(CMO) Ông Hà Thế Vẹn là chủ cơ sở kinh doanh mua bán và gia công đóng gói men nấu rượu An Trường (nhãn hiệu đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bản quyền), tại huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu. Quá trình kinh doanh, ông Vẹn phát hiện cơ sở của ông Trần Bỉnh Tòng (Năm Són), ngụ tại Phường 2, TP Cà Mau đã giả mạo nhãn hiệu An Trường để kinh doanh.
“Vụ việc này tôi đã gởi đơn tố giác đến Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Cà Mau, cơ quan này thụ lý xác minh và đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Tòng. Tuy nhiên, nhiều lần tôi đến xin quyết định nói trên để đăng tải rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng nhằm cảnh báo khách hàng về hàng nhái, nhưng Phòng Cảnh sát kinh tế không cho. Vì sao?”, ông Vẹn thắc mắc.
Nói về trường hợp yêu cầu của ông Vẹn, Thượng tá Cao Minh Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Cà Mau, cho biết: “Căn cứ theo Luật Xử phạt vi phạm hành chính năm 2012 thì tuỳ theo vụ việc, lĩnh vực vi phạm, quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan chức năng chỉ trao cho người vi phạm (biết để thực hiện) và nơi nhận đóng phạt (để theo dõi). Riêng người bị hại thì không thuộc đối tượng được nhận quyết định đó”.
Theo Thiếu tá Tôn Phúc Hiệp, điều tra viên Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Cà Mau (người trực tiếp giải quyết đơn tố giác của ông Vẹn), đầu tháng 1/2019, ông Vẹn có gởi đơn tố giác đến Phòng Cảnh sát kinh tế yêu cầu xử lý vụ việc nêu trên. Sau khi thụ lý và tiến hành xác minh, cơ quan điều tra đã phát hiện ông Tòng vi phạm buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hoá, bao bì hàng hoá (cụ thể là men nấu rượu An Trường).
Vi phạm này căn cứ theo Điều 13, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về “Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, mức xử phạt từ 20-30 triệu đồng. Qua đó, Phòng Cảnh sát kinh tế tham mưu Giám đốc Công an tỉnh xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trần Bỉnh Tòng với số tiền 25 triệu đồng (Quyết định số 58/QĐ-XPVPHM ngày 31/1/2019) và ông Tòng đã thực hiện xong việc nộp phạt vào đầu tháng 2/2019.
“Ông Vẹn nhiều lần gặp trực tiếp lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế để xin quyết định xử phạt nói trên và được giải thích rõ rằng, ông không thuộc đối tượng được nhận quyết định theo quy định của Luật Xử phạt vi phạm hành chính năm 2012, nhưng ông Vẹn vẫn tiếp tục yêu cầu. Về vấn đề này chúng tôi đành chịu vì quy định của pháp luật không thể làm trái”, Thiếu tá Tôn Phúc Hiệp một lần nữa khẳng định.
Vậy là sau thời gian dài ông Vẹn theo dõi và yêu cầu cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau xử lý vụ giả mạo nhãn hiệu men nấu rượu An Trường đến nay đã có kết quả cuối cùng. Việc xử lý không chỉ thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, sự quyết tâm của Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Cà Mau, mà còn nhằm mục đích bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng./.
Mỹ Pha