Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các vị đại biểu Quốc hội, đã có hơn 99% kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã được giải quyết, trả lời.
Đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau nhận định, xuất phát từ cơ sở chính trị pháp lý, nền tảng hình thành Quốc hội là do Nhân dân trao quyền lực cho Quốc hội thông qua việc bầu đại biểu Quốc hội. Đây là việc ủy quyền của Nhân dân, quyền lực của nhà nước trao cho Quốc hội thông qua chế độ bầu cử để thay mặt Nhân dân đặt ra các quy tắc xử sự bằng pháp luật, giám sát thực hiện pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Do vậy, việc báo cáo tình hình ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6 có thể nói đây là cơ chế song song, một bên là giám sát theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân gửi đến Quốc hội - đây là công việc do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện. Song song là báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, các cơ quan ở Trung ương tâm tư nuyện vọng của nhân dân cả nước gửi đến Quốc hội.
Phân tích kết quả đạt được, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, ở cấp Chính phủ rất nghiêm túc trong thực hiện, cá nhân đại biểu khi gửi đơn đến Thủ tướng thì trong vòng một tháng Thủ tướng có hồi âm và chỉ đạo ngay. Tuy nhiên, ở các bộ, ngành và địa phương thì tình hình lại khác, trong khi có Bộ thực hiện rất nghiêm túc, Bộ trưởng trực tiếp ký văn bản trả lời như là Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước hay bộ Tư pháp thì cá biệt có những Bộ lại giao cho các cấp dưới, thậm chí là giao cho cấp vụ, cấp phòng trả lời các kiến nghị của Nhân dân là sai quy tắc xử sự,… Trước tồn tại này, rất cần có cuộc giám sát tối cao về việc chấp hành pháp luật đối với việc giải quyết kiến nghị của cử tri do đại biểu Quốc hội gửi đến.
Cũng theo đại biểu Lê Thanh Vân, phải có lộ trình giải quyết, phân loại các ý kiến, kiến nghị của cử tri để phân chia ra, vấn đề nào xác đáng về chiến lược thì phải có lộ trình giải quyết, vấn đề nào có tính cấp bách phải đưa vào một nội dung Nghị quyết kỳ họp của Quốc hội. Đây là công việc Quốc hội phản ánh tính đại diện thực hiện quyền lực nhà nước mà nhân dân trao cho.
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc trọng thể vào sáng 23/10
“Hàng tháng Ban Dân nguyện phải có báo cáo với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện, từ đó Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có cơ sở đôn đốc Chính phủ thực hiện những công việc nổi lên trong tháng; Hoạt động của Ban Dân nguyện có tính chuyên nghiệp hơn;…”, đại biểu Lê Thanh Vân nhận định.
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, so với yêu cầu đặt ra cần tiếp tục hoàn thiện để công tác dân nguyện của Quốc hội tiếp tục đạt được những kết quả cao hơn và như vậy những ý kiến gửi tới Quốc hội sẽ được giải quyết bài bản hơn, hiệu quả hơn./.