ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 21-10-24 05:43:46
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Đào tạo nguồn nhân lực: Chưa tạo được sự đột phá

Báo Cà Mau Lao động kỹ thuật trình độ cao là lực lượng Cà Mau rất cần cho phát triển, nhưng theo định biên thì Cà Mau đã đủ, không thể tăng thêm.

Với định hướng chiến lược xây dựng nguồn nhân lực đầy đủ về số, bảo đảm về chất, Cà Mau đã hình thành những đề án lớn để đào tạo, thu hút nhân tài. Thế nhưng, loay hoay sau gần chục năm, những đề án lớn ấy đang cho thấy nhiều vấn đề bất cập, có trường hợp lãng phí tiền ngân sách.

Điểm qua một số đề án lớn như Nghị quyết 21 (NQ21/2013/NQ-HĐND) về đào tạo, thu hút nhân lực; Đề án Mekong 120 bắt đầu từ năm 2007; chế độ cử tuyển đối với học sinh vùng đồng bào dân tộc… có một nhận định chung là hiệu quả thực tế cách biệt quá xa so với kỳ vọng. Đã đến lúc, Cà Mau cần xây dựng một chiến lược về nhân lực mới, phù hợp với đà phát triển mau lẹ của toàn xã hội, đón đầu và nắm bắt được những thời cơ mới.

Nhiều bất cập

Mở đầu vấn đề, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân nêu câu hỏi: “Ở Cà Mau này, có em học sinh đi học điện nguyên tử ở nước ngoài, rồi sau khi về tỉnh mình sử dụng ra sao?”. Đây là một trong những câu chuyện làm băn khoăn không ít người quan tâm đến Đề án Mekong 120. Theo đề án, 120 ứng viên sẽ sử dụng tiền ngân sách để đào tạo chương trình sau đại học, qua 12 đợt xét có 159 ứng viên đáp ứng điều kiện, 56 ứng viên về nước. Trong số này có 47 ứng viên bắt đầu nhận nhiệm vụ, qua một thời gian ngắn, có 4 ứng viên xin thôi công tác.

Sắp xếp và đẩy mạnh nâng chất đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để phục vụ Nhân dân ngày một tốt hơn. Ảnh: HỒNG PHƯỢNG

Điều băn khoăn của đề án, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau Lê Quang Hảo cho biết: “Nhiều ứng viên đi học trình độ ngoại ngữ hạn chế, phải học trong nước, thi đi thi lại nhiều lần. Vả lại, khi về nhận nhiệm vụ, một số chưa phát huy được sở trường, có cơ quan chưa có cách đánh giá phù hợp, dẫn đến tâm lý không tốt của anh em, khi có lời mời hấp dẫn ở bên ngoài thì anh em sẵn sàng bỏ việc”.

Chương trình đào tạo Mekong 120 tốn của ngân sách hơn 90 tỷ đồng, nhưng xem ra những gì thu lại vẫn bị đánh giá là chưa xứng với "đồng tiền bát gạo" bỏ ra. Còn những trường hợp bỏ việc, đi theo lời mời gọi hấp dẫn khác, coi như tiền ngân sách mất trắng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân nhận định: “Thật khó để đánh giá năng lực, trình độ của anh em theo cách làm việc và cách sử dụng con người như Cà Mau hiện nay. Ai cũng biết các ngành khoa học - kỹ thuật, khoa học tự nhiên thì chúng ta thiếu những người có chuyên môn sâu, ưu tú, trong khi đó, lĩnh vực khoa học - xã hội thì quá mênh mông, rất khó để đánh giá. Chất lượng tới đâu còn phải xem học ở nước nào, trường nào, khả năng của ứng viên…”.

Từ đó có thể thấy rằng, Đề án Mekong 120 mặc dù được đặt kỳ vọng lớn lao, song lại cũng nảy sinh rất nhiều bất cập. Những điều Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phân tích cũng chính là nguyên do khiến hiệu quả công tác, khả năng cống hiến của các ứng viên bị hạn chế rất nhiều. Có trường hợp, khi cầm tấm bằng nước ngoài về, tỉnh Cà Mau rất bối rối trong việc phân công công tác vì không hiểu bằng này sẽ làm việc gì cho phù hợp.

