ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 27-9-24 11:09:17
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Chuyện ở lớp học đặc biệt

Báo Cà Mau (CMO) Lớp học thật lạ. Cô giáo dạy miễn phí, sách, tập vở cũng hoàn toàn miễn phí, phòng học thì tận dụng trụ sở khóm, còn học trò là những đứa trẻ nghèo đã từng bỏ dở việc học, và đặc biệt có cả những người mái tóc đã hoa râm. Người ta gọi đó là lớp học tình thương…

Trời vừa nhá nhem tối, bà Liên dọn gánh trứng vịt sau cả ngày ngồi bán ở đầu con hẻm, lăn xăn về nhà rồi chạy qua cho kịp với mấy đứa nhỏ vào lớp học. Chuyện là lần đầu tiên và cũng là ngày đầu tiên bà được đi học nên bà vui mà "run" lắm!

Bà Liên tên đầy đủ là Lưu Kim Liên, năm nay 55 tuổi, hiện đang sống với người mẹ già. Công việc của bà là bán hột vịt ở đầu con hẻm, gần với lớp học tình thương. Bà Liên là người học trò đặc biệt nhất của cô giáo Mây (cô Đinh Thị Tuyết Mây) tại lớp học tình thương này.

Dù đã lớn tuổi nhưng tất cả học viên của lớp học tình thương đều tích cực học tập.

So với tuổi 55, bà trông già hơn rất nhiều do gánh nặng mưu sinh suốt mấy mươi năm. Ngày đầu tiên bà đi học và được làm quen với con chữ, cô giáo đứng kế bên kèm bà từng nét viết. Ngón tay cong cớn, chai sạn, sần sùi, run run bà nắn nót từng nét chữ trên quyển vở trắng tinh. Bà viết chữ O méo mó, xoá đi viết lại mấy lần cho đến lúc cô giáo Mây gật đầu khen. Như đứa trẻ mới chập chững đi học được cô giáo tán thưởng, bà cười tít cả đôi mắt vốn đã nhăn nheo của mình.

Bà Liên kể lại: “Nghe người ở khóm vận động đi học, rồi thấy mấy đứa nhỏ đi học ngang chỗ ngồi bán hột vịt, tôi thích lắm. Hồi xưa giờ làm gì biết được cái cảm giác đi học là sao đâu, ai ngờ ở cái tuổi này rồi lại được đi học”, bà Liên nói giống như một chuyện hy hữu trên đời.

Mấy đứa nhỏ trong lớp thấy bà Liên già mà còn đi học nên noi theo. Bà đi học là ra đi học, vào lớp học thật nghiêm túc, bà ngồi cuối dãy vì trong lớp bà thấy mình là người lớn tuổi nhất. Bà luôn được sự quan tâm đặc biệt của cô giáo vì so với mấy đứa nhỏ 12, 13 tuổi nhanh nhẹn trong lớp, bà Liên chậm nhất, cả về cái dáng đi cho tới cách tiếp cận những gì cô giáo truyền đạt. Người lạ vô lớp, nhìn những mái tóc đang ngả màu sương muối cặm cụi bên trang giấy trắng mới thấy lớp học vô cùng ý nghĩa.

Lớp học gần 30 người, mỗi người có một câu chuyện, hoàn cảnh khác nhau. Bà Liên thì buôn gánh bán bưng, người thì đi làm biển, mấy đứa nhỏ thì có đứa sống với ông bà, có đứa cũng phải bươn chải đủ thứ nghề. Và trong vòng luẩn quẩn của mưu sinh nên chuyện đến trường giống như một giấc mơ xa xỉ. Lớp học tình thương mở ra, phía trước tương lai mù mịt của họ nhen nhóm lên một tia sáng. Đó là ánh sáng của tri thức và của cả tình yêu thương, sự san sẻ, đùm bọc nhau trong xã hội.

Hỏi mọi người được đi học có thích không? Như Ý, đứa nhỏ có nước da ngăm đen, nép bên đứa chị, cười nhe răng, khoe: “Chị em con học từ ngày mới mở lớp luôn, con thích nhất vô đây học có cô giáo Mây, cô dạy tụi con vui lắm. Nếu sau này không có điều kiện đi học nữa thì con sẽ học nghề may, còn có tiền đi học tiếp thì con thích làm cô giáo”.

Cô Đinh Thị Tuyết Mây hiện là giáo viên trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Phường 1, TP Cà Mau). Từ ngày lớp học tình thương khai giảng, cô không nệ công lên lớp từ 6 giờ chiều cho đến 8 giờ tối, mỗi tuần 3 buổi dạy học: thứ Hai, Tư và Sáu.

Cô Mây tháo cái mắt kính cận đặt xuống bàn rồi nheo nheo đôi mắt sau gần 2 tiếng đồng hồ đứng lớp, chia sẻ: “Tôi cảm thấy ấm lòng vì việc làm của mình góp chút công sức cho cuộc sống này thêm tốt đẹp hơn”. Tuy công việc gõ đầu trẻ đã gắn bó với cô Mây hơn 22 năm nhưng đây là lần đầu tiên trong sự nghiệp trồng người của mình, cô được đứng trước một lớp học đặc biệt như vậy. Cô nói: “Nó thật ý nghĩa vì mỗi lần nghe học trò đọc được chữ, viết được cái tên, mình vui như vỡ oà trong lòng, không sao diễn tả được cảm xúc”.

