ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 08:07:54
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cụ ông lượm ve chai nuôi vợ liệt giường và chắp cánh ước mơ học hành của chắt

Báo Cà Mau (CMO) Hằng ngày, hình ảnh ông Nguyễn Văn Út (ấp Khánh Hưng A, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) với dáng gầy gò vác trên vai bao ve chai từ cánh rừng phòng hộ đi ra khiến người dân miền biển kinh Bờ Đê không khỏi chạnh lòng. Những cái bọc, mảnh nhựa, cọng dây mà ông băng rừng, vượt sình lầy mang về là “kinh phí” để nuôi người vợ bệnh liệt giường và nuôi dưỡng ước mơ học hành của đứa chắt.

Căn nhà của ông Út trong diện phải giải tỏa.

Vợ ông Út nằm liệt giường từ hơn 10 năm nay. Căn nhà lá độ chừng 30 m2, được giữ cố định bằng 9 cây đước cặm trực tiếp xuống đất là nơi ông Út đang ở. Căn nhà này do bà con địa phương người cho cây, người cho lá và góp công dựng lên khoảng 1 năm nay. Nó thấp lè tè dưới chân đê rừng phòng hộ nhưng đã “khang trang” hơn nhiều so với trước. Nó đã che được mưa nắng nhưng vẫn run rẩy khi những cơn gió tràn vào.

Công việc hằng ngày của ông Út là đi lượm ve chai cặp mé biển. Cái nghề của ông phụ thuộc vào thời tiết. Cứ gió to, biển động mạnh là sẽ có nhiều “chiến lợi phẩm” trôi dạt vào. 

Ở đây cũng có nhiều người khác đi lượm ve chai kiểu này để phụ cho kinh tế gia đình. Nhưng ông là người già nhất, bước chân của ông chậm nhất nhưng ông siêng nhất. 3 giờ sáng ông cũng đi, 5 giờ ông cũng đi. Chiều ông cũng đi, tối cũng đi... Ông đi ngay khi cơn giận dữ của thiên nhiên dừng lại.

Ông Út với bữa cơm đạm bạc.

Ông Út năm nay đã 78 tuổi. Ống chân ông giờ không to được bằng cánh tay của những thanh niên miền biển nơi đây nhưng hằng ngày ông vẫn gắng gượng lội nhiều km đi lượm ve chai. Hình ảnh người đàn ông vác trên vai cái bao, vạch rừng, vượt qua những bãi sình lầy khiến nhiều người đau lòng. “Mệt thì nghỉ, qua sình thì mình bò tới, bò tới rồi kéo cái bao theo”, ông nói kinh nghiệm vượt bãi lầy.

Mỗi ngày như vậy, ông có thể kiếm được 20, 30, có khi 40 ngàn đồng. Ông chịu cực như vậy đã nhiều năm nay là để nuôi người vợ bệnh liệt giường.

Lần đầu bà Út bị tai biến đã lâu lắm rồi. Không có đất cát nhưng có chút tiền để dành, ông lo hết cho vợ. Niềm an ủi của ông là người cùng mình “đồng cam cộng khổ” dần khỏe và đi lại được. Sau đó, bà Út tái bệnh và đã nằm liệt giường khoảng 10 năm nay. 

“Mấy ông cháu nếu đi lượm biển (lượm ve chai ngoài mé biển) thì để cho bà nồi cơm ở đầu giường, cuối giường để cái bô... Đói thì ăn, mắc thì đi... đi xong thì để đó chừng nào ông về ông đổ. Tội lắm!”, bà Phan Thị May, láng giềng của ông Út, ngậm ngùi.

Cháu Nam đang học lớp 5, hằng ngày sau giờ học cũng cùng đi lượm biển với ông.

Cũng từ ngày bà Út bệnh nặng, tuổi già, sức yếu ông chẳng được ai thuê gì nữa nên ông rời vùng đất Hồng Dân (Bạc Liêu) về vùng biển này “hành nghề”. Sau đó, người cháu gái và hai đứa con nhỏ cũng về ở với ông. Vậy là mấy ông cháu dắt díu nhau đi lượm biển. Hiện nay, ngoài việc phải lo cho vợ liệt giường, ông Út lại nặng lòng lo cho thằng chắt “rất sáng chữ” đi học.

“Con làm mót tiền để đi học. Sau này con sẽ làm công an”, đó là ước mơ của Nam - đứa chắt đang học lớp 5 của ông Út. Nam còn nhỏ nhưng đã hiểu được hoàn cảnh của gia đình nên sau giờ học ở trường, cậu học trò nghèo không đi chơi như những đứa bạn cùng trang lứa mà theo cố, theo mẹ đi lượm biển. Nam không thấy lượm biển là công việc cực nhọc vì em làm là để giúp cố mình đỡ khổ và để sau này ăn học thành tài nuôi cố, nuôi mẹ và nuôi đứa em mới 3 tuổi...

