(CMO) Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, hàng quán kinh doanh cũng bị ảnh hưởng. Dù vậy, để chia sẻ phần nào khó khăn với người lao động, nhiều quán ăn chuyển sang phục vụ “cơm 0 đồng”.
“Cơm nghĩa”
Ðó là cơm trưa "0 đồng” do gia đình ông Tiêu Văn Nghĩa (đường Hùng Vương, Khóm 3, Phường 7, TP Cà Mau) nấu để phục vụ bữa trưa miễn phí, nhằm chia sẻ với người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch.
Ðến đây, bà con chỉ cần dừng lại rửa tay sát khuẩn rồi nhận 1-2 phần cơm miễn phí cho mình và người thân. Quán cơm này phục vụ từ 10 giờ sáng mỗi ngày.
Những lúc cao điểm, quán đông khách, ông Nghĩa trang bị sẵn đến 2 chai nước rửa tay sát khuẩn. Vợ chồng ông Nghĩa cũng quan sát để nhắc bà con đứng giãn cách 2 m, đeo khẩu trang để phòng dịch bệnh.
“Gia đình có khả năng bao nhiêu thì làm bấy nhiêu. Dù gì mình cũng có đồ nghề của quán nên tiện nấu nhiều suất cơm để chia sẻ với bà con nghèo. Dự kiến mở 1 tháng, nhưng nếu dịch bệnh còn kéo dài thì làm tiếp tục, đến khi hết dịch, cuộc sống của bà con trở lại bình thường thì thôi. Mình làm còn vì muốn lan toả hoạt động này đến nhiều người, để cùng giúp đỡ bà con”, ông Nghĩa tâm sự.
Mặc dù phục vụ những phần "cơm 0 đồng", nhưng vợ chồng ông Nghĩa luôn chuẩn bị nguyên liệu kỹ lưỡng, chu đáo, tuy nấu món chay nhưng luôn thay đổi thực đơn, giúp người ăn ngon miệng, từ các món kho, canh, chiên, xào… Sau đó cho vào hộp để người nhận mang về nhà ăn. Ða phần người nhận là những lao động nghèo, mưu sinh vất vả, người có hoàn cảnh khó khăn, chạy xe ôm, bán vé số, bán hàng rong, ve chai, thợ hồ, người neo đơn…
Những phần cơm chay 0 đồng được gia đình ông Nghĩa chuẩn bị chu đáo, để kịp cho bà con đến nhận từ 10 giờ. Ảnh: THẢO MƠ |
Bà Trương Thị Hoa, ngoài 50 tuổi, ở trọ tại Phường 7, làm nghề bán vé số, bộc bạch: “Cũng may có những phần cơm chay miễn phí này nên người nghèo như chúng tôi mỗi ngày tiết kiệm được một số tiền trong thời buổi khó khăn”.
Tận dụng Facebook, ông Nghĩa chia sẻ để nhiều người được biết, có thể giới thiệu cho những người khó khăn mà họ biết đến nhận mang cơm về.
“Ngày đầu tiên, ít người biết nên tôi chỉ nấu 200 phần. Ngày tiếp theo, tôi tăng lên 400 phần, chia ra làm 2 điểm để bà con dễ đến nhận, đỡ đi xa. Mỗi ngày nấu từ 40-50 kg gạo. Nhờ có 2 chị ở gần nhà, buổi chiều tối đến phụ chuẩn bị, sơ chế nguyên liệu. 4 giờ sáng hôm sau là nấu, để kịp 10 giờ là có cơm trưa cho bà con mang về. Cũng có những người bán vé số, mua ve chai, đẩy xe bán hàng rong ngang đây, ngại ngùng, mình phải lên tiếng “rủ” họ vào nhận cơm, giúp họ cảm nhận được sự san sẻ, động viên từ cộng đồng, xã hội để vượt qua khó khăn trong cuộc sống”, ông Nghĩa nói thêm.
Bà Danh Thị Vinh (Khóm 1, Phường 7, TP Cà Mau) có một sạp nhỏ buôn bán cá khô trong chợ Phường 7. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhất là từ khi Cà Mau xuất hiện ca bệnh dương tính, công việc buôn bán của bà gặp khó khăn, do nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm, thu nhập của bà từ đó cũng ít hơn. Bà Danh vui mừng: “Nghe có người giới thiệu ở đây có phát cơm miễn phí nên tui đến đây nhận một phần. Dù là cơm chay nhưng rất ngon và no bụng, ấm lòng”...
Ngoài 60 tuổi, mái tóc, chòm râu đã hoa râm, ông Nghĩa và vợ đã kinh doanh quán cơm này hơn 20 năm. Ðó cũng là ngần ấy thời gian vợ chồng ông gắn bó với công việc thiện nguyện, giúp đỡ người nghèo. Trước đây, vào những ngày rằm, 30, mùng 1 âm lịch hàng tháng, vợ chồng ông nấu khoảng 1.000 phần cơm chay miễn phí, chia sẻ cho những người khó khăn. Hễ nhà nào có người qua đời, hoàn cảnh nghèo khổ, liên hệ tới ông, đều được ông hỗ trợ hòm mai táng.
Ông Nghĩa bộc bạch: “Ðối với vợ chồng tôi, công việc này không chỉ là cái duyên, mà còn là niềm hạnh phúc khi được san sẻ với những người khó khăn. Trước đây mình cũng từng cật lực lao động mới đủ ăn, đủ mặc. Làm việc thiện nguyện thì cũng vất vả, nhưng cứ cho đi rồi mình sẽ nhận lại những giá trị tốt đẹp rất nhiều”.
