ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 18-1-25 08:43:22
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cô giáo “tài tử”

Báo Cà Mau Tiết Ngữ văn của Lớp 12X1, Trường THPT Võ Thị Hồng (huyện Trần Văn Thời) do cô giáo Huỳnh Sơn Ca (sinh năm 1989) đứng lớp, bất ngờ đón đoàn khách từ Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Cà Mau. Ðiểm dừng chân đặc biệt trong chuyến thực tế sáng tác tại huyện Trần Văn Thời đã gieo vào lòng nhiều văn nghệ sĩ xúc cảm đẹp, khi trên bục giảng, cô giáo trẻ say sưa ca bài “Vầng trăng tri kỷ” theo điệu Liên Nam của tác giả Minh Ðăng để khởi động, dẫn dắt học sinh vào bài giảng “Những thế giới của thơ”.

Tôi từng nghe Nhà biên kịch Trịnh Thanh Vũ, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Cà Mau, trân trọng nhắc về cô giáo trẻ, khi những năm gần đây, giọng ca này, bục giảng này đã làm mềm thêm kiến thức văn chương và làm nên dấu ấn đẹp trong làng giáo dục tỉnh...

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Vũ, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Cà Mau, trao quà kỷ niệm đến cô giáo Huỳnh Sơn Ca trong chuyến thực tế sáng tác tại Trường THPT Võ Thị Hồng. (Ảnh: Hoàng Phúc)

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Vũ, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Cà Mau, trao quà kỷ niệm đến cô giáo Huỳnh Sơn Ca trong chuyến thực tế sáng tác tại Trường THPT Võ Thị Hồng. (Ảnh: Hoàng Phúc)

Miền nhớ êm đềm

“Hò, xự, cống, xang, xê...”, miền nhớ êm đềm như khúc đờn tranh thỉnh thoảng dạo lại của ba để nhớ tháng năm chàng nhạc công Huỳnh Trường Hận say sưa nâng phím trên sân khấu của Ðoàn Văn công giải phóng. Vậy rồi, gánh nặng cơm áo đã làm cho đam mê phải tạm xếp lại, chàng nhạc công trở về mặc áo nông dân, vui cùng đồng lúa, liếp dừa. Năm thuở mười thì dạo lại bản đờn, mấy đứa con ngồi xung quanh lại có dịp hoà vào mạch kỷ niệm. Tuổi thơ của con gái út Huỳnh Sơn Ca cũng lẽo đẽo theo ba rồi dần dà được dạy ca những bài bản vắn. Âm điệu ngũ cung, ánh đèn màu đầy hấp lực đã dung dưỡng quãng trời thanh xuân của ba năm nào cũng khéo làm giấc mơ của tuổi lên bảy, lên tám thêm dịu ngọt.

Như cơ duyên đẹp, có lần tỉnh huy động lực lượng tài tử chuẩn bị tham gia Liên hoan Ðờn ca tài tử ba tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau. Có người nhắc: “Ông Trường Hận có đứa con gái còn nhỏ mà ca tốt lắm!”. Khỏi phải nói, cô bé Sơn Ca nhận được nhiều lời ủng hộ, động viên góp mặt vào đội thi ngay sau đó. Nhớ những chuyến tàu cùng ba từ Khánh Hưng ra TP Cà Mau tập luyện đã gói biết bao bài học về cuộc đời, nghệ thuật. Hai ba con cùng ở, cùng tập với mọi người có khi ròng rã cả tháng trước khi thi. Vốn liếng nghệ thuật từ Nam, Bắc, Oán, Hạ đến cách nhả chữ, luyến láy của Sơn Ca cũng theo đó mà được trang bị thêm. Lần đứng sân khấu đầu tiên, cô bé tuổi mười hai đã dạn dĩ ca bài “Sáng mãi niềm tin” theo điệu Liên Nam (tác giả Huỳnh Khánh) và may mắn đoạt giải B cá nhân. Năm sau nữa, với 20 câu Nam Xuân (tác giả Trần Ngọc Thạch) lại tiếp tục mang về 1 giải B. Thời gian chớp mắt trôi xa, nhưng nụ cười của ba trong khoảnh khắc nhìn đứa con gái nhỏ lên sân khấu nhận giải cứ mãi đậm đà.

