Xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời là địa bàn cư trú lâu đời của đồng bào Khmer với 339 hộ và gần 1.500 khẩu. Ðồng bào Khmer Khánh Bình Ðông có những đóng góp quan trọng trong mọi chặng đường phát triển của quê hương.
Xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời là địa bàn cư trú lâu đời của đồng bào Khmer với 339 hộ và gần 1.500 khẩu. Ðồng bào Khmer Khánh Bình Ðông có những đóng góp quan trọng trong mọi chặng đường phát triển của quê hương.
Phó Bí thư Thường trực Ðảng uỷ xã Khánh Bình Ðông Nguyễn Thành Út cho biết: “Ðồng bào Khmer Trần Văn Thời nói chung, ở địa phương nói riêng đều tuyệt đối tin tưởng và trung thành với lý tưởng cách mạng của Ðảng, Bác Hồ. Ðời sống đồng bào Khmer ngày càng khởi sắc, niềm tin ấy ngày càng được nhân lên, tạo thành động lực thúc đẩy toàn xã thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị đề ra”.
Vụ đậu xanh thắng lợi của cô Thạch Thị Hiên, mô hình này có công sức của những người đảng viên Khmer tiên phong Ấp 8. |
Ðồng bào Khmer xã Khánh Bình Ðông không chỉ tự hào vì đã từng bước vượt qua đói nghèo, mà còn có một niềm vinh dự to lớn khác, đó là con em của họ đã trở thành cán bộ, đảng viên, cống hiến sức mình cho sự nghiệp chung. Ông Út thông tin thêm: “Trong 16 đảng viên người dân tộc, Ðảng bộ có 15 đảng viên Khmer. Trong số này có 1 thường vụ và 1 cấp uỷ, các đồng chí còn lại đều là những nhân tố tích cực có nhiều đóng góp cho các chi bộ cơ sở”. Ðây là một trong những dấu ấn tích cực trong công tác xây dựng Ðảng tại Khánh Bình Ðông.
Ðánh giá về công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên trong cộng đồng Khmer, ông Út nhìn nhận: “Các đảng viên Khmer dù có sự kế thừa khi gần đây lớp trẻ thể hiện được tính năng động, trình độ tốt hơn nhưng nguồn phát triển cũng gặp khó khăn bởi nhiều nguyên nhân”. Theo lời ông Út, thanh niên trong độ tuổi lao động thường đi xa làm ăn, ít người tham gia công tác ở cơ sở. Thêm vào đó, một số có đóng góp tích cực nhưng lại vướng ở trình độ học vấn. Ðể giải quyết những vấn đề này, ông Út khẳng định: “Chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện để anh em tham gia học tập nâng cao trình độ, chú ý chăm bồi, phát triển những anh em có đóng góp ở cơ sở, nhất là lực lượng thanh niên trẻ”.
Về năng lực và hiệu quả công tác của đảng viên Khmer, ông Út cho biết: “Ðây là vốn tài sản quý của Ðảng bộ và Nhân dân Khánh Bình Ðông, bởi các đồng chí luôn gương mẫu trong mọi công tác, cùng với địa phương tháo gỡ những khó khăn trong đời sống đồng bào dân tộc, mang lại sự đổi thay to lớn cho đồng bào Khmer”.
Theo chuẩn nghèo đa chiều, số hộ nghèo và cận nghèo của đồng bào Khmer Khánh Bình Ðông khá nhiều, với hơn 100 hộ. Ông Út chia sẻ: “Giai đoạn sắp tới, những đảng viên Khmer sẽ là nòng cốt trong trận tuyến cùng với bà con giải bài toán giảm nghèo. Hơn lúc nào hết, tinh thần đoàn kết, sức mạnh tự lực tự cường của đồng bào Khmer phải được khơi dậy và đảng viên Khmer chính là chìa khoá”.
Chi bộ Ấp 8 được coi là hình mẫu trong việc phát triển đảng viên Khmer và phát huy được vai trò người đảng viên trong cộng đồng người dân tộc. Anh Nguyễn Việt Trường, Bí thư Chi bộ Ấp 8, thông tin: “Chi bộ có 12 đảng viên (có 2 đảng viên được miễn sinh hoạt), trong đó có 4 đảng viên Khmer. Những đồng chí này gia đình đều có truyền thống cách mạng, có nhiều cống hiến cho ấp, đời sống kinh tế vững vàng, những đảng viên trẻ thì năng nổ và có trình độ”.
Ấp 8 có 184 hộ thì có 58 hộ đồng bào Khmer, đa phần đều là hộ gốc sinh sống ở địa phương. Anh Trường bộc bạch: “Cái khó để tạo nguồn đảng viên là do ít thanh niên chịu theo hoạt động, nếu có thì lại vướng trình độ học vấn. Chúng tôi luôn nắm chặt địa bàn, phát hiện những nhân tố mới tích cực, làm sao để số lượng và chất lượng phải song hành”.
Ðồng bào Khmer Ấp 8 có tiếng là chịu khó lao động, quyết chí thoát nghèo nên đời sống ngày càng phát triển. Mùa hạn năm nay, tuyến kinh Tân Mốc chạy ngang Ấp 8 khô cạn nước, vậy mà 9 hộ Khmer của ấp đã thực hiện thành công vụ đậu xanh trên đất ruộng. Vừa thu hoạch đậu, cô Thạch Thị Hiên vừa bày tỏ niềm vui: “Cũng nhờ hơn chục công đậu xanh mà Tết năm nay nhà có thêm phần sung túc. Trồng khoảng 2 tháng, thu hoạch xong lời khoảng 3 triệu đồng/công”. Anh Trường cho biết thêm: “Mô hình này bà con học tập ở xã Khánh Bình Tây, về thử nghiệm được 2 mùa cho hiệu quả rất khá. Cây đậu xanh về đất này cũng có công rất lớn của những đảng viên Khmer”.
Ông Trương Văn Tèo, đảng viên Khmer kỳ cựu của Ấp 8, bộc bạch: “Tôi được kết nạp Ðảng năm 1985, hồi đó công tác ở ấp cực khổ mà đâu có trợ cấp gì. Mình chỉ quyết tâm công tác, cùng với bà con xây dựng làng quê”.
Ông Tèo có "bản lý lịch" mà ai nghe qua cũng phải thán phục: 4 người con của ông, 1 đang là giảng viên Học viện An ninh (Thủ Ðức, TP Hồ Chí Minh), 1 đang là phó hiệu trưởng một trường cấp 3 ở huyện Trần Văn Thời, 1 là cán bộ của Trạm Bảo vệ thực vật huyện, 1 đang làm công ty liên doanh nước ngoài. Ông Tèo tâm sự: “Học hành đã làm thay đổi số mệnh của con tôi, của người Khmer. Anh em đảng viên như tôi đều cố gắng nêu gương, khuyên nhủ lớp trẻ phải nỗ lực vì bản thân, gia đình và cộng đồng”.
Ðồng bào Khmer Khánh Bình Ðông giờ đây khi nhắc đến những người con, em của mình như anh Thạch Văn Tấn, Thường vụ Ðảng uỷ xã, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã; chị Thạch Thị Nương, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã… đều hết sức tự hào và coi đó là tấm gương sáng để mỗi gia đình dạy dỗ, động viên con em noi theo. Công tác xây dựng Ðảng, giáo dục tinh thần phấn đấu vươn lên trong cộng đồng đồng bào Khmer đã được xã Khánh Bình Ðông làm đúng hướng, đúng cách, tạo dựng được lực lượng đảng viên vừa đông, vừa đạt chất lượng, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương./.
Bài và ảnh: Phạm Nguyên