(CMO) Đây là một trong những gợi mở đáng chú ý của Hội nghị trực tuyến về kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thuỷ sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên do Bộ Công thương chủ trì diễn ra chiều 6/8.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên thông tin: “Lượng hàng nông sản, thuỷ sản và sản phẩm chăn nuôi cần hỗ trợ tiêu thụ của các tỉnh khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên hiện nay là khá lớn, với khoảng 5 triệu tấn lúa, 3,7 triệu tấn rau, hơn 4 triệu tấn trái cây, 120.000 tấn hải sản, 400 triệu quả trứng và hàng chục ngàn tấn gia súc, gia cầm...”.
Trong bối cảnh hiện tại, hoạt động tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, thuỷ sản và sản phẩm chăn nuôi đứng trước nhiều thách thức to lớn vì dịch bệnh Covid-19. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, sản xuất do dịch bệnh gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất. Việc tiêu thụ sản phẩm tươi và sản phẩm chế biến đều gặp vướng mắc. Lưu thông, vận chuyển hàng hoá dù đã áp dụng nhiều giải pháp song cũng vô cùng khó khăn, ảnh hưởng lớn nhất là hàng nông sản, thuỷ sản, sản phẩm chăn nuôi tươi sống. Việc thu mua, giao thương trực tiếp trong bối cảnh thực hiện Chỉ thị 16 cũng vô cùng khó khăn, chi phí tăng cao. Một số thị trường tiêu thụ truyền thống, đối tác lâu năm dừng nhập hàng do dịch bệnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho rằng, đại dịch cũng là cơ hội để người nông dân thay đổi tư duy, thói quen để chủ động trong sản xuất, tiêu thụ
Bộ Công thương đề ra một số nhóm giải pháp để tháo gỡ vướng mắc cho nông sản, thuỷ sản và sản phẩm chăn nuôi của khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ. Đó là việc tập trung phát triển thị trường nội địa, coi đây là thị trường trọng tâm, quan trọng nhất. Khuyến khích phát triển lĩnh vực chế biến hàng nông sản, thuỷ sản và sản phẩm chăn nuôi nhằm gia tăng giá trị. Đẩy mạnh các kênh phân phối truyền thống và chú trọng phát triển các kênh phân phối hiện đại, sàn thương mại điện tử. Đa dạng hoá các hình thức xúc tiến xuất khẩu, mở rộng các thị trường truyền thống và các thị trường mới tiềm năng. Từng địa phương phải chủ động hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong tất cả các khâu từ sản xuất, tiêu thụ đến phân phối nông sản, thuỷ sản và các sản phẩm chăn nuôi.
Hội nghị lắng nghe ý kiến của các địa phương, các tập đoàn doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia trực tiếp vào chuỗi tiêu thụ, cung ứng và xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thuỷ sản và sản phẩm chăn nuôi của khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên. Hầu hết các địa phương cần nhất là giải pháp để chuỗi cung ứng, tiêu thụ, xuất khẩu không bị gián đoạn, đứt gãy, nhất là ở khâu lưu thông, vận chuyển hàng hoá để vừa đảm bảo phát triển sản xuất, vừa an toàn trước dịch bệnh.
Sản phẩm gạo Hoàng Yến, đạt 3 sao OCOP của Hợp tác xã dịch vụ, sản xuất lúa tôm Trí Lực, Thới Bình
Riêng các tập đoàn, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thuỷ sản và sản phẩm chăn nuôi thì mong muốn người nông dân Nam Bộ và Tây Nguyên cần coi đây là cơ hội để thay đổi tư duy, thói quen trong sản xuất. Đặc biệt là người nông dân nên đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng các hình thức sản xuất sạch, đáp ứng được nhu cầu của cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Tham gia và sử dụng hiệu quả các loại hình, phương thức, đặc biệt là chuyển đổi số hoá trong sản xuất, quảng bá, kết nối và tiêu thụ sản phẩm.
Tại đầu cầu Cà Mau, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhấn mạnh, vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Cà Mau là khu vực trọng điểm sản xuất nông sản, thuỷ sản. Riêng ngành hàng tôm của Cà Mau, hàng năm có sản lượng 150.000 tấn tôm đã chế biến, kim ngạch xuất khẩu bình quân trên 1 tỷ USD. Ông Sử cho biết, Cà Mau kiên quyết không để xảy ra việc gián đoạn, đứt gãy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ hàng hoá nông sản, thuỷ sản, sản phẩm chăn nuôi do dịch bệnh, vì sẽ rất khó để khôi phục lại. Nếu không có giải pháp hiệu quả, có khả năng các ngành hàng vừa ùn ứ, dư thừa hàng hoá do không tiêu thụ. Người nông dân rơi vào thế khó, không có nguồn lực tái sản xuất, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn hàng hoá khi dịch bệnh qua đi.
Ngành hàng nuôi tôm Cà Mau đang có nhiều giải pháp để ứng phó với ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19
Tỉnh Cà Mau, hiện có 4 doanh nghiệp đăng ký cần kết nối xuất khẩu hàng thuỷ sản như: Công ty Cổ phần Thủy sản Cà Mau, Công ty Cổ phần chế biến thủy sản Tắc Vân, Công ty TNHH Phú Cường - Kiên Cường, Công ty TNHH Thủy sản Blue bay với sản lượng hơn 1.300 tấn tôm chế biến, 6,5 tấn tôm nguyên liệu thô, 1.200 tấn chả cá...Có hơn 40 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần kết nối tiêu thụ trong nước các mặt hàng nông sản (gạo 1.400 tấn, dưa bồn bồn 1 tấn/ngày), hàng thuỷ sản như tôm tươi 10 tấn/ngày, cua 1 tấn/ngày, cá biển 600 tấn, mực tươi 55 tấn, khô cá biển các loại 10 tấn/ngày, bánh phồng tôm 2 tấn/ngày, nước mắm 350.000 lít...
Tỉnh Cà Mau đề xuất cần có bộ phận thường trực của Trung ương để kịp thời giúp các địa phương giải quyết tháo gỡ các vướng mắc trong kết nối, lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng. Với các hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa thì cần sự hỗ trợ về nguồn lực để duy trì sản xuất, từng bước chuyển đổi số các hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hoá./.
Quốc Rin