Trong lớp có 2 người phụ nữ lớn hơn cô Mây gần chục tuổi mà tinh thần, ý thức đến với lớp học rất nghiêm túc, vì thế cô Mây vừa mừng vừa thấy trách nhiệm của mình càng lớn hơn. Khi được hỏi nếu năm sau phường có mở thêm lớp học miễn phí như vậy nữa cô có dạy không, cô cười tươi: “Sau lớp học này, mấy đứa nhỏ và bà con chắc cũng biết được cái chữ rồi nên năm sau chắc không có học trò để dạy nữa đâu. Mà nếu có, tôi sẵn sàng đứng lớp dạy tiếp”.

Đâu chỉ đặc biệt như vậy, lớp học còn câu chuyện vui là cả gia đình có 3 người cùng đi học, người nhỏ nhất là bé trai 3 tuổi, rồi tới một thanh niên 23 tuổi và người phụ nữ hơn 30 tuổi. Anh Lê Văn Giang, Khóm 3, Phường 1, bồng luôn cô con gái út mới hơn 10 tháng tuổi lại ủng hộ vợ với cậu em vợ ngồi học. Đứng ở ngoài lớp, anh cười hề hà, hạnh phúc: “Vợ tui với thằng con trai 3 tuổi ngồi ở trong đó đó, còn người cao cao kia là em vợ, tính ra nhà tôi có 3 người đi học luôn".

Cô Mây đọc chữ O rồi gọi một học trò đứng lên đọc lại, đứa nhỏ đọc cao giọng y chang cô giáo, rồi cô gọi tiếp học trò lớn tuổi, ai cũng đọc được. Cô Mây vui mừng ra mặt, cô dặn học trò: “Về nhà nhớ tập viết lại chữ hôm nay mình học, thứ Hai chúng ta lại gặp nhau”. Vậy là cả lớp ra về, con hẻm nhỏ lại râm ran tiếng nói cười sau 2 giờ học.

Không phải ai cũng có điều kiện đến trường để học tập, theo đuổi đam mê của mình. Với những người như bà Liên, anh Giang thì tuổi trẻ đã đi qua, xoá được mù chữ là niềm an ủi lớn nhất. Còn với những đứa trẻ như chị em Như Ý thì con chữ, tương lai phía trước vẫn là cả một trời mơ ước./.

Nằm ở Phường 1, TP Cà Mau, ban đầu lớp học chỉ có 19 người, vậy mà chỉ sau 3 ngày khai giảng, lớp đã có gần 30 người đăng ký học. Đây là lớp học tình thương đầu tiên được UBND Phường 1 vận động mở.

Ông Lê Thái Minh Tâm, Chủ tịch UBND Phường 1, cho biết: “Phường 1 vốn đã hoàn thành phổ cập giáo dục từ trước. Tuy nhiên, tại địa phương có những trẻ em theo gia đình từ nơi khác đến và bỏ dở việc học nhiều năm, một số cô lớn tuổi thì vẫn chưa biết chữ. Với mong muốn xoá mù chữ và tạo điều kiện để các em ôn lại kiến thức, đủ điều kiện vào các lớp học chính quy sau này nên phường đã mở lớp học miễn phí và vận động các đối tượng này đi học. Đến thời điểm hiện tại, lớp học bước đầu đã tạo được hiệu ứng tích cực từ phía người học”.

Kim Chi

Tuyên dương học sinh trả lại của rơi

Ngày 24/9, UBND huyện U Minh tổ chức buổi trao giấy khen cho học sinh có hành động đẹp nhặt được của rơi trả lại cho người đánh mất, tại Trường THCS Nguyễn Thái Bình, thị trấn U Minh.

An toàn sức khoẻ cho trẻ đến trường

Bệnh tay chân miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có vắc-xin phòng ngừa và đối tượng mắc bệnh chủ yếu trẻ em trong độ tuổi đến trường. Ðể bảo vệ an toàn sức khoẻ cho trẻ đến trường trong năm học mới, các trường mầm non trên địa bàn huyện Cái Nước chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh TCM.

50 học sinh, sinh viên tại Cà Mau nhận học bổng The Corea Peace3000

Sáng 22/9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp với đại diện Tổ chức The Corea Peace3000 tại Cà Mau tổ chức triển khai “Chương trình học bổng - The Corea Peace3000”.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Cô bé Trạng nguyên tiếng Anh

Tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2024, do Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Ðồng tổ chức, tại Ðại học Hàng hải Việt Nam, TP Hải Phòng, tỉnh Cà Mau có duy nhất một em đạt danh hiệu "Trạng nguyên tiếng Anh". Ðó là em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau).

Trao giải Đại sứ văn hoá đọc năm 2024 cho 34 học sinh

Cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc năm 2024 phát động từ ngày 1/5-10/6/2024, dành cho học sinh của các trường Tiểu học, THCS, THPT và các loại hình giáo dục khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Ổn định trường lớp năm học mới

Năm học 2024-2025, huyện Năm Căn có 30 trường học do huyện quản lý, trong đó, mầm non - mẫu giáo 9 trường, tiểu học 11 trường và THCS 9 trường, với tổng số trên 10.500 học sinh, được biên chế thành 337 lớp.

Ðường đò đến trường

Huyện Ngọc Hiển, mảnh đất cực Nam Tổ quốc, là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cà Mau. Năm học mới 2024-2025, toàn huyện có trên 11 ngàn học sinh theo học ở 27 trường, với 10 điểm lẻ trên địa bàn.

Quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025

Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND ngày 11/7/2024 của HĐND tỉnh Cà Mau quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025 bằng mức thu học phí năm học 2021-2022 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Đảm bảo nguyên tắc tổng số tháng thu học phí không vượt quá 9 tháng/năm học.

Sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức, huyện Đầm Dơi

Ngày 11/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau công bố Quyết định của UBND tỉnh Cà Mau về việc sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức (huyện Đầm Dơi) thành Trường THCS và THPT Tân Đức.