ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 5-5-25 17:14:03
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Con chữ ở đất rừng

Báo Cà Mau (CMO) Ngày nay, việc học ở xứ rừng U Minh Hạ không còn là nỗi ám ảnh nữa. Những tuyến lộ nối liền xóm, ấp, trường học đã có mặt ở vùng quê nghèo xa xôi, hẻo lánh này. Những người thầy, người cô không ngại khó khăn bám lớp, dìu dắt bao lớp trẻ vùng sâu từng bước trưởng thành.

Dù điều kiện còn thiếu thốn nhưng xóm, ấp vùng sâu hẻo lánh đều có điểm trường. (Ảnh chụp tại điểm lẻ Trường Tiểu học Đỗ Thừa Luông, xã Khánh Thuận).

Vượt qua khó khăn...

Vậy là đã 17 năm, kể từ ngày cô Trần Thị Quỳnh Mai (quê Hà Tĩnh, hiện là giáo viên Trường THCS U Minh Hạ) nhận nhiệm vụ về huyện U Minh công tác. Hành trang trong tay của cô giáo trẻ không có gì ngoài sự cần cù và yêu nghề, và chính nó đã giúp cô vượt qua biết bao gian lao thử thách. 

Trường THCS U Minh Hạ, nơi cô Mai công tác, được tách ra năm 2013 từ điểm lẻ của Trường THCS Lê Hồng Phong nên cơ sở vật chất vẫn còn rất khó khăn. Trường có 4 phòng học cũ mượn lại từ Trường Tiểu  học Nguyễn Bỉnh Khiêm. Do không đủ phòng nên trường phải mượn nhà công vụ giáo viên để làm văn phòng. Năm học này, trường có 232 học sinh nhưng có đến 113 em thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo.

Mới được tách nên điều kiện dạy và học của Trường THCS U Minh Hạ còn hết sức khó khăn.

Thầy Trịnh Quốc Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS U Minh Hạ, bộc bạch: “Năm nay học sinh nghèo của trường lại tăng lên. Phòng học thiếu, thư viện, trang thiết bị phục vụ giảng dạy cũng thiếu. Để phụ đạo và ôn luyện cho đội tuyển học sinh giỏi, thầy và trò chắc sẽ tiếp tục tận dụng ghế đá trong sân trường”. Song, điều đáng tự hào là từ khi tách trường đến nay, Trường THCS U Minh Hạ luôn có học sinh giỏi các vòng huyện, tỉnh. Thầy cô hết mình với nghề, nhiều lớp học trò học xong cấp cơ sở lại tiếp tục theo học tại Trường THPT Khánh Lâm, viết tiếp những ước mơ về tương lai.

Riêng với cô Mai, 17 năm với biết bao trăn trở trong nghề nhưng cô luôn tự hào về những học trò của mình. “Vùng đất khó khăn này đã rèn luyện cho mình thêm ý chí. Khi mới được phân công công tác về huyện U Minh, tôi vừa sợ vừa lo. Rồi chính sự hồn nhiên, chân thành và nhất là sự chia sẻ với những thiếu thốn của bọn trẻ nơi đây là nguồn động lực níu chân tôi lại vùng đất này”, cô Mai kể lại. 

Chia sẻ chuyện nghề, cô Mai không quên những đứa học trò chịu thương chịu khó. Năm nay đã là học sinh lớp 11 của Trường THPT Khánh Lâm, nhưng em Bùi Khánh Duy, cựu học sinh Trường THCS U Minh Hạ vẫn không quên được những ngày tháng khó khăn cùng bạn bè và thầy cô dưới mái trường này. Ở ngôi trường biết bao thiếu thốn ấy, Duy là niềm tự hào của vùng quê nghèo khi đạt giải Ba học sinh giỏi vòng tỉnh môn Lịch sử.

“Dù điều kiện học tập không bằng những bạn bè trang lứa khác nhưng em vẫn có gắng hết mình để không phụ lòng thầy cô. Hy vọng, ngôi trường em đã gắn bó ngày nào sớm được đầu tư hoàn thiện để thầy cô và đàn em có điều kiện giảng dạy và học tập tốt hơn”, em Duy chia sẻ.

Chính những thiếu thốn đã tô đậm thêm sự cần cù, chịu khó và nghĩa tình giữa thầy và trò. Cũng từ đó mà họ có thêm niềm tin, động lực để vượt qua khó khăn, thử thách.

