Những năm gần đây, công nghệ robot đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực tài chính ngân hàng. Việc ứng dụng robot vào ngân hàng là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số, mang lại nhiều lợi ích cho cả ngân hàng và khách hàng, góp phần kiến tạo trải nghiệm giao dịch số hiện đại.
Bước phát triển vượt bậc
Ứng dụng robot trong ngân hàng giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao trải nghiệm cho khách hàng hơn. Các giao dịch ngân hàng thường mang tính lặp đi lặp lại, đòi hỏi nhân viên ngân hàng phải thực hiện nhiều thao tác thủ công, thì khi ứng dụng công nghệ robot sẽ tự động hoá các giao dịch này, giúp khách hàng giao dịch nhanh chóng, thuận tiện hơn.
Ngoài ra, robot còn có thể tương tác với khách hàng một cách thân thiện và chuyên nghiệp, mang lại cho khách hàng cảm giác hài lòng và tin tưởng.
Tham quan Festival Tôm vừa qua, trải nghiệm robot tiên tiến của Nam A Bank (Ngân hàng TMCP Nam Á), Chi nhánh Cà Mau, chị Nguyễn Thị Hà cho biết: “Tôi rất hài lòng khi được trải nghiệm dịch vụ giao dịch ngân hàng với robot OPBA. Robot rất thân thiện, dễ thương, dễ sử dụng và giúp tôi giải đáp các thắc mắc, thực hiện các giao dịch nhanh chóng, thuận tiện. Tôi nghĩ rằng đây là xu hướng giao dịch ngân hàng hiện đại và tiện lợi”.
Khách hàng hào hứng khi lần đầu được trải nghiệm các tính năng của công nghệ robot tại Nam A Bank Cà Mau.
Tại địa bàn Cà Mau, một số ngân hàng đã ứng dụng robot trong ngân hàng Offline và Online, mang lại hiệu quả tích cực. Ðiển hình như Nam A Bank là ngân hàng tiên phong trong việc ứng dụng robot trong ngân hàng Việt Nam, ngân hàng đã triển khai robot tại các chi nhánh, dự kiến robot OPBA sẽ sớm về đến Nam A Bank Chi nhánh Cà Mau. Robot của Nam A Bank được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI), có khả năng nhận diện khuôn mặt, giọng nói và giao tiếp với khách hàng một cách tự nhiên, thân thiện. Ðồng thời, có thể thực hiện các giao dịch ngân hàng cơ bản như: nhận số thứ tự, mở tài khoản ngân hàng, nộp tiền/rút tiền, thanh toán hoá đơn, in sao kê tài khoản, tư vấn sản phẩm dịch vụ...
Ngoài ra, robot OPBA còn có thể hỗ trợ khách hàng giải đáp thắc mắc về các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng.
Một số ngân hàng khác tại Cà Mau cũng đang ứng dụng robot trực tuyến vào hoạt động của mình, như: MB, VPBank, Techcombank, Vietcombank, BIDV, Sacombank...
Ứng dụng OPBA có nhiều trải nghiệm nhận quà thú vị.
Anh Lê Quán Thượng, Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) Chi nhánh Cà Mau, cho biết: “Tổng đài robot VPBank NEO trực tuyến hỗ trợ tư vấn và giải đáp thắc mắc cho khách hàng khi dùng trên ứng dụng, tăng tính minh bạch, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Ðồng thời, việc ứng dụng công nghệ giúp ngân hàng nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường”.
Tầm nhìn trong chuyển đổi số
Trong tương lai, ngân hàng sẽ trở nên hiện đại, tiện lợi và an toàn hơn nhờ ứng dụng robot.
Chị Huỳnh Thanh Tuyền, Phó giám đốc Nam A Bank Cà Mau, cho biết: “Với mục tiêu tối ưu và dành sự trải nghiệm vượt trội cho khách hàng, chi nhánh định vị và liên tục hoàn thiện để nâng cấp hệ sinh thái công nghệ của mình. Thời gian tới, Nam A Bank sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm giao dịch ngân hàng hiện đại, tiện lợi và an toàn”.
Chị Trần Thuỵ Ngọc Ánh, Kế toán Ngân quỹ hành chính tại Nam A Bank Cà Mau, tâm đắc: “Các quy trình nghiệp vụ của ngân hàng từ giao dịch tài chính, kế toán, kiểm toán, đến chăm sóc khách hàng... sẽ được tự động hoá hoàn toàn. Bên cạnh đó, khách hàng sẽ được trải nghiệm các dịch vụ ngân hàng 24/7 một cách nhanh chóng và an toàn. Cùng với đó, khách hàng có thể sử dụng các kênh giao dịch tự động của ngân hàng để thực hiện các giao dịch tài chính, tra cứu thông tin, giải đáp thắc mắc..., giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao trải nghiệm dịch vụ. Ðồng thời, ngân hàng sẽ trở nên an toàn hơn bởi robot có thể giúp giảm thiểu rủi ro trong các hoạt động nghiệp vụ, chẳng hạn như rủi ro gian lận, rủi ro nhân sự, rủi ro pháp lý, giúp ngân hàng bảo vệ tài sản của khách hàng và xây dựng uy tín trong thị trường”.
Bên cạnh những lợi ích, việc ứng dụng robot vào ngân hàng cũng gặp phải một số thách thức về chi phí đầu tư ban đầu, bởi để ứng dụng robot vào ngân hàng, các ngân hàng cần đầu tư khoản chi phí ban đầu khá lớn, bao gồm chi phí mua sắm thiết bị, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí triển khai và vận hành hệ thống. Cùng với đó, việc ứng dụng robot vào ngân hàng sẽ dẫn đến sự thay đổi trong văn hoá doanh nghiệp và nhân viên ngân hàng cần thay đổi thói quen làm việc, tư duy để thích nghi với môi trường làm việc mới.
Chuyển đổi số khi dùng robot vào ngân hàng là xu hướng tất yếu, nhưng để thực hiện được tầm nhìn này, các ngân hàng cần có sự đầu tư mạnh mẽ về công nghệ, nhân lực và chiến lược. Các ngân hàng cần lựa chọn giải pháp robot phù hợp với nhu cầu và chiến lược phát triển của mình. Trong tương lai, ứng dụng robot trong ngân hàng sẽ ngày càng trở nên phổ biến, góp phần mang lại những trải nghiệm giao dịch ngân hàng tốt nhất cho khách hàng./.
Việt Mỹ