Bếp ăn nghĩa tình
6 giờ sáng, bếp của quán Vui Vẻ 75 (đường Trần Quang Khải, Phường 5, TP Cà Mau) đỏ lửa, để kịp cho ra những suất cơm miễn phí trao tặng người dân có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là hộ lao động phổ thông và những người bán vé số trên địa bàn.
Bếp ăn do Ðoàn Thanh niên Phường 5 phối hợp với cơ sở kinh doanh quán ăn thực hiện. Tất cả công đoạn sơ chế, chế biến đều được thực hiện tại quán Vui Vẻ 75. Ðể có thể hoàn thành các công đoạn, kịp 10 giờ trao đến tay người nhận, chủ quán còn huy động người nhà và nhân viên hỗ trợ.
Những suất cơm giúp người lao động khó khăn ấm lòng, vững bụng. Ảnh: NGÔ NHI |
Anh Nguyễn Trọng Nguyễn, chủ quán Vui Vẻ 75, cho biết: “Trong lúc quán dừng hoạt động, tôi cũng muốn làm một việc gì đó có ích để đồng hành cùng bà con nghèo. Ban đầu, tôi dự định tổ chức nấu phát 200 suất cơm trong 2 ngày cho bà con, tuy nhiên, sau khi đăng tải lên mạng xã hội thì nhiều bạn bè, mạnh thường quân liên tục hỗ trợ; tất cả được 500 kg gạo, gia vị và 5 triệu đồng tiền mặt, nên tôi sẽ nấu khi nào hết phần được hỗ trợ mới dừng. Ngay trong buổi sáng thực hiện, do lượng người đến nhận cơm nhiều, khẩu phần cơm chuẩn bị không đủ, nên ai không có cơm sẽ được nhận 1 kg gạo”.
Tham gia nấu những suất cơm nghĩa tình, còn có anh Trần Hoàng Lâm, chủ quán ẩm thực Hoàng Hổ (đường Trần Hưng Ðạo, Phường 5). Vốn dĩ thực hiện công việc ngay đúng ngành nghề mình đang kinh doanh nên anh Lâm khá thoải mái, đặc biệt là luôn có nguồn nguyên liệu tươi ngon, giá rẻ để bếp ăn thêm chất lượng.
Anh Lâm bộc bạch: “Trong 3 ngày: thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật, quán tôi sẽ phát 200 suất tại quán, vào lúc 11 giờ. Ðể bà con biết, tôi và nhân viên quán thông tin trên mạng xã hội hoặc gặp các cô, chú, anh, chị lao động, nhắn nhủ ngày giờ đó sẽ phát cơm, mọi người lại nhận. Phần ăn liên tục được đổi món nhưng đảm bảo sẽ có món canh, kho, rau và trái cây tráng miệng để bổ sung vitamin. Mặc dù là suất ăn “0 đồng” nhưng tôi mong muốn gửi gắm tình cảm đến người nhận, để họ cảm thấy được sự yêu thương, tiếp thêm động lực vượt qua khó khăn trước mắt”.
Bà Lâm Mỹ Luỹ (Phường 5) bộc bạch: “Nhà có 3 bà cháu, cha mẹ mấy đứa nhỏ đi làm trên Bình Dương thỉnh thoảng gửi tiền về, mà dịch này chúng nó cũng khó khăn nên ở nhà bà cháu tôi tằn tiện chi tiêu. Nhận được cơm vui dữ lắm, đỡ một bữa cơm là tiết kiệm được một khoản tiền”.
Chị Nguyễn Thị Thuý Vân, thu mua phế liệu dạo, chia sẻ: “Nhà 5 khẩu lại ở trọ, trong mùa dịch mưu sinh khó khăn hơn ngày thường. Mấy nay, được người này, người kia chỉ các chỗ cho cơm miễn phí nên mình cũng đến, qua được ngày nào hay ngày đó”.
Ban đầu khi tổ chức “bếp ăn nghĩa tình”, anh Nguyễn hay anh Lâm đều khá e dè, vì đang trong thời gian bùng dịch phức tạp, tuy nhiên, trước sự thiếu thốn, trăn trở của người lao động nghèo thì mọi lo lắng, lăn tăn đều tan biến. Thay vào đó là cố gắng làm sao cho được những suất cơm chất lượng, để người ăn no bụng ấm lòng.
Người đến nhận cơm xếp hàng trật tự và trang bị khẩu trang, tuân thủ việc phòng dịch. Ảnh: NGÔ NHI |
Bí thư Ðoàn Thanh niên Phường 5 Võ Trung Hiếu cho biết: “Tại địa điểm cấp phát cơm miễn phí, lực lượng Ðoàn Thanh niên đến hỗ trợ chia phần và phát cho mọi người. Ðặc biệt, trong thời điểm này, hướng dẫn người dân thực hiện giãn cách, xếp hàng, giữ trật tự để không ảnh hưởng đến các hộ lân cận. Ngoài cấp phát tại chỗ, lực lượng đoàn viên còn tiến hành rà soát, mang cơm trao tận nhà các hộ thực hiện cách ly y tế. Bên cạnh đó, đi chợ hộ cho những hộ này. Cũng trong đợt này, sau khi rà soát những người dân có hoàn cảnh khó khăn, nhất là người bán vé số dạo, tại Trụ sở UBND Phường 5 cũng tiến hành trao tặng hơn 3 tấn gạo, 110 thùng mì (vào chiều ngày 16/7)”./.
Thảo Mơ - Ngô Nhi