(CMO) Từ thị trấn Đầm Dơi đi thêm hơn 23 km mới về đến xã Tân Thuận. 2 ngôi trường gần kề nhau mang tên Trường Tiểu học Thuận Hoà và Trường THCS Tân Thuận (ấp Thuận Hoà B, xã Tân Thuận) là nơi tìm chữ của các em nhỏ xã bãi ngang này.
Con đường đến lớp của các em thêm nhọc nhằn vì phải cậy đò, cậy xuồng qua mấy khúc sông ngoằn ngoèo xa mấy cây số. Các em phải thức từ 4 giờ sáng để chuẩn bị đến trường, ngày học 2 buổi thì chi phí gần 1 triệu đồng/em/tháng. Nhìn con mỗi ngày đối mặt với hiểm nguy trên sông nước mênh mông, bậc cha mẹ không yên lòng nên đành gác lại công ăn việc làm, “tay xách nách mang” cặp, giỏ đến trường, cùng con đi tìm chữ.
Khi thuỷ triều xuống, bãi bồi nhô cao, nhiều học sinh phải nghỉ học vì xuồng máy không cập bờ được. |
Trường Tiểu học Thuận Hoà và Trường THCS Tân Thuận có hơn 600 học sinh, thì một nửa số học sinh đi học bằng phương tiện đường thuỷ. Tiền đò mỗi lượt 5.000 đồng/em, những ngày học 2 buổi thì chi phí ăn uống, đi lại tăng lên gấp đôi.
Thế nhưng, cả 2 trường đều không có căn tin để các em có thể ở lại sau buổi học. Mọi chi phí đi đò đều tự chi trả, thậm chí phụ huynh tự đưa con bằng xuồng máy đến trường rồi ở lại đợi con tan trường. Đây quả là thử thách đối với những gia đình đặc biệt khó khăn.
Mỗi hộp cơm, hủ tiếu bán “đồng giá” 10.000 đồng, phụ huynh tranh thủ mua cho con ăn vào giờ ra chơi. |
Cô Trần Thuỳ Trang, giáo viên Trường Mầm non Tân Thuận, bộc bạch: "Nhà trường đang làm tờ trình để các em được học tập, sinh hoạt, ăn uống bán trú ngay tại trường”. |
Phụ huynh đón con tại Trường Tiểu học Thuận Hoà. |
Chuyện học nhọc nhằn là vậy, mong rằng chính sách giáo dục sẽ dành sự quan tâm đặc biệt hơn cho học sinh vùng sông nước, nhất là đối với các xã bãi ngang, để phụ huynh yên tâm cho con em đến trường tìm kiếm tri thức, thắp sáng tương lai./.
Thảo Mơ