(CMO) Tính đến nay, có gần 2.000 TTHC của các ngành được đăng tải lên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Cà Mau. Năm 2018, số lượng hồ sơ nộp trực tuyến của tổ chức, cá nhân tăng so với năm 2017.
Tại hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố để đánh giá tình hình ứng dụng CNTT năm 2018 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2019 vào sáng 12/3, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo, lãnh đạo các sở, ngành và huyện, thành phố quan tâm ứng dụng CNTT vào hoạt động của cơ quan, đơn vị phù hợp với cấu trúc Chính quyền điện tử của tỉnh; tăng cường sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số, hộp thư điện tử, ứng dụng CNTT vào hoạt động cơ quan hành chính Nhà nước, khối Đảng, đoàn thể; đăng tải kịp thời TTHC trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; quan tâm tuyên truyền các tiện ích, phổ biến, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp giải quyết TTHC qua môi trường mạng, nhất là Zalo...
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải phát biểu chỉ đạo hội nghị. |
Qua 3 năm triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau”, Cà Mau cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu đề ra: Hoàn thiện hạ tầng CNTT; triển khai các thành phần cốt lõi, cấu trúc nền tảng của Chính quyền điện tử; triển khai các ứng dụng của hệ thống Chính quyền điện tử đến tất cả các huyện, các xã trên địa bàn tỉnh.
Hiện, các phần mềm ứng dụng dùng chung của tỉnh tiếp tục được nâng cấp, duy trì hoạt động và sử dụng rộng rãi trong các cơ quan Nhà nước. Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành (VIC) có trên 470 đơn vị sử dụng; phần mềm Một cửa điện tử có 139 đơn vị sử dụng; có 966 chữ ký số được sử dụng; có 150 cơ quan, đơn vị sử dụng hộp thư điện tử...
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thân Đức Hưởng chủ trì hội nghị. |
Các văn bản, tài liệu giữa các cơ quan đơn vị đều được trao đổi trên môi trường mạng, chữ ký số đã được các cơ quan đơn vị các cấp chú trọng sử dụng ngày nhiều. Qua đó, góp phần đảm bảo an toàn thông tin, nâng cao hiệu quả làm việc, tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí trong hoạt động của từng cơ quan, đơn vị.
Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh tiếp tục được nâng cấp; mở rộng thêm danh sách đơn vị để cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt đối với các thủ tục thuộc lĩnh vực có số lượng giao dịch lớn như: thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, điện lực, cấp nước. Phần mềm Một cửa điện tử đã được triển khai sử dụng từ cấp tỉnh đến huyện, xã nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC ở các cơ quan quản lý Nhà nước để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn./.
Hồng Phượng