Bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là sự kiện chính trị lớn, có ý nghĩa quan trọng, là đợt vận động và sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân. Cùng với hệ thống chính trị, Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã thể hiện trách nhiệm thực hiện các nội dung công tác bầu cử, góp phần để cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật.
Bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là sự kiện chính trị lớn, có ý nghĩa quan trọng, là đợt vận động và sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân. Cùng với hệ thống chính trị, Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã thể hiện trách nhiệm thực hiện các nội dung công tác bầu cử, góp phần để cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật.
Đại biểu thảo luận tại hội nghị hiệp thương lần thứ hai thoả thuận, lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIV. Ảnh: PHƯƠNG LÀI |
Đến thời điểm này, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã hoàn tất công tác hiệp thương lần thứ hai (ngày 17/3) và chuẩn bị hội nghị hiệp thương lần thứ ba. Đồng chí Lê Dũng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Bầu cử tỉnh Cà Mau, nhận định, kết quả của hội nghị hiệp thương lần thứ nhất vừa qua, MTTQ các cấp trong tỉnh thực hiện tốt công tác hiệp thương về thoả thuận và đảm bảo về số lượng, cơ cấu, thành phần hợp lý và cơ cấu kết hợp đảm bảo theo quy định sau hiệp thương lần thứ nhất, số người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021 đều bảo đảm số dư, tỷ lệ nữ, đại biểu ngoài Đảng, trẻ tuổi…
- Để sáng suốt lựa chọn người đại diện cho mình, đồng chí mong mỏi ở cử tri điều gì?
Đồng chí Lê Dũng: Trong thực hiện quyền, nghĩa vụ, tôi mong rằng cử tri trước hết cần hiểu được bầu cử là thực hiện quyền lợi, cũng là nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cử tri cần quan tâm phát huy vai trò giám sát cuộc bầu cử; nắm vững, đối chiếu tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND với người ứng cử, để qua đó bỏ phiếu, lựa chọn người có đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho Nhân dân tham gia vào cơ quan quyền lực Nhà nước các cấp từ Trung ương đến cơ sở.
- Những quy định mới trong cuộc bầu cử lần này ra sao?
Đồng chí Lê Dũng: Theo quy định của luật và một số văn bản có liên quan, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND lần này có nhiều điểm mới:
Thứ nhất, bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội và trong danh sách những người ứng cử đại biểu HĐND là phụ nữ. Bảo đảm ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số. Điểm này cho thấy việc mở rộng cơ cấu, thành phần trong Quốc hội và HĐND các cấp cũng như quan tâm đến việc bình đẳng giới.
Thứ hai, đó là việc thực hiện quyền bầu cử của người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc vẫn được đảm bảo. Họ cũng sẽ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh, nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, được giáo dục, cai nghiện bắt buộc.
- Để góp phần vào thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, công tác quán triệt, phát huy vai trò của Uỷ ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã và đang được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Dũng: Việc đầu tiên nhất đó là phải phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong việc cho ý kiến, mạn đàm, đối chiếu về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Thêm vào đó là Mặt trận các cấp cần phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các quy trình hiệp thương, đảm bảo việc lựa chọn những ứng cử viên đủ chuẩn theo quy định; tăng cường vai trò giám sát của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội.
Các mặt công tác, nội dung thực hiện phải được đảm bảo đúng tiến độ thời gian kế hoạch đề ra, đúng theo luật định và phải được theo dõi, giám sát, rà soát, kiểm tra thường xuyên.
Công tác tuyên truyền cần được quan tâm đúng mức ngay thời điểm bây giờ nhằm tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân để từng người dân hiểu, thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Về cơ cấu, cấp tỉnh, Thường trực Uỷ ban MTTQ đã phân bổ cho 12 cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu 18 người cư trú, làm việc tại địa phương ứng cử đại biểu Quốc hội và 78 cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu 135 người ứng cử đại biểu HÐND tỉnh; cấp huyện giới thiệu 652 người và cấp xã giới thiệu 5.796 người ứng cử đại biểu HÐND cùng cấp. |
Trong thời gian tới, MTTQ các cấp tiếp tục triển khai công tác bầu cử, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: cử cán bộ tới dự, hướng dẫn, theo dõi và giám sát việc tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác đối với người ứng cử; hướng dẫn làm hồ sơ tham gia ứng cử theo quy định của pháp luật.
Tiến hành tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba (dự kiến vào ngày 14/4) để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội (đối với cấp tỉnh) và đại biểu HĐND các cấp.
Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ các cấp phải đảm bảo thực hiện tốt chức năng giám sát đối với cuộc bầu cử, công tác giám sát được thực hiện trong toàn bộ quá trình diễn ra cuộc bầu cử, góp phần để cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, bình đẳng, an toàn, đúng pháp luật.
Bên cạnh đó, tổ chức thăm hỏi, động viên và gặp mặt chức sắc các tôn giáo, thông qua đó tuyên truyền về cuộc bầu cử, đồng thời động viên đồng bào các tôn giáo tích cực tham gia bỏ phiếu để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 thực sự là ngày hội của toàn dân
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!./.
Phong Phú thực hiện