Trang giáo án gói “hò, xự, cống, xang, xê”

Từ khi lên cấp ba, bước chân của Sơn Ca vắng hẳn trên sân khấu, nhường chỗ cho ước mơ lớn hơn là trở thành cô giáo dạy Văn. Vậy mà cung đờn, tiếng ca cũng khéo níu chân người tài khi năm 2009, tại Liên hoan “Tiếng hát sinh viên Ðại học Cần Thơ”, thể hiện bài vọng cổ “Viếng đài liệt sĩ Hòn Khoai” (tác giả Huỳnh Hồng), lần nữa tên Sơn Ca được xướng lên, với Huy chương Vàng đầy tự hào.

Về Trường THPT Võ Thị Hồng công tác từ năm 2012, tâm thế cô giáo trẻ với nghề lúc nào cũng tràn đầy nhiệt huyết và khao khát sáng tạo. Quá trình giảng dạy, bên cạnh phương pháp giáo dục truyền thống, cô cố gắng lồng ghép phương pháp mới: kể chuyện, cho học sinh vẽ tranh, đóng kịch...Thỉnh thoảng bắt gặp tác phẩm văn học được chuyển thể thành cải lương hay vọng cổ, bài bản tài tử, nhất định cô sẽ khéo léo liên hệ và ca lên để cả lớp cùng cảm thụ.

Qua những tiết giảng đặc biệt, cô giáo Huỳnh Sơn Ca góp phần phát triển văn hoá địa phương, khơi gợi đam mê, nhen nhóm tình yêu, lòng tự hào của giới trẻ với loại hình đờn ca tài tử. Ảnh: SAM LEE

Qua những tiết giảng đặc biệt, cô giáo Huỳnh Sơn Ca góp phần phát triển văn hoá địa phương, khơi gợi đam mê, nhen nhóm tình yêu, lòng tự hào của giới trẻ với loại hình đờn ca tài tử. Ảnh: SAM LEE

Năm 2020, trong tiết dạy về "Truyện Kiều", ở đoạn mở rộng, khi giảng về số phận truân chuyên và bi kịch của nàng Kiều, cô giáo bèn ca trọn bài Cổ Bản “Hoạn Thư bắt Thuý Kiều”. Cả lớp chăm chú lắng nghe, rồi vì quá mê mẩn, có học sinh lén dùng điện thoại quay lại. Ðoạn clip ngắn ấy đăng lên mạng xã hội và nhận hàng loạt bình luận tích cực, chia sẻ từ cộng đồng mạng. Hầu như ai cũng khuyến khích, khen ngợi cách đổi mới trong giảng dạy. Sáng hôm sau, rất nhiều nhà báo liên hệ xin phỏng vấn về tiết học độc đáo, cô vừa bất ngờ vừa hạnh phúc. Năm đó, cô vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tặng bằng khen "Có tinh thần sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy và học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục".

Nếu như trước đây, việc đan xen những đoạn nhạc dân ca, bài bản tài tử, cải lương chỉ đơn thuần được xem như kỹ thuật, để khơi gợi không khí lớp học thì từ bước ngoặt đẹp này đã được cô tự tin nâng lên thành phương pháp. Trang giáo án nhờ gói thêm âm điệu ngũ cung mà mềm mại, uyển chuyển hơn...

Bục giảng là sân khấu, cô giáo trở thành... nghệ sĩ

Ðến nay, khi đã nhiều năm coi nghệ thuật là bạn đồng hành trên bục giảng, cô Sơn Ca vẫn hoài trăn trở, lựa chọn thời điểm, đối tượng học sinh thích hợp để mỗi khi tiếng hát, lời ca cất lên phải mang lại hiệu quả cao nhất. Hiệu quả cho những tiết dạy Ngữ văn là một lẽ, đáng trân trọng hơn, cô còn mong trong khoảnh khắc ấy có thể góp phần phát triển văn hoá địa phương; khơi gợi niềm đam mê, nhen nhóm tình yêu, lòng tự hào của giới trẻ về loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử.

Nghệ thuật vốn dĩ không có sự ràng buộc, khuôn mẫu, mà luôn linh hoạt, mềm mại. Bục giảng khi có tiếng nhạc, lời ca cất lên bỗng trở thành sân khấu và cô giáo cũng trở thành nghệ sĩ trong mắt học trò. Có lần cô hỏi: “Cô ca dài vậy các em có ngán không, có buồn ngủ không?”. Câu đáp lời hồn nhiên nhưng chân thành: “Dạ không, nghe cô hát em cứ sợ hết không hà!”.

