(CMO) Nghề làm cốm ở phường Tân Thành, TP Cà Mau có từ rất lâu, làng nghề nhộn nhịp quanh năm nhưng tất bật nhất vào dịp Tết. Mặc dù có nhiều loại bánh, mứt với mẫu mã đẹp và mới lạ được bán trên thị trường, nhưng cốm gạo vẫn là một trong những món ăn mộc mạc, giản dị, được nhiều người dân ưa chuộng.
Giòn, thơm, béo, đậm đà hương vị là đặc trưng của cốm gạo Tân Thành. Cốm gạo có nhiều loại như: cốm gạo sấy (cốm thụt), cốm gạo (hay nếp) nhúng, nhưng loại cốm gạo sấy là được làm phổ biến nhất. Với nguyên liệu từ gạo đập không phải nhúng qua dầu như những loại cốm nếp, kết hợp với gừng, hành, đậu phộng, đường, nước cốt dừa…, mỗi mẻ cốm gạo ra lò có hương thơm đậm đà, vừa thể hiện sự tỉ mỉ của người thợ làm cốm.
Gạo được cho vào máy sấy. |
Để trên lò sấy khoảng 10 phút sau thì có thể mang ra đập. |
Sau khi đập, cốm gạo được sàng lại để loại bỏ những hạt lép. |
Để có được mẻ cốm giòn, thơm, đảm bảo chất lượng, người làm phải có kinh nghiệm và canh lửa cẩn thận. |
Gừng là một trong những nguyên liệu làm tăng thêm hương vị đậm đà cho cốm gạo. |
Cốm sau khi ngào đường được cắt và cho vào bọc để giữ độ giòn, thơm. |
Trung bình mỗi cái Tết, cơ sở sản xuất cốm của bà Trần Thị Nâu, Khóm 4, phường Tân Thành sản xuất trên 700 kg cốm. |
Cốm Tân Thành được nhiều người ưa chuộng. |
Những ngày gần Tết Nguyên đán, khách đến mua cốm thụt để chế biến cốm ngào đường. |
Hiện tại tổ làm cốm của chị em phụ nữ phường Tân Thành có 17 thành viên. Để công việc làm cốm thuận lợi, một số gia đình đã đầu tư máy sấy gạo. Công việc tuy vất vả từng khâu nhưng họ vẫn miệt mài để cho ra những mẻ cốm giòn, thơm phục vụ khách hàng./.
Kim Chi