Lễ hội Nghinh Ông Sông Ðốc năm nay diễn ra từ ngày 23-25/3 tới. Ðây là lễ hội dân gian hằng năm, nhằm phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, đồng thời quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Cà Mau thông qua các sự kiện, hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch.
- Náo nhiệt ngày hội Nghinh Ông
- Sức sống lâu bền của lễ hội dân gian
- Khảo sát tuyến đường thuỷ tổ chức Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc
Để lễ hội diễn ra trong sinh khí vui tươi, an toàn, đúng quy định, các ngành, các cấp, địa phương nơi diễn ra sự kiện đã và đang triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, quan tâm chú trọng giải pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (ATGT), nhất là giao thông thuỷ trong thời điểm diễn ra nghi thức diễu hành ra biển.
Cửa biển Sông Ðốc, nơi đoàn diễu hành của lễ hội sẽ ra biển làm lễ.
Theo đó, thực hiện Công văn số 198/CCÐTNÐKVIII-QLHT, ngày 26/2/2024 của Chi cục Ðường thuỷ nội địa khu vực III về việc đảm bảo ATGT Lễ hội Nghinh Ông Sông Ðốc năm 2024, UBND huyện Trần Văn Thời đã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội, đồng thời chỉ đạo Công an huyện xây dựng kế hoạch bảo vệ lễ hội, trong đó có công tác bảo đảm trật tự, ATGT khu vực diễn ra lễ hội (thuộc địa bàn thị trấn Sông Ðốc và tuyến sông, cửa sông Ông Ðốc - đoạn qua địa bàn thị trấn).
Ông Kiều Minh Tiếng, Phó chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, cho biết, để bảo đảm trật tự, ATGT đường thuỷ tại tuyến sông, cửa sông Ông Ðốc - đoạn qua địa bàn thị trấn Sông Ðốc, góp phần tổ chức Lễ hội Nghinh Ông Sông Ðốc năm 2024 an toàn, thành công, địa phương đã đề nghị Chi cục Ðường thuỷ nội địa Khu vực III công bố hạn chế giao thông thuỷ tại khu vực diễn ra lễ hội. Cụ thể, thời gian đề nghị hạn chế giao thông thuỷ (cấm luồng) là từ 11 giờ đến 17 giờ ngày 24/3 (nhằm ngày 15/2 âm lịch). Theo đó, Ban Tổ chức sẽ bố trí 2 chốt điều tiết giao thông thuỷ đặt tại 2 đầu tuyến nơi diễn ra Lễ hội Nghinh Ông Sông Ðốc để điều tiết phương tiện theo thời gian cấm luồng (đoạn từ Cảng cá Sông Ðốc trở ra cửa biển Sông Ðốc), với chiều dài tuyến gần 4 km. Ðồng thời, huyện đề nghị các ngành có liên quan, UBND thị trấn Sông Ðốc, chủ công là lực lượng công an bảo vệ điều tiết giao thông, đảm bảo an ninh trật tự, ATGT, phòng chống cháy nổ, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra.
Một góc Lăng Ông Nam Hải thuộc địa bàn Khóm 2, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Trần Văn Thời xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội kết hợp với các hoạt động văn hoá, thể thao; chỉ đạo các đơn vị chức năng của địa phương hỗ trợ Lăng Ông Nam Hải tổ chức tốt Lễ hội Nghinh Ông năm 2024 đảm bảo trang trọng, nghiêm túc, an toàn, theo nghi thức truyền thống, để phục vụ Nhân dân. Ðồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị có liên quan (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) hướng dẫn UBND huyện Trần Văn Thời tổ chức lễ hội đúng quy định và tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch phục vụ Nhân dân và du khách. Ðồng thời, hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự, ATGT, đặc biệt là ATGT đường thuỷ trong thời gian diễn ra lễ hội. Hồng Nhung |
"Bên cạnh đó, cũng sẽ siết chặt quản lý số lượng tàu, thuyền, số lượng người tham gia; vận động những người dân tham gia trực tiếp nghi thức lễ hội phải có áo phao dự phòng, đảm bảo an toàn trong suốt thời gian đi và về bến”, ông Kiều Minh Tiếng cho biết thêm.
Ban Tổ chức cho biết, tham gia lễ hội năm nay gồm 6 phương tiện là tàu đánh cá do Ban Tổ chức sắp xếp chở Long Ðình, 150 phương tiện đánh bắt hộ tống và tổ chức làm lễ cầu ngư. Số lượng tàu, thuyền tham gia sẽ được UBND thị trấn Sông Ðốc trực tiếp hướng dẫn đăng ký, đồng thời UBND thị trấn cũng sẽ phối hợp với các ngành có liên quan quản lý chặt số lượng phương tiện, cũng như người tham gia.
Theo nhận định của ngành chức năng, cùng với việc đưa cầu Ông Ðốc vào sử dụng, số lượng đại biểu, người dân và du khách đến với Lễ hội Nghinh Ông năm nay sẽ khá đông. Do đó, việc đảm bảo an ninh, an toàn trong thời gian diễn ra sự kiện là rất cần thiết. Bên cạnh chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho lễ hội của ngành chức năng, thì ý thức tự giác chấp hành luật của người dân, du khách tham gia vẫn là điều kiện tiên quyết, nhằm để lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá của người dân miền biển diễn ra trang trọng, an toàn và tiết kiệm./.
Lê Chí