(CMO) Trong những ngày tháng Tư lịch sử, Ðảng bộ và Nhân dân huyện Ðầm Dơi có thêm niềm vui, động lực khi quê hương ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên.
Thị trấn Ðầm Dơi đổi thay sau 48 năm. |
Thời gian qua, huyện xác định con tôm là ngành hàng chủ lực nên đã đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, lưới điện quốc gia tạo nền tảng và động lực cho sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản không ngừng phát triển.
Ông Trương Văn Phúc, ấp Tân Thành, xã Tân Duyệt, thực hiện mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến hơn 9 năm nay. Với gần 4 ha, bình quân 2 tháng ông thả tôm 1 lần với 50 ngàn con giống. Mỗi tháng đặt lú bắt 2 con nước, trung bình 60 kg tôm, tôm đạt trọng lượng từ 25-30 con/kg, trừ chi phí còn lãi trên 10 triệu đồng. Ông Phúc cho biết: “Sau khi thực hiện mô hình này, tôi thấy rất hiệu quả, bình quân mỗi con nước xổ đều có lợi nhuận cao”. Ngoài con tôm, nông dân Ðầm Dơi còn sản xuất đa canh kết hợp như tôm - sò huyết, tôm - cua xen canh cho hiệu quả kinh tế cao.
Toàn huyện có trên 14 doanh nghiệp và trên 2.300 cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động, với tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội từ đầu năm 2023 đến nay đạt trên 883 tỷ đồng. Huyện phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng trong năm nay.
Ðến nay, huyện có 7 xã đạt chuẩn NTM và 1 xã được công nhận NTM nâng cao. Ông Biện Công Thành, ấp Tân Trung, xã Tân Duyệt, chia sẻ: “Ðến nay, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, đường làng, ngõ xóm được đầu tư khang trang, đi lại thuận lợi; điện, trường phát triển nhanh, người dân được thụ hưởng rất nhiều. Chương trình xây dựng NTM đã làm thay đổi rõ rệt diện mạo nông thôn”.
Ông Võ Văn Sơn, ấp Mương Đường, xã Tạ An Khương, cắt tỉa bông giấy của gia đình, góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường.
Hiện toàn huyện có 8/15 xã hoàn thành tiêu chí giao thông, phấn đấu đến cuối năm 2023 có thêm 1 xã đạt tiêu chí này là Tân Duyệt. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã khởi công được 16 công trình giao thông, dài hơn 25 km, vốn đầu tư hơn 29,9 tỷ đồng; trong đó, Nhà nước hơn 29 tỷ đồng, Nhân dân đóng góp hơn 318 triệu đồng.
Thành quả đạt được là đáng tự hào, tuy nhiên địa phương còn gặp những khó khăn như: giá cả đầu ra con tôm thiếu ổn định; môi trường, nguồn nước ngày càng ô nhiễm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của huyện còn 3,33%...
“Thời gian tới, huyện sẽ tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, đây là khâu đột phá. Trong đó, nuôi tôm siêu thâm canh, công nghiệp, quảng canh cải tiến để tăng năng suất, sản lượng, tăng thu nhập cho người dân. Ði đôi với đó là cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng như thu hút đầu tư. Tập trung thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững, đây là những đòn bẩy quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển”, ông Nguyễn Phương Bình, Phó chủ tịch UBND huyện Ðầm Dơi, cho biết.
48 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, với diện mạo mới, huyện Ðầm Dơi tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng trong hai thời kỳ kháng chiến, nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.
Thành Quốc