Để có mùa "trái ngọt"  

Ven con đường nhỏ về các ấp của xã Khánh Lâm, Khánh Thuận, trên những chiếc xe đạp, học trò áo trắng khăn quàng đỏ nối nhau đến trường. Nghĩ về quá khứ phải lội bộ băng rừng, vượt cỏ, nhảy mương… để tìm con chữ, người ta lại mừng thầm cho hôm nay và tương lai mai sau của thế hệ trẻ.

Xã Khánh Thuận nghèo khó ngày nào đã phấn đấu có một trường mẫu giáo đạt chuẩn quốc gia.

Trường Mẫu giáo Hoa Ngọc Lan, xã Khánh Thuận đã đạt chuẩn quốc gia, (Trong ảnh: Bữa ăn trưa của trẻ tại trường)

“Hồi đó ở xứ này kiếm nhà có con đi học biết chữ đã là chuyện mừng, nói chi đến việc cho con đi học đại học. Còn bây giờ tụi nhỏ được đi học ở tận Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, có đứa thích nhộn nhịp thì ở trển làm, có đứa học xong về quê hương cống hiến. Tôi nói không đâu xa, ở gần đây có gia đình ông Ba Khởi là nông dân thứ thiệt, nghèo lắm, sống bằng nghề sửa xe, vậy mà nuôi 2 đứa con tốt nghiệp đại học hẳn hoi, đứa lớn giờ đang học cao học nữa”, thầy Lê Hoàng Em, giáo viên Trường Tiểu học Đỗ Thừa Luông (xã Khánh Thuận) vui vẻ cho biết.

Cái khó không bó con chữ. Chuyện nuôi con ăn học bất chấp nghèo khổ của vợ chồng ông Ba Khởi (Nguyễn Quốc Khởi, Ấp 13, xã Khánh Thuận) vừa là niềm tự hào, vừa là minh chứng cho sự phát triển về giáo dục ở xứ rừng hôm nay. Nhớ lại những vất vả đã qua, vợ chồng ông Khởi không khỏi xúc động: “Mình cho con đi học đàng hoàng nhưng cũng có người không hiểu còn cười chê nhà nghèo mà cho con học cao. Mặc ai nói cười, vợ chồng tôi thấy đầu tư cho thế hệ mai sau bằng con chữ là con đường tốt nhất để thoát được cái nghèo, cái khổ”.

Không phụ lại sự mong đợi của gia đình, hai con của ông Khởi lần lượt đậu vào đại học. Cô con gái út còn đậu thủ khoa đầu ngành của Trường Đại học Cần Thơ. Nói về con, vợ chồng ông Khởi tự hào: “Hồi trước tụi nó đi học gần như một lượt, túng quá nên phải đi vay mượn. Nhờ đứa nào cũng chịu khó học giỏi, bây giờ tụi nó còn học lên cao học. Thiệt có gì vui bằng nhìn con cái của mình được học hành tử tế, ổn định như vậy”.   

Dù vẫn còn đó những khó khăn, thiếu thốn, song sự học ở vùng đất rừng U Minh Hạ ngày nay đã được quan tâm, chăm lo. Ở vùng quê nghèo xa xôi, những người nông dân chân lấm tay bùn bán mặt cho đất, bán lưng cho trời đã biết đầu tư cho tương lai của thế hệ trẻ bằng con chữ. Bao lớp học trò trưởng thành, mang tri thức đi xây dựng cuộc sống, làm giàu đẹp cho quê hương xứ sở. Những thế hệ đang cắp sách đến trường trong câu chuyện của cô giáo Quỳnh Mai cũng không ngại khó khăn chăm ngoan học giỏi. Rồi đây không xa, tin rằng những thế hệ ấy sẽ viết nên một tương lai tươi sáng ở xứ rừng./.

Kim Chi 

Cô Ðặng Thị Mộng Nhi – “Ðoá sen” giữa vùng đất khó

Vùng đất Ngọc Hiển xa xôi, nơi hành trình tìm con chữ còn nhiều gian nan, cô Ðặng Thị Mộng Nhi như đoá hoa sen toả ngát hương thơm, mang tri thức đến bao thế hệ học trò. Không chỉ là giáo viên dạy tốt, cô Nhi còn là người mẹ thứ hai, bạn đồng hành, truyền lửa đam mê, chắp cánh ước mơ cho những mảnh đời còn nhiều thiếu thốn.