Kết quả thực hiện Nghị quyết 21 và chế độ cử tuyển cũng phản ánh những đánh giá chưa chính xác trong định hướng phát triển nhân lực của tỉnh Cà Mau. Có thể, giai đoạn cách đây khoảng 10 năm, Cà Mau thiếu nguồn nhân lực, dù là nhân lực ở chất lượng trung bình và do đó đề án nhân lực bổ sung nhanh về số lượng, có chất lượng tàm tạm là điều dễ chấp nhận. Nhưng ngay sau đó, nguồn nhân lực Cà Mau được bổ sung rất mạnh mẽ từ nguồn sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng chính quy. Từ đó, những người bổ túc thì tại vị, lâu năm, trong khi sinh viên chính quy thì thất nghiệp, dù cho bằng có ở mức khá giỏi. Ông Lê Quang Hảo thông tin: “Biên chế coi như tỉnh Cà Mau đã đủ, không thể “nhét thêm”, đã tới lúc tính toán lại cách đào tạo và thu hút của Cà Mau”.

Tỉnh Cà Mau sau mấy năm thu hút được 4 người, mà như Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân đánh giá: “Chưa chắc giỏi hơn những anh em sinh viên đang mỏi mòn chờ xin việc làm khác”. Công tác đào tạo được gần 1.400 người, trong đó có 14 tiến sĩ, 373 thạc sĩ. Riêng chế độ cử tuyển sau 8 năm có 276 em đi học, tốt nghiệp 119 bố trí việc được 71 em. Số còn lại chưa thể bố trí việc làm, một số em trong quá trình học thì không thể tốt nghiệp, hoặc tốt nghiệp với số điểm rất thấp.

Nỗ lực tìm giải pháp

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Cà Mau Dương Việt Thắng cho rằng: “Công tác nhân lực thời gian qua đã làm chuyển biến về nhận thức, bổ sung đáng kể vào chất lượng con người ở toàn bộ hệ thống chính trị, tất nhiên là còn chỗ đáng bàn”. Theo ông Thắng: “Từ thời điểm này trở đi, tránh những đề án quá rầm rộ mà thiếu tính toán, vừa tốn tiền, tốn thời gian, con người khi đào tạo xong thì không sử dụng được”. Có một thực tế là khi tính toán các đề án, Cà Mau đã để quên một điều rất quan trọng là “đào tạo theo nhu cầu xã hội, vị trí việc làm”, quên luôn chuyện tính toán xu hướng của nguồn lực tự đào tạo ngoài xã hội.

Lao động kỹ thuật trình độ cao là lực lượng Cà Mau rất cần cho phát triển, nhưng theo định biên thì Cà Mau đã đủ, không thể tăng thêm.                Ảnh: THANH TRÀ

Từ những câu chuyện trên, nhân lực Cà Mau thừa thì rất thừa, bởi nhiều người tốt nghiệp thì không xin được việc, hoặc rời bỏ xứ sở đi làm nơi khác. Trong khi đó, những người trong bộ máy công quyền, các cơ quan, đơn vị thì học hành “từng khúc”, khả năng có hạn, cồng kềnh và hiệu suất làm việc thấp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân nhấn mạnh: “Nếu không thay đổi về tư duy, không có môi trường thì sẽ chẳng phát huy được nhân lực”. Thói quen làm việc, cách đánh giá năng lực của cá nhân, tư duy về sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao là những chuyện mà các đơn vị, cơ quan phải thật sự lưu tâm. Đừng để sức ì của tư duy làm việc rập khuôn, chuộng hình thức, những góc khuất trong văn hoá công sở... làm chảy máu nguồn nhân lực, lãng phí công sức, tiền bạc, thời gian để đào tạo nhân lực.

Sẽ có những định hướng mới, chiến lược mới của Cà Mau trong giai đoạn kế tiếp khi UBND tỉnh đồng ý thực hiện những chặng cuối của các đề án nêu trên và sau đó kết thúc. Một đề án có khả năng giải quyết những vấn đề trước mắt, dự đoán được những xu hướng trong tương lai, xây dựng nguồn nhân lực mới, chất lượng cao đưa Cà Mau tiến nhanh, bền vững trong bối cảnh hội nhập là kỳ vọng của toàn hệ thống chính trị, của Nhân dân và của cả đất nước./.

Có một thông tin khi công bố làm không ít người ngạc nhiên, đó là chuyện Cà Mau vẫn còn viên chức, công chức chỉ đào tạo ở trình độ sơ cấp, cá biệt có người chưa qua đào tạo. Trong đó, đào tạo sau đại học của lực lượng này là 774 người, đại học là 14.267, cao đẳng - trung cấp là 7.648. Về vấn đề này ông Hảo cho biết: “Trước đây, do đặc thù khó khăn về nhân lực ở những vùng nông thôn khó khăn, đội ngũ cán bộ phải tận dụng từ nhiều nguồn, trong khi đó, kinh phí đào tạo, số lượng phân bổ đào tạo chưa đáp ứng hết nhu cầu nên vẫn còn những anh em chưa đi học”. Câu hỏi đặt ra là, tại sao những người tốt nghiệp đại học chính quy vẫn thất nghiệp, trong khi chúng ta chấp nhận những công chức, viên chức có trình độ thấp?

