(CMO) Chiều ngày 8/11, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về việc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục khi tổ chức dạy, học trực tiếp. Hội nghị tại cầu tỉnh Cà Mau do ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì.
Bộ Y tế cho biết, quan điểm của Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia là “Phải an toàn mới đi học và khi đi học thì phải an toàn”. Theo đó, Bộ đã có nhiều văn bản hướng dẫn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở giáo dục khi tổ chức dạy, học trực tiếp.
Khi học sinh đi học, nhà trường phải đảm bảo nơi rửa tay, dung dịch sát khuẩn, nhà vệ sinh sạch sẽ. (ảnh minh hoạ) |
Cụ thể, các cơ sở giáo dục phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế ở tất cả các cấp độ dịch (Nghị quyết số 128/NQ-CP).
Trước khi học sinh quay lại học, nhà trường phải đảm bảo đủ nước uống hợp vệ sinh, dùng riêng; bố trí đủ và đảm bảo nơi rửa tay, dung dịch sát khuẩn, nhà vệ sinh sạch sẽ; tập huấn cho cán bộ, giáo viên về công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, thông qua sổ liên lạc điện tử/hệ thống thông tin liên lạc sẵn có để tuyên truyền, hướng dẫn cho học sinh, phụ huynh các biện pháp bảo vệ sức khoẻ, theo dõi sức khoẻ của học sinh...
Thực hiện 5K tại trường học. (ảnh minh hoạ) |
Khi học sinh trở lại học, nhà trường phải bố trí người đón và giao học sinh tại cổng; mở cửa thông thoáng, sử dụng quạt, hạn chế sử dụng điều hoà; thời gian, số lượng học sinh và ngừng một số hoạt động theo hướng dẫn; học sinh hạn chế tiếp xúc với nhau; hướng dẫn học sinh vệ sinh cá nhân, giữ vệ sinh chung. Khi có học sinh, cán bộ, giáo viên có biểu hiện ho, khó thở phải đưa đến phòng y tế để kiểm tra, theo dõi, cách ly; đồng thời tham vấn ý kiến của y tế địa phương...
Đối với trường hợp nghi mắc Covid-19, cần thông báo cho Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, Tổ an toàn Covid của cơ sở giáo dục và phụ huynh; hướng dẫn trường hợp nghi ngờ thực hiện các biện pháp an toàn theo quy định. Đồng thời, gọi đường dây nóng của Sở Y tế hoặc cơ quan y tế để tư vấn, xét nghiệm SARS-CoV-2, lập danh sách người tiếp xúc và thực hiện khử khuẩn khi được yêu cầu.
Khi có bệnh nhân trong trường học, cần phong toả tạm thời toàn bộ trường học; thông báo và phối hợp cơ quan y tế triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; rà soát ngay để phát hiện học sinh, giáo viên, người lao động đang nghi ngờ mắc bệnh để cách ly tạm thời và lấy mẫu đơn tại khu vực riêng.
Phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống lây nhiễm vì nguy cơ xảy ra lây nhiễm trong lúc phong toả tạm thời là rất cao: lớp học nào ở yên lớp học đó, tự quản và thực hiện 5K. Tất cả học sinh, giáo viên, người lao động nhà trường thuộc diện F1 sẽ phải thực hiện cách ly đủ thời gian quy định.
Về kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi, theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, trước nhất là cho lứa tuổi từ 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi; tối đa 95% trẻ em chỉ định được tiêm chủng liều cơ bản và liều nhắc lại trong năm 2022.
Cà Mau đã có khoảng 93% học sinh trong độ tuổi từ 12-17 tuổi được tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 1. |
Tại hội nghị, đại biểu quan tâm 3 vấn đề: tiêm vắc-xin cho học sinh, thực hiện 5K khi đến trường và xử lý thế nào khi trường học có F0.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị, tại các địa phương, Sở Y tế phối hợp Sở GD&ĐT rà soát và yêu cầu các trường (từ cấp tiểu học đến cao đẳng, đại học) phải xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trong trường học theo Nghị quyết 128/NQ-CP và thích ứng linh hoạt trong tình hình mới.
Lưu ý kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch từng trường; hiệu trưởng phải là Trưởng ban Chỉ đạo và phân công từng thành viên phụ trách cụ thể. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các huyện phải đi kiểm tra thực tế và phê duyệt từng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo yêu cầu; chú trọng xây dựng kịch bản xử lý trường hợp học sinh, giáo viên, người lao động nhiễm bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế đồng thời đề nghị Sở Y tế các địa phương chỉ đạo tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các cơ sở y tế, nhân viên y tế/giáo viên kiêm nhiệm công tác y tế trường học về công tác phòng, chống dịch, cách xử lý khi có trường hợp mắc Covid-19, cách lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 và tổ chức được các hoạt động tiêm chủng tại các trường. Phải bố trí cán bộ đầu mối, chịu trách nhiệm hỗ trợ các cơ sở giáo dục đào tạo, nhà trường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, xử lý các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở tại trường học.
“Trường hợp trường học xuất hiện F0 thì cần bình tĩnh xử lý theo hướng dẫn; không gây hoang mang, hoảng loạn, nóng vội trong phòng, chống dịch bệnh”, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh./.
Băng Thanh