Từ nhịp cầu nghệ thuật đó, học sinh thêm say mê môn Văn, dễ nhớ bài học ở lớp. Bên cạnh đó còn thôi thúc các em tự khám phá, mở rộng kiến thức, quan tâm đến tác phẩm văn chương ngoài chương trình giảng dạy. Nhiều học sinh sau khi nghe cô ca một đoạn cải lương trong truyện Kiều, lại mày mò đọc hết 3.254 câu Kiều.

Em Lê Kim Xuyến, Lớp 12X1, tâm sự: “Tiết dạy nào, lớp cũng mong được cô ca tài tử cho nghe, vì quá hay. Mặc dù đặc thù môn Ngữ văn thiên về lý thuyết nhưng qua cách dạy ấn tượng ấy đã tạo nên sự hấp dẫn, dễ hiểu. Từ nhiệt huyết của cô, sự ngưỡng mộ với cô giáo mà niềm đam mê bộ môn này được thổi bừng...”.

Tìm hiểu về việc chuẩn bị trước giờ lên lớp của “cô giáo nghệ sĩ”, câu chuyện theo đó được dẫn dắt phong phú thêm. Hằng ngày, sau khi vẹn tròn thiên chức với gia đình nhỏ, căn phòng làm việc sẽ được giữ im lặng hoàn toàn. Ở đó, trang giáo án mở ra, Sơn Ca mặc nhiên thả mình vào thế giới riêng. Nhắm mắt lại và lần lượt nghiền ngẫm bài giảng qua các giai đoạn: khởi động, hình thành kiến thức, luyện tập, vận dụng... Mỗi phần đều dừng lại, hình dung tình huống giả định rồi giải quyết tình huống thế nào; học trò sẽ trả lời ra sao, nếu đáp án sai thì cô sẽ nói câu gì để không khí lớp không bị buông lơi.

Theo cô, trên bục giảng, giáo viên không chỉ dùng lời nói, ngôn từ đẹp mà phải vận dụng nhiều yếu tố phi ngôn ngữ. Ðôi khi chỉ một cách liếc mắt, nụ cười nhẹ cũng làm học sinh thay đổi ý nghĩ, hành vi. Bởi vậy, lâu rồi, nghề giáo trong cô được định nghĩa là nghề buộc phải sáng tạo và sáng tạo không ngừng. Ở đó không có khoảng cách hay sự bảo thủ, mà phải cho học sinh, nhất là thế hệ gen Z thấy rằng hai thế hệ đang hoà nhịp.

Mùa này chợt mưa, chợt nắng nhưng lời chào tạm biệt cứ ấm dịu. Trong câu hẹn gặp lại, có lời thủ thỉ vói theo của cô giáo Sơn Ca, mong ngày gần nhất được nhận những sáng tác mới, để bục giảng mai này tiếng ca cất lên thêm thấm đượm tình đất, tình người.

Thầy Lý Tiến Phong, Phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Hồng, tâm đắc: "Việc tìm tòi, lồng ghép nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương vào bài giảng của cô Huỳnh Sơn Ca như làn gió mới, mang lại sự hứng khởi, được học sinh hưởng ứng sôi nổi. Từ những tiết dạy đặc biệt này, góp phần kích thích để các em thêm yêu thích môn Văn, rồi tập trung, ghi nhớ và vận dụng sáng tạo để đạt kết quả cao trong học tập".

 

Minh Hoàng Phúc

 

Cội nguồn xứ “Khánh” xưa...

Tìm hiểu về điều thú vị này, tôi gặp ông Ðỗ Văn Nghiệp (Sáu Sơn) - người đã dành hơn 20 năm qua để viết sách về lịch sử các vùng đất trên địa bàn tỉnh, hiện ông là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kể chuyện lịch sử thuộc Bảo tàng tỉnh, cũng như đang tham gia biên soạn Lịch sử Ðảng bộ huyện U Minh. Tôi được ông cung cấp nhiều tư liệu, thông tin vô cùng quý giá về vùng đất U Minh, Trần Văn Thời xưa.

