(CMO) Cách đây mấy năm, Đại tá Nguyễn Văn Phép, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Cà Mau từng chia sẻ rằng: “Hội có hơn 30.000 hội viên, mục tiêu của hội là giảm nhanh số hội viên nghèo, cận nghèo, khó khăn. Bộ đội thời bình mà còn nghèo thì áy náy lắm. Kế đó là phải làm sao để CCB vươn lên khá, giàu. Hội viên khá giàu, tổ chức hội sẽ vững mạnh lên, đóng góp cho xã hội sẽ nhiều thêm”.
Đến tháng 6/2020, thông tin Câu lạc bộ (CLB) CCB sản xuất, kinh doanh tỉnh Cà Mau thành lập đã hiện thực hoá quyết tâm ấy. Hào khí thời bình của CCB Cà Mau đang lan toả, thấm sâu vào từng nghĩ suy, hành động, để hình ảnh người Bộ đội Cụ Hồ trong mọi hoàn cảnh đều rạng rỡ, đẹp tươi.
Đột phá trong suy nghĩ, hành động
Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Bốn từ tay trắng gây dựng cơ ngơi kinh tế vững vàng, sống chí tình với đồng đội và xã hội. |
Tâm tình về quá trình thành lập CLB CCB sản xuất, kinh doanh, Đại tá Huỳnh Hoàng Vân, Phó chủ tịch Hội CCB tỉnh Cà Mau, cho biết: “Chúng tôi cùng anh em hội viên cứ băn khoăn chuyện chẳng lẽ CCB cứ bàn mãi chuyện thoát nghèo, mà không dám đặt ra những mục tiêu lớn hơn là vươn lên khá, giàu”. Từ trăn trở ấy, với tổ chức hội, cái khó nhất là chưa có một giềng mối, chưa có mô hình nào để tiên phong mở lối. CLB CCB sản xuất, kinh doanh ra đời giải đáp cho vướng mắc ấy. CLB là nơi tập hợp, quy tụ những CCB tiêu biểu nhất, thành công nhất, có uy tín nhất trong sản xuất, kinh doanh. Đây là bệ đỡ để hỗ trợ, là đầu tàu để kích hoạt hết nội lực, đồng hành cùng CCB tỉnh nhà trong khát vọng vươn lên.
Trưởng ban Kinh tế Hội CCB tỉnh Nguyễn Trung Hậu bộc bạch: “Mô hình CLB này ở cấp tỉnh hội là mới so với khu vực Nam Sông Hậu. Chúng tôi xác định rõ, hoạt động CLB là nhân tố mới, đột phá, tạo điểm nhấn, từ đó làm lan toả đến toàn thể hội viên”. Ông Hậu thông tin thêm: “Tháng 6/2020 CLB ra đời, cùng với đó là diễn biến đại dịch Covid-19 hết sức phức tạp. Tuy nhiên, CCB không thể chần chừ, trì hoãn. Chúng tôi làm ngay, làm hết tâm huyết, trách nhiệm. Trong khó khăn, người Bộ đội Cụ Hồ cần quyết đoán và đi đầu”.
Cựu chiến binh Mai Sáu (bên phải), người đưa tiếng thơm mặt hàng bánh phồng tôm Năm Căn vang xa ở thị trường trong và ngoài nước. |
Ngày ra mắt, CLB có 42 thành viên, đến cuối năm 2020 thêm 7 thành viên nữa, tổng cộng là 49. Về con số này, Đại tá Huỳnh Hoàng Vân chia sẻ: “Ban đầu chúng tôi lựa chọn những hạt nhân xứng đáng, uy tín và có mô hình sản xuất, kinh doanh thành công. CLB không quá quan trọng số lượng, mà là chất lượng. Cái chính là từ 49 thành viên này, phải nhân lên, lan toả các mô hình kinh doanh, sản xuất trong toàn hội viên”.
Vượt khó trong bối cảnh dịch Covid-19, hàng loạt mô hình kinh doanh, sản xuất của CCB tỉnh Cà Mau trở thành điểm sáng, góp phần vào sự vững vàng của nền kinh tế tỉnh nhà. Đại tá Huỳnh Hoàng Vân cho biết thêm: “Năm 2020 rất khó khăn, hoạt động CLB còn mới mẻ, nhưng đã đủ để lại những dấu ấn tích cực”. Dẫn ra hàng loạt gương điển hình như doanh nghiệp sản xuất hàng composite của ông Lê Trung Ngươn, xã Định Bình; doanh nghiệp Dương Văn Tường chế biến thuỷ sản ở Trần Văn Thời; sản xuất tôm giống, nuôi tôm công nghệ cao của ông Nguyễn Thanh Phong ở Đầm Dơi; doanh nghiệp của CCB, thương binh Lâm Anh Lữ ở Phường 1, TP Cà Mau; doanh nghiệp Vĩnh Hoà Phát của CCB Mai Sáu sản xuất bánh phồng tôm ở Năm Căn…
Theo đánh giá của Đại tá Huỳnh Hoàng Vân, mô hình CLB CCB sản xuất, kinh doanh đã huy động nguồn lực về trí tuệ, mô hình, vốn, kinh nghiệm…, từ đó nhân rộng, tạo thành phong trào thi đua trong tổ chức hội. Làn gió mới này dù chỉ mới phất lên, song đã tạo không khí phấn chấn, tích cực và nhận được rất nhiều kỳ vọng của không chỉ CCB mà toàn xã hội.
