu nước, đoàn kết, tương thân tương ái, nhân nghĩa... Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, tinh thần ấy càng được phát huy và lan toả.
Trong làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 với những biến thể vi-rút SARS-CoV-2 nguy hiểm có tốc độ lây lan chóng mặt, số ca mắc chưa có dấu hiệu dừng lại, đồng nghĩa với việc những cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, bác sĩ, y tá… quên ăn, quên ngủ, chấp nhận vất vả, hy sinh sự an toàn của bản thân vì sức khoẻ và bình yên của Nhân dân. Nhiều bác sĩ đã nghỉ hưu, những sinh viên các trường đại học làm đơn tình nguyện xung phong lên tuyến đầu chống dịch, quyết tâm đoàn kết cùng chiến thắng “giặc” Covid. Nguyện đồng hành cùng dân tộc, hơn 400 tăng ni, phật tử chùa Giác Ngộ đã tham gia nhóm tình nguyện viên, phụng sự tại các bệnh viện dã chiến…
Ðã có bao câu chuyện cảm động trong các khu cách ly, bệnh viện, về tình người trong khó khăn làm lòng dân cả nước bùi ngùi, xúc động. Một em bé 3 tuổi ở tâm dịch Bắc Giang phải cách ly một mình, do bố mẹ, anh chị đều là F0 đang được điều trị. Em được các y, bác sĩ ở khu cách ly tập trung tặng quà ngày Quốc tế Thiếu nhi, khiến nhiều người cảm kích… Ở khu cách ly Bệnh viện Công an TP Hà Nội có một ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 lạ lẫm nhưng khó quên. Câu chuyện của Ðội phản ứng nhanh Thanh niên Công an Thủ đô nhiều lần khẩn cấp hiến máu giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch trong bối cảnh thiếu máu do dịch bệnh… Tất cả là hình ảnh đại diện, là thông điệp tích cực trong cuộc chiến chống Covid-19 còn cam go.
Quê tôi Cà Mau sau bao mùa chống chọi, lần này ghi nhận ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên vào những ngày đầu tháng 7 vừa qua. Lãnh đạo tỉnh đã có những chỉ đạo kịp thời, thần tốc. Thống nhất quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, ngành chức năng và các địa phương quyết liệt thực hiện truy vết, khoanh vùng khi phát hiện ca bệnh, hạn chế tối đa việc lây lan trong cộng đồng. Tâm lý xáo trộn, hoang mang những ngày xuất hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 là không tránh khỏi. Người dân quê tôi kịp thời trấn an, nhắc nhở nhau thực hiện tốt "5K", nâng cao ý thức phòng, chống dịch và “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Tuân thủ nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian giãn cách xã hội, đường quê, phố thị vắng vẻ xe cộ, hàng quán đóng cửa im ỉm, thiếu vắng cảnh sôi động và náo nhiệt như trước, nhưng tình người thì luôn ấm áp và lan toả. Khắp các huyện, thành phố, xuất hiện nhiều "cửa hàng 0 đồng", bếp ăn miễn phí, suất cơm nghĩa tình… kịp thời đến tay những hoàn cảnh khốn khó. Chứng kiến những gương mặt khắc khổ, ánh mắt thầm biết ơn khi nhận nhu yếu phẩm, những suất cơm trao tay của cụ già bán vé số, anh thợ hồ, chị giúp việc… bị thất nghiệp, tôi nghĩ khó ai kìm được xúc động và cũng sẵn lòng tiếp sức, không chút suy tính thiệt hơn.
Tổ mua hàng hộ, xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước giúp gia đình cách ly mua nhu yếu phẩm, đồ dùng sinh hoạt. |
“Phiên chợ 0 đồng” chia sẻ khó khăn với hàng trăm hộ bán vé số, thợ hồ, giúp việc… |
Quê tôi lần đầu tiên hình thành những tổ mua hàng hộ thật thiết thực trong mùa Covid. Ðối với những trường hợp cách ly y tế tại nhà, có nhu cầu mua nhu yếu phẩm, đồ dùng sinh hoạt, thì liên hệ số điện thoại của tổ để được hỗ trợ. Ðoàn thể ở ấp, khóm, đoàn viên, thanh niên ít khi đến chợ nay lại chở lủ khủ nào sữa, đường, rau, cá đến tận nhà giúp dân, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng dân về hình ảnh hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Các tổ chức đoàn thể còn phối hợp động viên, san sẻ để bà con vượt qua khó khăn trước mắt, tuân thủ thời gian cách ly, đồng lòng cùng địa phương quyết tâm chống dịch.
Trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo cũng thay đổi theo trạng thái xã hội nhiều biến cố. Vắng hẳn cảnh liên hoan, tiệc tùng, thay vào đó là thông tin chia sẻ về chủ trương phòng, chống dịch Covid; về địa điểm có ca dương tính đi qua để người dân kịp thời khai báo, cách ly; kêu gọi cộng đồng chung tay, góp sức hướng về cảnh khó, người nghèo. Ðã có hàng tấn bí đỏ Ðắk Lắk, vải Bắc Giang, khoai lang Vĩnh Long rồi sầu riêng, mít, cam, bưởi… của nhà vườn các tỉnh miền Tây được dân Cà Mau nhiệt tình ủng hộ, chia sẻ khó khăn cùng nhà nông trong cơn đại dịch.
Từ cực Nam Tổ quốc, những chuyến xe nghĩa tình nối tiếp đã chuyển hàng tấn thực phẩm, hàng thiết yếu đến tâm dịch TP Hồ Chí Minh, như nói hộ tấm lòng của người Cà Mau. Tỉnh uỷ, HÐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau hỗ trợ 12 tấn tôm đông lạnh, nhằm tiếp sức, động viên người dân TP Hồ Chí Minh vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các cấp hội phụ nữ trong tỉnh ngày đêm làm khô, muối cá, rang tôm, cua, muối ba khía, dưa rau muống, dưa gang muối… trên 2.500 kg và 700 suất quà là nhu yếu phẩm gửi đến bà con TP Hồ Chí Minh, san sẻ chân tình với niềm tin chiến thắng dịch bệnh.
Cách nay vài hôm, tôi lạc vào trang web của Sinh viên Việt Nam và đọc một bài viết về tâm tình của cô sinh viên quê Cà Mau, thật cảm động và đáng trân quý. Em là Lê Thị Ngọc Thuỳ, đang học năm thứ nhất, Phân viện miền Nam, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. Thuỳ đăng ký tham gia đội hình tình nguyện, hỗ trợ tuyến đầu chống dịch tại TP Hồ Chí Minh. Em trải lòng đầy nhiệt huyết: “Mẹ sinh ra mình, Sài Gòn là nơi giúp mình trưởng thành và suy nghĩ chín chắn hơn. Sài Gòn đang bệnh, mình không thể bỏ… Mẹ chờ nhé, khi nào con hoàn thành nhiệm vụ, Sài Gòn khoẻ lại, mẹ con chúng ta đoàn tụ. Con sẽ dắt mẹ đi khắp Sài Gòn chiêm ngưỡng vẻ đẹp phồn hoa của nó, con sẽ chỉ cho mẹ xem những nơi nào con gái mẹ đã đi qua trong những ngày chống dịch, con sẽ kể mẹ nghe nhiều câu chuyện hay mùa dịch này”.
Từ đất Cà Mau, với nhiệt huyết của tuổi trẻ không ngại gian khó, nhiều học sinh THPT ở huyện Trần Văn Thời đã viết đơn xin tình nguyện tham gia vào đội hình phòng, chống dịch Covid-19. Rồi đây các em sẽ được ra tuyến đầu cùng với các lực lượng để hỗ trợ làm nhiệm vụ ở khu cách ly, khu vực phong toả, cũng như người dân gặp trở ngại, khó khăn. Ai cũng nêu cao trách nhiệm trong trận quyết thắng này, kể cả những đứa trẻ mới lên 10 tuổi đã biết nặng lòng với quê hương, có em về nhà xin cha mẹ được đập heo đất, có bé viết thư hứa sẽ tiết kiệm tiền quà bánh hàng ngày để góp vào quỹ phòng, chống dịch của địa phương.
Những việc làm đầy ý nghĩa nhân văn, những ứng xử có trách nhiệm cao trong trận chiến phòng chống Covid-19 chắc hẳn còn nhiều và nhiều hơn nữa khi còn lắm gian nan phía trước. Tất cả sẽ thắp lên niềm tin yêu, động lực lớn để mỗi người, mỗi nhà là một pháo đài vững chắc, mỗi trái tim chung nhịp đập quyết tâm, đồng hành đẩy lùi dịch bệnh./.
Mộng Thường