Tranh bút sắt - Những gam màu mới lạ

Tranh bút sắt là thể loại nghệ thuật đặc biệt trong hội hoạ, đặc trưng bởi việc sử dụng bút sắt (trong khi đó thường là bút chì, bút mực hoặc các dụng cụ bút màu để tạo ra những đường nét sắc sảo và chi tiết). Những tác phẩm tranh bút sắt thường tập trung vào các yếu tố như trắng, đen và đệm màu, tạo ra chiều sâu và tính chân thực đặc biệt.

Thầy giáo Mỹ thuật mê... ảnh

NSNA Lê Hữu Dụng sinh năm 1971, quê tỉnh Thái Bình, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Bình, Phó chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Chi hội Nhiếp ảnh Thái Bình, Hội phó Chi hội NSNA Việt Nam tỉnh Thái Bình.

"Chào năm mới 2025"

Tối 31/12, trong không khí phấn khởi chào đón năm mới 2025, mang theo những hy vọng, niềm vui về những khởi đầu mới, Trung tâm Văn hóa tỉnh kết hợp Vincom Plaza Cà Mau tổ chức Chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc "Chào năm mới 2025". Đây cũng là hoạt động hướng tới chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025), mốc son lịch sử quan trọng của dân tộc.

NSNA Nguyễn Khắc Hào - Hái “quả ngọt” cùng nhiếp ảnh

Là nhà thơ, tuy đến với nhiếp ảnh khá muộn, tham gia sáng tác từ năm 2019 đến nay, nhưng Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Nguyễn Khắc Hào đã tạo được dấu ấn đẹp cùng nhiếp ảnh.

Soạn giả Nguyễn Ngọc Cung mong có một ngày…

Thuở thiếu thời, Nguyễn Ngọc Cung đam mê bộ môn đờn ca tài tử, cải lương và mong muốn bộ môn này ngày càng được phát triển rộng rãi phục vụ đông đảo người dân. Điều mong muốn đó đã trở thành hiện thực khi ông đến với văn hoá, văn nghệ cách mạng. Nhưng còn một mong muốn rằng, ngày nào đó bộ phim nhựa “Biển động” được trình chiếu cho Nhân dân Cà Mau xem, thì đã trải qua hơn 60 năm vẫn chưa thực hiện được.

Thú chơi kỳ công

Trong giới chơi sinh vật cảnh hệ ngập nước, thuỷ sinh nước mặn được xem là cấp độ cao mà người chơi nào cũng muốn chinh phục. Ðể có được một góc đại dương thu nhỏ trong không gian sống, ngoài chi phí đầu tư đắt đỏ ban đầu còn cần sự đam mê, tỉ mẩn, nghiêm túc tìm hiểu.

Cà Mau có Câu lạc bộ Đá cảnh nghệ thuật

Sáng 22/12, Câu lạc bộ (CLB) Đá cảnh nghệ thuật tỉnh Cà Mau (trực thuộc Hội Sinh vật cảnh tỉnh Cà Mau) tiến hành đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025-2029. Đây là CLB Đá cảnh đầu tiên ở tỉnh Cà Mau. Ông Tạ Hoàng Nguyên, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Cà Mau, dự và chỉ đạo đại hội.

Nhà vườn sáng tác của Hoạ sĩ Dư Minh Chiến

Với niềm đam mê nghệ thuật mạnh mẽ, Hoạ sĩ Dư Minh Chiến đã thực hiện được ước mơ bấy lâu, đó là tạo nên một nhà vườn sáng tác mini tại vùng quê thanh bình ấp Kinh Hội, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời. Ðây không chỉ là nơi anh thoả sức sáng tác, mà còn là chốn để những người yêu mỹ thuật tìm về, cùng sáng tác, thư giãn, hoà mình vào không gian bình yên và giao lưu, gặp gỡ, học hỏi lẫn nhau.

Thêm sân chơi cho người yêu ảnh ở Thủ đô

Nhằm tạo thêm sân chơi, tập hợp những người yêu ảnh để cùng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức, kỹ năng chụp ảnh, Câu lạc bộ (CLB) Nhiếp ảnh Lavender vừa được thành lập. Ðây là CLB nhiếp ảnh thứ 23 của Hội Nhiếp ảnh Hà Nội.