Là người con sinh ra và lớn lên ở vùng đất Dớn Hàng Gòn (thuộc Ấp 2, xã Khánh Lâm, huyện U Minh), cô giáo Trịnh Hà Giang, Phó hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong, xã Khánh Lâm, luôn dành tình yêu đặc biệt cho quê hương.
Năm học 2020-2021, cô tham gia cuộc thi "Những kỷ niệm sâu sắc về thây cô, mái trường mến yêu"; năm học 2022-2023, cô tham gia cuộc thi "Tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam", do Bộ Giáo dục và Ðào tạo tổ chức đều đoạt giải Khuyến khích và 2 lần được tuyên dương tại Thủ đô Hà Nội.
Cô giáo Trịnh Hà Giang chia sẻ: "Nhà tôi ở gần Bia căn thù Dớn Hàng Gòn. Ngày 11/9 (âm lịch) hằng năm là ngày giỗ của tất cả người dân bị B52 ném xuống đây. Xuất phát từ sự kiện gắn với địa phương mình và nghe người thân kể lại, tôi tìm hiểu thêm rồi viết bài dự thi về sự kiện ở Dớn Hàng Gòn và đoạt giải".
Cô Trịnh Hà Giang trong một tiết dạy.
Ngoài công tác lãnh đạo, phụ trách chuyên môn, cô Hà Giang còn được phân công phụ trách giảng dạy môn Giáo dục địa phương. Ðây là môn học mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, hiện vẫn chưa có giáo trình. Trong quá trình giảng dạy, cô luôn tìm tòi, soạn những bài giảng để chuyển tải những thông tin bổ ích, gần gũi nhất đến với các em học sinh.
Em Hồ Quỳnh Anh, lớp 9D, Trường THCS Lê Hồng Phong, cho biết: "Cô Hà Giang rất yêu thương học trò. Trong mỗi bài giảng, cô rất tận tình truyền đạt kiến thức cho chúng em. Cô luôn tìm hiểu, liên hệ thực tế để bài giảng được gần gũi, dễ nhớ".
Ông Nguyễn Vũ Linh, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong, nhận xét: "Cô Hà Giang luôn đi đầu trong việc đổi mới phương pháp dạy học. Cô tích cực tìm hiểu, nghiên cứu chương trình giáo dục phổ thông 2018 để có chỉ đạo chuyên môn phù hợp đến các tổ, góp phần đổi mới công tác chuyên môn trong nhà trường. Từ đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ về phương pháp dạy của giáo viên và cách học của học sinh".
Cô Trịnh Hà Giang bộc bạch: "Ðể các em hiểu và thêm yêu lịch sử gắn liền với địa phương của mình, tôi cũng có dự tính cho các em đi trải nghiệm những di tích lịch sử. Ví dụ, gần đây thì có Bia căm thù ở Dớn Hàng Gòn và bia tưởng niệm ở xã Khánh Lâm, Khu Di tích Nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt... Mình giảng dạy lịch sử địa phương thì phải cho các em đi thực tế để quan sát".
Qua hơn 20 năm công tác, với tình yêu đặc biệt dành cho quê hương, và các em học sinh ở vùng đất U Minh, cô giáo Trịnh Hà Giang đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của huyện nhà. Cô đã truyền nguồn cảm hứng mạnh mẽ để các em học sinh thêm yêu truyền thống lịch sử của dân tộc, của quê hương./.
Trần Chương