Ở từng cấp học, người giáo viên có vai trò và sự ảnh hưởng với mức độ khác nhau. Khi trẻ con lần đầu tiên bước đến trường, hình ảnh cô giáo đối với trẻ như là một người mẹ, người chị yêu thương, chăm sóc và dạy dỗ những kiến thức, kỹ năng đầu đời.
Ở từng cấp học, người giáo viên có vai trò và sự ảnh hưởng với mức độ khác nhau. Khi trẻ con lần đầu tiên bước đến trường, hình ảnh cô giáo đối với trẻ như là một người mẹ, người chị yêu thương, chăm sóc và dạy dỗ những kiến thức, kỹ năng đầu đời.
Trong môi trường mầm non, trẻ thơ như tờ giấy trắng, giáo viên là hoạ sĩ, nét vẽ của cô giáo sẽ khắc sâu vào suy nghĩ, tình cảm của bé, giúp bé phát triển cả về nhân cách và những kỹ năng cần thiết. Do đó, giáo viên mầm non có vai trò cực kỳ quan trọng. Họ vừa là giáo viên, vừa là những nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà quản lý… tạo môi trường để trẻ giao tiếp, hoạt động và tiếp thu kiến thức, mang đến cho trẻ những điều tốt đẹp nhất để trẻ phát triển mạnh mẽ về kiến thức và bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm đối với con người và môi trường trẻ đang sống.
Ở cấp học nào cũng đòi hỏi người thầy luôn chuẩn mực cả về nhân cách và chuyên môn. |
Từ cấp tiểu học cho đến THPT, học sinh nhận thức rõ hơn về bản thân và thế giới xung quanh. Ðây là giai đoạn tích luỹ kiến thức cơ bản cũng như hình thành nhân cách của học sinh. Quá trình này diễn ra mạnh mẽ cùng với sự phát triển hoàn thiện của cơ thể cũng như tâm sinh lý của con người. Ở cấp học càng thấp, người giáo viên càng quan trọng đối với học sinh. Người thầy khi này đóng vai trò là người truyền đạt kiến thức, gợi mở, giúp học sinh trả lời những câu hỏi về tự nhiên và xã hội.
Bên cạnh đó, giáo viên còn phải là người truyền ngọn lửa say mê, tình yêu đối với con người, đối với khoa học, thích tìm tòi, khám phá những tri thức mới. Bên cạnh dạy chữ, người giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, còn phải dạy dỗ học sinh rèn luyện, trau dồi đạo đức để trở thành con ngoan, trò giỏi, công dân tốt của xã hội. Nếu học sinh yêu thích thầy cô thì sẽ xem thầy cô như là hình mẫu để noi theo và phấn đấu để làm thầy cô hài lòng. Do đó, để thực hiện trọn vẹn chức năng của mình, ngoài việc giỏi chuyên môn ra, giáo viên còn phải là người am hiểu tâm lý của học sinh, gần gũi, quan tâm, động viên, giúp đỡ để học trò của mình tự tin trong giao tiếp, mạnh dạn học hỏi và tham gia các hoạt động phong trào. Từ đó, học sinh sẽ rèn luyện, hình thành những kỹ năng mềm, giúp học sinh tự tin, vững vàng trong cuộc sống và học tập.
Lên đến cấp trung cấp nghề hoặc trung cấp chuyên nghiệp, mặc dù lúc này học sinh đã trưởng thành hơn, nhưng vẫn cần sự hướng dẫn sát sao của người thầy. Ðể trang bị đầy đủ những kiến thức và kỹ năng, đáp ứng công việc sau khi ra trường, học sinh ở cấp học này luôn cần môi trường rèn luyện thường xuyên. Giáo viên ở cấp học này giống như người huấn luyện, cầm tay chỉ việc để học sinh học tập và thực hiện đầy đủ, đúng quy trình từng loại công việc. Dần dần, học sinh sẽ hình thành được những kỹ năng trong nghề nghiệp của mình. Dù là học sinh trưởng thành nhưng người thầy vẫn phải giám sát, kiểm tra, nhắc nhở, giúp học sinh điều chỉnh trong quá trình học nhằm đạt được hiệu quả cao nhất.
Cao hơn nữa là bậc cao đẳng, đại học. Ở bậc học này, sự định hướng nghề nghiệp của người học khá rõ ràng. Do đó, sinh viên cao đẳng, đại học bắt đầu hình thành ý thức tự học, tự tìm tòi, nghiên cứu. Tuy vậy, để sinh viên thuận lợi trong quá trình học và đỡ tốn thời gian khi học tập sai phương pháp, người thầy ở trường cao đẳng, đại học vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn, định hướng. Sinh viên rất cần giảng viên hướng dẫn, cung cấp những phương pháp đúng đắn để đạt hiệu quả cao nhất trong quá trình học tập và nghiên cứu.
Mặc dù ở trường cao đẳng, đại học, mối quan hệ giữa giảng viên và sinh viên không còn gần gũi, gắn bó mật thiết với nhau như học sinh ở cấp học nhỏ hơn, nhưng giảng viên vẫn có sức ảnh hưởng không nhỏ đối với sinh viên. Những giảng viên có kiến thức rộng, chuẩn mực trong lối sống và công việc, có khả năng truyền đạt và hướng dẫn tốt cho sinh viên luôn nhận được sự kính trọng và yêu mến từ người học. Từ đó, sự phối hợp trong hoạt động dạy và học giữa giảng viên, sinh viên cũng dễ dàng, thuận lợi hơn.
Xã hội ngày càng phát triển, giáo dục và đào tạo con người càng được coi trọng. Trong đó, sự ảnh hưởng của người thầy đến quá trình phát triển của học trò cần phải được quan tâm đặc biệt. Ðội ngũ giảng viên, giáo viên vẫn luôn là những tấm gương để người học noi theo về nhân cách, lối sống, phương pháp tư duy và làm việc.
Ðể đáp lại sự kỳ vọng của học trò, người thầy ngày nay cũng cần phải thay đổi rất nhiều, không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, luôn dành sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện cho học trò của mình phát triển toàn diện cả về đức và tài. Ngành giáo dục cũng cần nghiên cứu tiêu chí tuyển chọn và chế độ đãi ngộ đối với giáo viên, đặc biệt là giáo viên ở cấp học mầm non và tiểu học, là cấp học mà dấu ấn của người thầy luôn khắc sâu trong suốt quá trình phát triển và trưởng thành của người học./.
Bài và ảnh: Nhật Huỳnh