Hai đứa cháu cố ngoan ngoãn đã tiếp thêm động lực để ông Út cố gắng. Nhưng ở cái tuổi gần bát tuần, ông đã sắp không gắng được nữa rồi. Ai có thể tránh được quy luật tự nhiên, một ngày gần thôi, người dân nơi đây sẽ không còn thấy hình ảnh ông già lọm khọm chen chân trong tán rừng phòng hộ nữa. Ông Út cũng ý thức được điều đó nên ông rất sợ: “Tôi sợ không ai lo cho bả. Tôi sợ thằng Nam phải nghỉ học…”.

Ông Nguyễn Thành Được, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Hải cho biết, gia đình ông Nguyễn Văn Út chuyển về địa phương ở đã một thời gian. Gia đình không có đất sản xuất nên ông Út sống tạm bợ trên chân đê phòng hộ, thuộc diện phải giải tỏa. Hoàn cảnh của gia đình ông rất khó khăn nên UBND xã đã xin cho ông 1 nền đất tái định cư. Hằng tháng, xã có hỗ trợ thêm gạo và vận động bà con xung quanh giúp đỡ thêm.

“Hiện xã đang vận động các nhà hảo tâm để sau khi được Sở NN&PTNT duyệt phương án cho đất sẽ tìm phương cách xây nhà cho gia đình này”, ông Được nói.

Trần Hiếu

Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ: Tổ Từ thiện - Xã hội Báo Cà Mau.
ĐT: 0290.3831066, gặp chị Nguyễn Thị Thu Hà.
Tài khoản Quỹ từ thiện Báo Cà Mau:
- Tên đơn vị: Báo Cà Mau
- Số tài khoản: 10201-000205255-9
- Mở tại: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Cà Mau.

 

Chuyến xe yêu thương

Với mong muốn san sẻ khó khăn, tương trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc đang phải chịu thiệt hại, mất mát nặng nề do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, Huyện đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Trần Văn Thời phối hợp với Bưu điện huyện phát động thực hiện chương trình “Chuyến xe yêu thương” từ ngày 12-17/9. Chương trình đã nhận được sự đồng hành của nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân, lan toả mạnh mẽ tình yêu thương, sẻ chia và giúp đỡ trong nghĩa đồng bào.

Trao học bổng "Quỹ xe đạp chở ước mơ"

Chiều 18/9, kỷ niệm 28 năm thành lập và Tháng hành động vì trẻ em, Công ty Bảo Việt nhân thọ Cà Mau tổ chức trao học bổng xe đạp cho các em học sinh nghèo hiếu học. Đây là hoạt động trong chương trình “Trao hơn cả cam kết” thể hiện sự quan tâm, chia sẻ khó khăn với các em học sinh nghèo hiếu học. 

Mái ấm cho người già neo đơn

Thiếu thốn cả vật chất, tinh thần, nhưng khi đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, những người già neo đơn như được bù đắp, lấp đi khoảng trống của sự thiếu thốn. Ðây như là ngôi nhà chung, ngôi nhà thứ hai giúp các cụ an hưởng tuổi già.

Trường THPT Đầm Dơi trao tặng học bổng cho học sinh đầu năm học mới

Tổng số tiền học bổng là 60,5 triệu đồng do mạnh thường quân hỗ trợ được trao cho 76 học sinh.

Trung thu bên em

Nhiều hoạt động trung thu cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng sâu vùng xa... liên tục được tổ chức để các em nhỏ cảm nhận không khí vui tươi của Tết đoàn viên.

Thăm, tặng quà trẻ em nhân dịp Tết trung thu 2024

Nhân dịp Tết Trung thu 2024, Tỉnh ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thành lập nhiều đoàn đi thăm, tặng quà trẻ em ở các cơ sở bảo trợ xã hội, bệnh viện, khu lưu cư...

Ðồng hành cùng học sinh đến trường

Ðể góp phần động viên, khích lệ tinh thần, tiếp thêm động lực giúp các trẻ em mồ côi/trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm học 2024-2025, trong tuần qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Phường 6 và Hội LHPN xã Lý Văn Lâm đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực.

Vượt lên nỗi đau da cam

Vượt lên nỗi đau, những nạn nhân chất độc da cam(NNCÐDC)/Dioxin tự tin hoà nhập cộng đồng, lao động sản xuất để tìm tương lai tươi sáng hơn cho bản thân và gia đình.

Chung tấm lòng hướng về đồng bào vùng bão, lũ

Cơn bão số 3 – bão Yagi đã khiến miền Bắc chìm trong đau thương với những thiệt hại về người và của vô cùng to lớn. Trước những mất mát nặng nề đó, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương cũng như các ban, ngành, đoàn thể trên khắp mọi miền đất nước đều chung tay để “đỡ đần” miền Bắc. Tại Cà Mau, mỗi ngày đều diễn ra những hoạt động ý nghĩa và thiết thực.

Trao quà Trung thu cho trẻ em và người già tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh

Nhân dịp Tết Trung thu 2024, sáng 14/9, Công đoàn cơ sở (CĐCS) Bảo hiểm xã hội tỉnh Cà Mau tổ chức chương trình tặng quà cho trẻ em tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.