Từ những hạt nhân nòng cốt
Về Phường 1, TP Cà Mau thăm CCB, thương binh 3/4 Lâm Anh Lữ, chúng tôi không khỏi thán phục nghị lực, ý chí và đóng góp của ông cho cách mạng, cho xã hội. Ông Lữ là một trong những người đề đạt ý nguyện sớm thành lập CLB CCB sản xuất, kinh doanh, quyết tâm không để người lính thời bình cứ chật vật mãi trong đói nghèo. Với Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, cuộc đời của ông Lữ là cuộc đời tận hiến cho sự nghiệp chung. Về với đời thường, dù ở nội thị Cà Mau, ông Lữ vẫn quan điểm rõ ràng: “Phi thương bất phú” và “Lao động là vinh quang”.
Trên mảnh đất ông mua lại từ những năm 80 thế kỷ trước rộng hơn 8.000 m2, ông chắt chiu từng khoảnh đất, đa dạng và đáng nói nhất là hiệu quả. Hiện ông Lữ nuôi 2 ao cá tra, 2 hầm ba ba, ngoài mặt tiền, ông mở dịch vụ giữ và rửa xe ô-tô. Sản lượng cá tra của ông mỗi năm hơn chục tấn. Ngay giữa lòng thành phố, ông Lữ sống trong một ốc đảo xanh với hoa lợi đều đặn và bền vững. Ông Lữ bộc bạch: “Đồng chí, đồng đội mình còn nhiều người vất vả, nhất là ở nông thôn. Mình làm để chứng minh rằng, chỉ cần nghĩ suy, chỉ cần lao động, có mô hình hợp lý thì chuyện khá giàu là trong tầm tay”.
CCB Nguyễn Xuân Bốn, quê gốc Nam Định, về Cà Mau với 2 bàn tay trắng. Bằng ý chí vươn lên của người Bộ đội Cụ Hồ, ông gầy dựng được cơ sở điện lạnh tại Phường 9, TP Cà Mau với quy mô mà ai cũng ao ước. Có được cơ ngơi ổn định, ông Bốn san sẻ với đồng chí, đồng đội và cộng đồng bằng cái tâm cao cả của người lính. Từ cơ sở điện lạnh của ông, có hơn 50 học viên được đào tạo miễn phí đến lúc thành tài. Gia đình ông Bốn bao luôn chuyện ăn ở cho học viên. Nhiều học viên là con em của đồng chí, đồng đội ông năm xưa.
Đến với CLB CCB sản xuất, kinh doanh, ông Bốn bày tỏ chân tình: “Tôi sẵn sàng hỗ trợ việc kết nối để đào tạo nghề, thậm chí là khởi nghiệp cho những CCB hoặc con em CCB có ý chí, có khát vọng vươn lên”. Trong câu chuyện, ông Bốn thổ lộ: “Mình biết cái thiếu, cái khó của CCB hiện nay nằm ở mấy chỗ là vốn, kiến thức, mô hình. Nhưng cái khó nhất không nằm ở chỗ đó, mà nằm ở suy nghĩ, nhận thức. Phải tin rằng, Bộ đội Cụ Hồ khi có quyết tâm, khi có mục tiêu đúng thì khó mấy cũng làm được”.
Nhớ lần ghé thăm CCB Mai Sáu, ở xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn, ông Sáu nói với chúng tôi rằng: “CCB sau khi trở về đời sống bình thường gặp nhiều khó khăn. Chuyện khởi nghiệp gian nan lắm”. Doanh nghiệp Vĩnh Hoà Phát của ông Mai Sáu thuộc dạng có tiếng ở Năm Căn, riêng mặt hàng bánh phồng tôm thì vang xa khắp nước và cả nước ngoài. Bí quyết của ông là luôn nỗ lực, biết áp dụng khoa học - kỹ thuật, đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Ông Sáu hy vọng sẽ truyền được ngọn lửa ấy đến nhiều CCB nữa. Quan trọng là phải bắt đầu, phải biết khát khao và lựa chọn cho mình mô hình, cách thức kinh doanh, sản xuất phù hợp.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Phép, hoạt động CLB sắp tới sẽ có nhiều thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn. CLB cần phải khảo sát, nắm bắt và kết nối được tất cả những mô hình kinh doanh, sản xuất hiệu quả trong toàn tỉnh. Kế đến là những chuyến tham quan, giao lưu, học hỏi, không chỉ trong địa phương mà ở các tỉnh bạn. Và mục tiêu cuối cùng là phải cụ thể hoá bằng các mô hình kinh doanh, sản xuất khởi nghiệp của CCB trong tỉnh. Từ những hạt nhân nòng cốt, CCB Cà Mau sẽ viết tiếp hào khí thời bình, xây dựng tổ chức hội vững mạnh. Mục tiêu cao nhất vẫn là đóng góp vào sự nghiệp chung, vào đà đi lên của quê hương, xứ sở./.
Phạm Quốc Rin