Giám đốc Sở GD&ÐT Cà Mau Nguyễn Minh Luân đưa ra một số định hướng như xã hội hoá giáo dục - đào tạo, rà soát và sắp xếp hệ thống các trường đào tạo, mở rộng các trường nghề, hướng nghiệp, phân luồng học sinh phổ thông… Ðây là những điều không mới, nếu không nói là lần nào cũng được nhắc lại tại các cuộc họp bàn về nhân lực. Thực tế, nói biên chế trong tỉnh đã đủ là đúng, nhưng đã đáp ứng được chất lượng chưa lại là chuyện khác. Cà Mau chảy máu chất xám là do xin việc rất khó, trong khi đó chưa mạnh dạn "thay máu", làm mới lực lượng công chức, viên chức. Nếu đánh giá công tâm, thì nếu không có các đề án nêu trên mà Cà Mau tận dụng tốt lực lượng tự học để tốt nghiệp đại học, cao đẳng, nghề trong vòng hơn 10 năm qua thì kết quả hoàn toàn có khả năng tích cực hơn.

Phạm Nguyên

Liên kết hữu ích

Không cấp thiết, nhưng làm được thì tốt

Những ý kiến khác nhau về đề xuất miễn học phí cho con giáo viên từ bậc mầm non đến đại học trong dự thảo Luật Nhà giáo sắp được đệ trình Quốc hội, chưa bàn chuyện nên hay không, nhưng rõ ràng đã nêu bật lên 3 tín hiệu tích cực.

Chắp cánh tài năng học đường

Với mục tiêu hướng đến sự phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, các câu lạc bộ (CLB) ở trường THPT thực sự là chiếc cầu nối đánh thức, phát huy những tiềm năng năng khiếu của học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Ðồng hành cùng học sinh nghèo

Chương trình Học bổng Hoà bình - The Corea Peace3000 (Chương trình) là chương trình hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Từ chương trình này, Tổ chức The Corea Peace3000 (Hàn Quốc) thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ học sinh nghèo, từ việc cung cấp học bổng cho đến các chương trình đào tạo và phát triển kỹ năng để nâng cao nhận thức và kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng.

”Người mẹ hiền” ở Trường Mầm non Thạnh Phú

“Hằng ngày, nhìn những gương mặt ngây thơ với ánh mắt trong veo của các cháu mà nghe lòng mình ấm áp lạ thường. Dù trong cuộc sống có bao nhiêu lo âu, muộn phiền nhưng khi bước chân vào lớp là niềm vui lại ùa về", đó là lời tâm tình của cô giáo đã 56 tuổi đời, 38 tuổi nghề, chỉ vài ngày nữa cô sẽ từ giã mái trường thân yêu theo chế độ hưu trí.

Nét đẹp nơi cổng trường

Nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường, tạo nét đẹp hoá khi tham gia giao thông, các trường học trên địa bàn huyện Phú Tân đồng loạt thực hiện hiệu quả nhiều quy định của ngành.

Chạy đà ôn thi tốt nghiệp THPT

Mặc dù mới bắt đầu năm học 2024-2025 nhưng các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã có những bước chạy đà với việc xây dựng kế hoạch học tập và ôn luyện ngay những tuần học đầu tiên, nhằm tạo thế chủ động cho học sinh (HS). Bởi, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới.

Kiểm tra các trường học trên địa bàn TP Cà Mau

Sáng nay (1/10), đoàn kiểm tra của Phòng Giáo dục – Đào tạo TP Cà Mau kiểm tra các công trình phần việc trọng tâm năm học 2024-2025 một số điểm trường trên địa bàn TP Cà Mau.

Tuyên dương học sinh trả lại của rơi

Ngày 24/9, UBND huyện U Minh tổ chức buổi trao giấy khen cho học sinh có hành động đẹp nhặt được của rơi trả lại cho người đánh mất, tại Trường THCS Nguyễn Thái Bình, thị trấn U Minh.

An toàn sức khoẻ cho trẻ đến trường

Bệnh tay chân miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có vắc-xin phòng ngừa và đối tượng mắc bệnh chủ yếu trẻ em trong độ tuổi đến trường. Ðể bảo vệ an toàn sức khoẻ cho trẻ đến trường trong năm học mới, các trường mầm non trên địa bàn huyện Cái Nước chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh TCM.

50 học sinh, sinh viên tại Cà Mau nhận học bổng The Corea Peace3000

Sáng 22/9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp với đại diện Tổ chức The Corea Peace3000 tại Cà Mau tổ chức triển khai “Chương trình học bổng - The Corea Peace3000”.