(CMO) Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là chính sách nhân văn nhằm đảm bảo an sinh cho người lao động khi về già. Tuy nhiên, không phải người lao động, nông dân, thành viên hợp tác xã nào cũng hiểu hết ý nghĩa của chính sách. Như tại huyện Ngọc Hiển, khi bảo hiểm thương mại phát triển mạnh trên địa bàn thì cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa về chính sách bảo hiểm an sinh để người dân hiểu và tham gia nhằm ổn định cuộc sống khi không còn khả năng lao động.
Từ ngày 1/1/2022, theo quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn tăng từ 700 ngàn đồng lên 1,5 triệu đồng/tháng. Theo đó, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 297 ngàn đồng/tháng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 33 ngàn đồng/tháng. Sự điều chỉnh mức đóng tối thiểu khi tham gia BHXH tự nguyện đã khiến nhiều người băn khoăn, lo lắng, theo đó, những người có kinh tế khó khăn đã tạm ngưng đóng.
Là hộ cận nghèo, hàng ngày vợ chồng ông Nguyễn Trung Nghị, Khóm 1, thị trấn Rạch Gốc, buôn bán kiếm sống qua ngày, nên khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, cả vợ chồng ông đều tham gia BHXH tự nguyện để tích luỹ khi về già. Tuy nhiên, khi tham gia được gần một năm thì mức đóng BHXH tự nguyện tăng, cộng với ảnh hưởng dịch bệnh khiến việc buôn bán khó khăn nên ông đã tạm ngưng đóng, đến cuối năm 2022 ông bắt đầu tham gia trở lại.
Sau khi kinh tế ổn định trở lại, vợ chồng ông Nghị tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để tích luỹ cho bản thân khi không còn khả năng lao động. |
Ông Nghị bộc bạch: “Gia đình tôi không có đất sản xuất, các con đã có gia đình riêng nhưng cuộc sống còn nhiều khó khăn, vì vậy khi buôn bán ổn định trở lại, vợ chồng tôi tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để chủ động kinh tế sau này, khi về già không là gánh nặng cho con cháu”.
Tại địa bàn thị trấn Rạch Gốc thời gian qua bảo hiểm thương mại phát triển mạnh, có nhiều người dân không xem kỹ trước khi ký hợp đồng mua bảo hiểm nên gặp nhiều vướng mắc. Do vậy, khi chính quyền địa phương tuyên truyền BHXH tự nguyện, người dân còn bỡ ngỡ, sợ bị lừa. Nhưng sau khi được tuyên truyền nhiều lần, người dân đã hiểu rõ về tính ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện và đã tích cực tham gia.
Bà Hà Diễm Hằng, Khóm 1, thị trấn Rạch Gốc, chia sẻ: “Trước giờ có nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ tiếp cận tuyên truyền, còn đối với BHXH tự nguyện thì lần đầu tiên tôi được nghe về chính sách này nên tôi sợ cũng như bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, sau khi được ngành BHXH giải thích cặn kẽ về chính sách, các quyền lợi được hưởng nên tôi quyết định tham gia để tích luỹ cho bản thân khi về già”.
“Kinh tế của bà con ở đây chủ yếu mua bán, trao đổi thuỷ sản, cuộc sống tương đối ổn định. Hộ dân tham gia bảo hiểm tư nhân có những bất cập nên khi chúng tôi đi tuyên truyền về BHXH tự nguyện, ban đầu người dân còn e ngại, nhưng sau khi được tuyên truyền, họ đã hiểu và tích cực tham gia để về già được hưởng lương hưu”, bà Huỳnh Ngọc Giàu, Phó trưởng Khóm 1, thị trấn Rạch Gốc, cho biết.
Theo ông Diệp Chí Em, nhân viên đại lý thu BHXH, bảo hiểm y tế thị trấn Rạch Gốc, tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn thị trấn còn thấp, đa số người dân chưa mặn mà với hình thức BHXH này. Do vậy, thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục tổ chức “đi từng nhà, gõ từng cửa” để người dân biết về quyền lợi của mình và cùng tham gia.
BHXH tự nguyện là chế độ bảo hiểm được Nhà nước bảo hộ, do cơ quan BHXH thực hiện. Những người lao động không thuộc cơ quan, đoàn thể nào, không tham gia BHXH bắt buộc có thể lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Khi tham gia BHXH tự nguyện đủ thời gian, tới tuổi hưu sẽ được hưởng lương, được cấp thẻ bảo hiểm y tế với mức hưởng 95% khi đi khám chữa bệnh, ngoài ra còn được hưởng các chế độ liên quan, như tử tuất, mai tang phí… Vì vậy, việc tăng số người tham gia là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà ngành BHXH đang quyết liệt thực hiện nhằm lan toả chính sách an sinh./.
Phúc Duy