Chiều 7/6, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị công bố danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ và bàn giao sản phẩm các dự án.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường công bố Quyết định số 935 ngày 9/5/2024 của UBND tỉnh về phê duyệt danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh và Quyết định số 44 ngày 10/1/2024 của UBND tỉnh về việc phê duyệt danh mục giếng không sử dụng phải trám lấp trên địa bàn tỉnh.
Đại diện đơn vị tư vấn trả lời các vướng mắc của đại biểu tại hội nghị.
Cụ thể, có 58 danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh. UBND các huyện, thành phố phải phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc lập kế hoạch, xây dựng phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước theo danh mục. Trong quá trình quản lý, có phát sinh các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ hoặc điều chỉnh các danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ sẽ báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp tham muu UBND tỉnh xem xét, phê duyệt theo quy định.
58 danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ, tập trung ở những đoạn sông kênh, rạch chảy qua các khu vực đang bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở cao; khu vực nguồn nước chảy qua địa bàn TP Cà Mau và thị trấn của các huyện; các nguồn nước là kênh trục thuỷ lợi thuộc quy hoạch phục vụ cấp nước theo dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thuỷ lợi tỉnh Cà Mau; kế hoạch cắm mốc hành lang bảo vệ các công trình thuỷ lợi… Việc lập hành lang bảo vệ nguồn nước nhằm bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước; phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước; bảo vệ sự phát triển hệ sinh thái thuỷ sinh, các loài động, thực vật tự nhiên ven nguồn nước; bảo vệ, bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị văn hoá, đa dạng sinh học và phát triển du lịch liên quan đến nguồn nước.
Hội nghị cũng bàn giao sản phẩm các dự án đã triển khai.
Về danh mục giếng không sử dụng phải trám lấp trên địa bàn tỉnh, toàn tỉnh có 199 giếng khoan là công trình cấp nước nông thôn, giếng khoan của doanh nghiệp và hộ gia đình phải trám lấp. Theo đó, các chủ giếng có trách nhiệm tổ chức thi công, trám lấp giếng khoan theo trình tự thủ tục quy định, UBND các xã có nhiệm vụ giám sát, theo dõi việc thi công, trám lấp các giếng không sử dụng và báo cáo kết quả về Sở Tài nguyên và Môi trường./.
Đặng Duẩn