(CMO) Sáng nay (ngày 18/4) Sở LĐTB&XH tỉnh phối hợp với Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Việc làm bền vững cho người lao động trong ngành tôm và lúa”.
Đến dự có ông Mai Đức Thiện, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTB&XH; Giám đốc VCCI – chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh- ông Trần Ngọc Liêm; cùng các chuyên gia trong ngành LĐTB&XH, NN&PTNN, Liên đoàn lao động và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp; các hiệp hội doanh nghiệp; hơn 20 doanh nghiệp, HTX trong 2 chuỗi tôm - lúa đến từ các tỉnh, thành phố ĐBSCL.
Hơn 20 doanh nghiệp, HTX trong 2 chuỗi tôm - lúa đến từ các tỉnh, thành phố ĐBSCL tham dự.
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Mai Đức Thiện, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTB&XH nhấn mạnh: “Bên cạnh những đóng góp về kinh tế, 2 ngành tôm và lúa gạo cùng góp phần rất quan trọng trong việc giải quyết việc làm. 2 ngành này đã tạo ra và cung cấp hàng triệu việc làm cho người lao động trong chuỗi giá trị của mình. Trong đó, các doanh nghiệp chế biến tôm và lúa gạo sử dụng nhiều lao động (đặc biệt là nhiều lao động nữ và lao động địa phương), qua đó góp phần nâng cao đời sống và thu nhập cho lao động địa phương”.
Theo đó, để đáp ứng yêu cầu ngày một tăng cao của các khách hàng quốc tế trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn về lao động, doanh nghiệp cần xây dựng được các chính sách nhân sự và lao động tuân thủ quy định của pháp luật lao động trong nước; cũng như đáp ứng được yêu cầu của các tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế; xây dựng kế hoạch cải thiện các chính sách nhân sự; môi trường lao động, nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Các đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp cùng thảo luận xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp để thực thi tốt hơn việc thực hiện các chính sách cho người lao động.
Tại hội thảo, đại diện Bộ LĐTB&XH đã chia sẻ kết quả khảo sát nghiên cứu về tình hình thực hiện pháp luật lao động và an sinh xã hội tại các doanh nghiệp chế biến tôm và lúa gạo ĐBSCL. Đặc biệt là các chính sách dành cho lao động nữ. Kết quả cho thấy vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn liên quan đến vấn đề tuân thủ các quy định của pháp luật lao động. Theo đó, các chuyên gia còn đưa ra tổng quan về các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội và bền vững cho các doanh nghiệp trong chuỗi tôm và lúa, đảm bảo chính sách, môi trường cho lao động.
Hội thảo không chỉ là cơ hội để chia sẻ kết quả của khảo sát, nghiên cứu cho các bên liên quan trong 2 ngành, mà còn cập nhật các thông tin về các tiêu chuẩn lao động, các yêu cầu chung của quốc tế về chính sách lao động và nhân sự. Qua đó, các đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp cùng các bên liên quan thảo luận trong việc xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong 2 ngành tôm và lúa, nhằm thực thi tốt hơn các chính sách nhân sự, góp phần nâng cao hình ảnh và thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam./.
Hồng Nhung