(CMO) Dọc theo tuyến kênh thuộc ấp Tấn Công, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, thời gian gần đây ngoài thân cây trúc, người dân còn biết tận dụng luôn cả nhánh trúc để tăng thêm nguồn thu nhập, vươn lên cuộc sống khá giàu.
Hơn 10 năm trước, công việc của bà Mai Thị Thu Ba là thu mua trúc. Tình cờ tìm được nguồn tiêu thụ nhánh trúc, bà Thu Ba quyết định chuyển sang thu nhánh trúc tại vùng Tân Bằng cho đến tận bây giờ.
Trước đây, trúc được người dân quanh vùng trồng chỉ lấy thân cây để đan mê bồ, rổ, thúng…, nhưng nay cây trúc được tận dụng luôn cả nhánh để làm nguyên liệu xuất khẩu. Mỗi tháng, gia đình bà Thu Ba xuất bán trên 15 tấn trúc nhánh sấy khô, thu nhập trên 50 triệu đồng.
Ngoài giá trị từ thân cây, nay nhánh trúc cũng được tận dụng để tăng nguồn thu cho người dân trồng trúc. |
“Vùng này nổi tiếng trồng trúc nên bà con ai cũng phấn khởi khi bán được nhánh trúc, chứ như trước đây nhánh trúc thường bỏ đi. 1 kg nhánh trúc tươi tôi thu mua với giá 10.000 đồng. Vậy là hơn mấy chục hộ mỗi ngày đều có nguồn thu nhập từ nhánh trúc. Việc nhẹ, thu nhập ổn định, tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có nên bà con ai cũng thấy vui”, bà Thu Ba chia sẻ.
Mỗi ký nhánh trúc tươi có giá 10.000 đồng. |
Nhánh trúc tươi được cắt khúc khoảng 6 cm đưa vào máy đánh sàn để phân loại kích cỡ lớn, nhỏ theo yêu cầu đơn đặt hàng. Sau khi phân cỡ, nhánh trúc được đưa vào máy đánh cát với nước để tạo độ nhám. Khi công đoạn này hoàn thành, nhánh trúc sẽ được đưa vào lò sấy khô hoặc phơi nắng trực tiếp để bảo quản, chuyển đến nơi tiêu thụ.
Nhánh trúc được máy phân loại kích cỡ theo yêu cầu. |
Nhánh trúc thành phẩm được xuất khẩu làm hàng thủ công mỹ nghệ. |
Hằng My