Tết Trung thu đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, dù vô cùng bận rộn, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian viết thư gửi thiếu nhi Việt Nam: “Ðây là Hồ Chí Minh nói chuyện với các em. Hôm nay các em vui chơi, vui chơi một cách có đoàn kết, có tổ chức...
Tết Trung thu đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, dù vô cùng bận rộn, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian viết thư gửi thiếu nhi Việt Nam: “Ðây là Hồ Chí Minh nói chuyện với các em. Hôm nay các em vui chơi, vui chơi một cách có đoàn kết, có tổ chức... Hôm nay, Tết Trung thu là của các em... Các em phải ngoan, ở nhà phải nghe lời bố mẹ, đi học phải siêng năng; đối với bầu bạn phải yêu kính. Các em phải thương yêu nước ta. Mong các em mai sau lớn lên thành những người dân xứng đáng với nước độc lập, tự do”.
Lúc sinh thời, Tết Trung thu, ngày Quốc tế Thiếu nhi, Tết Nguyên đán... Chủ tịch Hồ Chí Minh đều dành thời gian viết thư gửi thiếu niên, nhi đồng. Mỗi khi có đoàn thiếu nhi đến thăm, Người tiếp ân cần, chu đáo. Không chỉ quan tâm, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đánh giá rất cao những việc làm của thiếu nhi, Người gửi thư khen thiếu nhi làm nhiều việc tốt, động viên thiếu nhi “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”.
Người coi chăm lo cho thế hệ trẻ là trách nhiệm của các cấp uỷ Ðảng và toàn xã hội. Người căn dặn “chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Ðảng, toàn dân”, “trước hết, gia đình (tức là ông bà, cha mẹ, anh chị) phải làm thật tốt công việc ấy”. “Các Ðảng uỷ... Uỷ ban Thiếu niên nhi đồng, Ðoàn Thanh niên, ngành giáo dục và các ngành, các đoàn thể phải có kế hoạch thật cụ thể chăm sóc các cháu ngày càng khoẻ mạnh, tiến bộ. Các Tỉnh uỷ, Thành uỷ cần phải phụ trách, đôn đốc việc này cho có kết quả tốt”.
Thực hiện lời căn dặn của Người, Ðảng, Nhà nước ta luôn quan tâm làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, coi đây là một trong những nhiệm vụ chiến lược trọng tâm và là sự sống còn của chế độ, sự tồn vong của dân tộc. Luật Chăm sóc, bảo vệ trẻ em và nhiều văn bản pháp quy nói về trẻ em ra đời; hệ thống trường học từ mầm non đến THPT được xây dựng đều khắp từ thành thị đến nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; việc miễn giảm học phí cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc, trẻ em vùng khó khăn; trẻ em dưới 6 tuổi điều trị bệnh không mất tiền; hằng năm các ngành chức năng tổ chức diễn đàn “nghe trẻ em nói” để hiểu hơn về trẻ em... Ðây là sự cố gắng lớn của toàn Ðảng, toàn dân trong việc chăm lo cho thế hệ trẻ nước nhà.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít trẻ em nghèo, con em đồng bào dân tộc, miền núi, vùng nông thôn sâu, việc học hành còn rất nhiều khó khăn, nhiều trẻ em chưa có được ngày Tết Trung thu, đang rất cần sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền và các ngành chức năng. Tổ chức ngày Tết Trung thu cho trẻ không đơn thuần là vật chất, mà ý nghĩa đặc biệt của ngày Tết thiếu nhi chính là sự quan tâm của các cấp uỷ Ðảng, chính quyền và các ngành, đoàn thể. Ðây cũng là dịp tốt để giáo dục lòng yêu nước, ý thức đoàn kết, tinh thần tập thể cho thiếu niên, nhi đồng, động viên các em ra sức học tập để sau này trở thành người hữu ích của xã hội, góp phần làm rạng rỡ non sông, đất nước Việt Nam như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta./.
Tiếng Dân