Liên đội trưởng Cháu ngoan Bác Hồ

Em Nguyễn Phương Nhã, học sinh Lớp 5A, Liên đội trưởng Trường Tiểu học Thái Văn Lung, thị trấn U Minh, huyện U Minh, là một trong những tấm gương tiêu biểu về thành tích xuất sắc trong học tập và hoạt động Ðội.

Trường THPT Tắc Vân đoạt giải Nhất Liên hoan tuyên truyền, giới thiệu sách "Bản hùng ca đất nước"

Chiều nay (26/4), Lễ bế mạc và trao giải Liên hoan tuyên truyền, giới thiệu sách kỷ niệm 50 năm đại thắng mùa xuân năm 1975 (30/4/1975-30/4/2025) diễn ra tại Thư viện tỉnh Cà Mau. Liên hoan do Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức.

Khởi công nâng cấp Trường THCS - THPT Tân Bằng

Chiều 25/4, UBND huyện Thới Bình long trọng tổ chức Lễ khởi công đầu tư xây dựng Trường THCS - THPT Tân Bằng đạt chuẩn Quốc gia. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của ngành giáo dục địa phương.

Giáo dục Cà Mau trưởng thành từ gian khó

Những năm đầu sau giải phóng, ngành giáo dục Cà Mau đối mặt với muôn vàn thiếu thốn: cơ sở vật chất tạm bợ, phòng học tranh tre, giáo cụ gần như không có, sách vở khan hiếm; đội ngũ giáo viên vừa thiếu về số lượng, vừa hạn chế về chuyên môn. Với tinh thần “Tất cả vì sự nghiệp trồng người”, cán bộ quản lý và giáo viên toàn tỉnh đã không ngừng nỗ lực, bám trụ với nghề bằng sự kiên trì, tâm huyết và niềm tin vào tương lai con em quê hương.

Wonder English Center Chính Thức Khai Trương tại Cà Mau, Cam Kết Phát Triển Toàn Diện Theo Mô Hình "3 Gốc"

Cà Mau – Ngày 18/04/2025, lúc 9 giờ 30 phút, Trung tâm Anh ngữ Wonder (Wonder English Center) đã long trọng tổ chức Lễ Khai trương tại địa chỉ C3A, Khu Trung tâm Hành chính Chính trị (Nội khu Mường Thanh), Phường 9, TP. Cà Mau. Sự kiện đánh dấu bước chân chính thức của Wonder vào lĩnh vực giáo dục tại địa phương, mang theo tâm huyết kiến tạo một môi trường học tập không chỉ chuyên sâu về ngoại ngữ mà còn hướng đến sự phát triển con người toàn diện.

Nuôi dưỡng tình yêu tri thức qua trang sách

Nhằm khơi dậy niềm say mê đọc sách và tạo điều kiện để học sinh tiểu học được tiếp cận tri thức từ sớm, ngành giáo dục huyện Cái Nước đã và đang tích cực đẩy mạnh công tác xã hội hoá thư viện học đường. Những tủ sách thân thiện, với số lượng đầu sách phong phú, sinh động, không chỉ mang lại niềm vui trong học tập mà còn mở ra thế giới tưởng tượng kỳ diệu, nuôi dưỡng tình yêu tri thức trong tâm hồn trẻ nhỏ.

1.230 thí sinh tham gia thi học sinh giỏi THPT cấp tỉnh

Sáng 20/4, tại Trường THPT Hồ Thị Kỷ (TP Cà Mau), Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau khai mạc Kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT cấp tỉnh năm học 2024-2025.

Nhiều hoạt động sôi nổi tại Lễ phát động Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam lần IV

Sáng nay (19/4), Lễ phát động Ngày Sách và văn hoá đọc Việt Nam lần thứ IV - 2025 diễn ra tại Thư viện tỉnh Cà Mau.

Ươm mầm mơ ước con trẻ

Chủ đề “Nghề nghiệp” là 1 trong 9 chủ đề thú vị được đưa vào chương trình giáo dục mầm non theo quy định của Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Thông qua các hoạt động trải nghiệm, trẻ được khám phá thế giới nghề nghiệp, hiểu hơn về đặc thù công việc, những vất vả cũng như giá trị mà mỗi nghề mang lại cho xã hội.